Thể thao

Tuyển Việt Nam và nỗi buồn bóng đá Đà Nẵng

08:44, 28/11/2020 (GMT+7)

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vừa công bố danh sách đội tuyển quốc gia được tập trung nhằm chuẩn bị cho chiến dịch vòng loại (thứ 2) World Cup 2022 và AFF Cup 2020, khởi tranh trong năm 2021. Đã có sự vui mừng từ một bộ phận người hâm mộ Đà Nẵng khi ở lần tập trung này, SHB Đà Nẵng đóng góp 3 cầu thủ gồm thủ môn Nguyễn Tuấn Mạnh cùng 2 tiền đạo Hà Đức Chinh và Phan Văn Long. Thế nhưng, bên cạnh đó, phần lớn đều ngậm ngùi bởi thực tế, chỉ mỗi Phan Văn Long mới là cầu thủ được bóng đá Đà Nẵng phát hiện, đào tạo và trưởng thành.

Quách Tân (áo xanh) - một trong những “sản phẩm” tốt của bóng đá Đà Nẵng và không được sử dụng, nhưng đã trở thành trụ cột của Than Quảng Ninh tại V-League 2020 và nay được tập trung đội tuyển quốc gia. Ảnh: ANH VŨ
Quách Tân (áo xanh) - một trong những “sản phẩm” tốt của bóng đá Đà Nẵng và không được sử dụng, nhưng đã trở thành trụ cột của Than Quảng Ninh tại V-League 2020 và nay được tập trung đội tuyển quốc gia. Ảnh: ANH VŨ

Một thời, việc được “ăn cơm đội tuyển” từng là chuyện bình thường với cầu thủ Quảng Nam - Đà Nẵng trước kia và Đà Nẵng hiện nay. Không chỉ thế, những Phan Thanh Hùng, Trần Minh Toàn, Phan Công Thìn, Bùi Thông Tân hay Anh Tài, Hùng Dũng rồi Châu Lê Phước Vĩnh, Huỳnh Quốc Anh, Phan Thanh Hưng hay gần đây, Hồ Ngọc Thắng, Võ Huy Toàn… luôn là những trụ cột của đội tuyển Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Đáng tiếc, trong vài năm trở lại đây, ước mơ “lên tuyển” của cầu thủ SHB Đà Nẵng chẳng khác việc “hái sao trên trởi”. Phải chăng, bóng đá Đà Nẵng không còn những tài năng đủ để khoác áo các đội tuyển quốc gia?

Từng có những tuyên bố: “Đà Nẵng không biết làm bóng đá, không biết đào tạo cầu thủ trẻ”. Song không thể phủ nhận, những trụ cột mang lại 2 danh hiệu vô địch V-League 2009 và 2012 là những Phước Vĩnh, Quốc Anh, Võ Hoàng Quãng, anh em Phan Thanh Phúc - Phan Thanh Hưng, Phan Duy Lam… Và những cái tên ấy là sản phẩm của Trung tâm Đào tạo Bóng đá Đà Nẵng từ những năm 1997-1998. Nhờ đó, SHB Đà Nẵng mới có thể hưởng lợi từ thành quả của bóng đá Đà Nẵng để tạo nên thương hiệu của mình trên sân cỏ quốc gia.

Nhưng kể từ khi bóng đá Đà Nẵng được chuyển giao cho SHB Đà Nẵng, việc các cầu thủ Đà Nẵng được triệu tập lên các đội tuyển quốc gia dần thưa thớt. Ngoại trừ Hà Đức Chinh hoặc thi thoảng có thêm Đỗ Thanh Thịnh, Bùi Tiến Dụng hay Phạm Trọng Hóa, đều là sản phẩm của Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng Bóng đá Việt Nam (PVF). Theo ý kiến từ Ban huấn luyện CLB Chuyên nghiệp SHB Đà Nẵng, do công tác đào tạo trẻ không bảo đảm nên dù muốn CLB SHB Đà Nẵng vẫn không thể sử dụng cầu thủ do chính Trung tâm Đào tạo Bóng đá Trẻ SHB Đà Nẵng đào tạo (?). Ngược lại, có khá nhiều ý kiến khẳng định, việc Ban huấn luyện SHB Đà Nẵng không muốn đôn cầu thủ trẻ lên cũng như không tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ thi đấu là nguyên nhân chính dẫn đến việc những cầu thủ có khả năng dần mai một. Mặt khác, việc không sử dụng cầu thủ trẻ từ các tuyến U19, U21 cũng chỉ để khẳng định ý kiến từ một số cá nhân rằng: “Bóng đá Đà Nẵng không biết đào tạo cầu thủ trẻ”.

Nhìn vào danh sách cầu thủ được tập trung đội tuyển lần này, cùng với Phan Văn Long còn có tên của một cầu thủ từng được đào tạo và trưởng thành từ Đà Nẵng, từng là trụ cột của Than Quảng Ninh ở mùa giải qua là tiền vệ Giang Trần Quách Tân. Như thế, liệu rằng, có mâu thuẫn chăng giữa chất lượng đào tạo trẻ của bóng đá Đà Nẵng và cách đánh giá của một vài cá nhân? Đã đến lúc, cần phải đánh giá lại và có sự điều chỉnh để tăng thêm tính bản sắc, tạo cơ hội phát triển cho cầu thủ trẻ, thay vì lao vào thị trường chuyển nhượng nhằm tìm kiếm thành tích nhưng không có nhiều ý nghĩa với sự phát triển bền vững của bóng đá sông Hàn.

BẢO AN

.