Đà Nẵng cuối tuần

Khảm xà cừ

07:26, 07/02/2015 (GMT+7)

Tết đến, nhà nhà bắt đầu gia công lại hoặc đặt mua mới bàn thờ gia tiên có khảm xà cừ. Bằng bàn tay, khối óc và sự tỉ mỉ của mình, người thợ khảm xà cừ của thành phố đang âm thầm thổi hồn cho những chiếc tủ thờ thô mộc, đơn giản trở thành tác phẩm nghệ thuật thực sự.

Người thợ đang dùng “bút” sắt thổi hồn vào bức tranh xà cừ. Ảnh: M.T
Người thợ đang dùng “bút” sắt thổi hồn vào bức tranh xà cừ. Ảnh: M.T

Nhọc nhằn quá trình tạo tác

Mặc cho Tết đang đến gần, mặc cho các đơn đặt hàng lũ lượt kéo về, mặc cho sự hối thúc, giục giã từ khách, anh Đoàn Đại Quốc (chủ xưởng khảm xà cừ Quốc Vũ trên đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê) có thâm niên 25 năm làm nghề, vẫn từ tốn, nhẫn nại trong từng công đoạn để hoàn thành một tác phẩm bởi: “Thợ khảm xà cừ chỉ có thể kéo dài thời gian làm việc đến tận khuya chứ không thể nóng vội đẩy nhanh tốc độ trong từng thao tác. Chỉ một sơ suất nhỏ sẽ phải bỏ đi toàn bộ tác phẩm, thậm chí hư mặt gỗ”.

Trước mỗi tác phẩm, anh Quốc phải tốn nhiều thời gian chỉ để đưa lên, đặt xuống, cân nhắc, tưởng tượng khi ánh sáng chiếu lên miếng xà cừ nào thì sẽ tạo nên màu sắc hài hòa, phù hợp với tổng thể bức tranh sẽ vẽ. Bằng nét bút chì đậm, dứt khoát, anh vẽ trực tiếp lên miếng ốc xà cừ đã chọn, sau đó sử dụng một chiếc cưa nhỏ có lưỡi là sợi thép mảnh, bén ngót để cắt miếng xà cừ thành những hình dáng mềm mại, tinh xảo chính xác đến từng chi tiết.

Mặt gỗ bào nhẵn, mịn màng sẽ được đục theo hình miếng xà cừ. Người thợ đục phải  bảo đảm chiều sâu của hình đục so với mặt gỗ chỉ ở trong ngưỡng từ 1 đến 1,5 mm. Ốc xà cừ sau khi được tạo hình sẽ khảm xuống mặt gỗ, phơi khô và mài nhẵn đến khi miếng ốc xà cừ nổi lên sáng bóng. Tiếp sau đó là công đoạn khó nhất của khảm xà cừ bởi nó đòi hỏi tài năng và khả năng sáng tạo của người chế tác để thổi hồn vào tác phẩm.

Theo đó, người thợ sử dụng một chiếc “bút” bằng sắt, đầu bút nhỏ như kim may, sắc lẹm để vẽ lên miếng xà cừ đã khảm. Từng hình ảnh, chi tiết đạt đến sự tỉ mỉ hoàn hảo lần lượt hiện lên dưới đôi tay tài hoa giúp miếng vỏ xà cừ vô tri trở thành những bức tranh sống động mang trong mình giá trị văn hóa có tính nghệ thuật cao khi kể về những tích tuồng, triết lý sống của người Việt Nam.

Người thợ khảm xà cừ có thể khảm nhiều hình ảnh, điển tích, điển cố xưa theo yêu cầu của khách hàng như Phúc, Lộc, Thọ hay tùng, cúc, trúc, mai… Tuy nhiên, do người Việt từ ngàn xưa đến nay luôn lấy chữ Hiếu làm đầu nên chiếc tủ thờ - nơi bày tỏ tình cảm của người đang sống với những người đã khuất, nơi truyền dạy con cháu sống đạo hiếu, lễ nghĩa - thì hình ảnh phổ biến nhất được khảm lên vẫn là “Nhị thập tứ hiếu” - 24 câu chuyển kể về đạo hiếu mà con cháu muốn dâng kính lên tổ tiên.

Mơ về làng khảm xà cừ truyền thống

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, người ta có thể sử dụng máy móc trong quá trình khảm xà cừ. Tuy nhiên, một tác phẩm nghệ thuật thật sự với các chi tiết tinh xảo lại đòi hỏi bàn tay khéo léo, tài hoa, ngòi bút tinh tế, óc sáng tạo phong phú - điều chỉ có thể đạt được khi người thợ nhẫn nại làm thủ công ở tất cả các công đoạn. Họ miệt mài với những mảnh xà cừ, với từng thớ gỗ để gìn giữ hồn cốt dân tộc, những giá trị truyền thống bao đời nay trong từng gia đình qua những tác phẩm sống mãi với thời gian.

Theo ông Đoàn Thanh Phi, chủ xưởng chế tác (cũng trên đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê) thì tất cả các sản phẩm khảm xà cừ xuất xưởng từ cơ sở của ông đều là những tác phẩm riêng có. Mỗi chiếc tủ thờ khảm xà cừ làm thủ công luôn mang đặc điểm riêng, phản ánh sự sáng tạo ngẫu hứng và tâm hồn của người chế tác. Giá trị của những tác phẩm này vì thế không thể đo bằng vật chất mà còn là sự kết tinh của quá trình miệt mài lao động, niềm say mê sáng tạo của những nghệ nhân tài hoa, tâm huyết với nghề.

Trong những ngày cận Tết, nhu cầu của thị trường tăng cao buộc những người thợ nơi đây kéo dài thời gian làm việc. Có lẽ, những người thợ này gắn bó với nghề không chỉ vì đời sống cơm áo hằng ngày mà còn bởi tình yêu dành cho công việc thổi hồn phách vào những đồ gỗ thô mộc. Nhìn những u sần cùng vết cứa sâu chạy dọc đôi bàn tay, nhìn tấm lưng người thợ cong vòng trong nhiều giờ bên mặt gỗ và mảnh xà cừ, lắng nghe tâm nguyện được thành lập một làng nghề khảm xà cừ trên đất Đà Nẵng của những người thợ nơi đây tôi không khỏi bần thần khi nhớ đến những nghệ nhân từng được tiếp xúc khi đến thăm thành phố Sakai, Nhật Bản.

Tại đây, những chiếc bánh nhỏ dùng với trà đạo hay những chiếc bì thư được làm thủ công đơn giản nhưng luôn được người dân đất nước mặt trời mọc trân trọng tựa kiệt tác. Họ nể trọng và tôn vinh những người thợ thủ công làm ra những tác phẩm giản đơn này. Nghệ nhân được làm việc trong môi trường lý tưởng tuyệt đối.

Quy trình làm việc chuẩn mực của những người thợ thủ công được quảng bá và khai thác trở thành yếu tố du lịch thu hút người dân toàn thế giới. Điều thành phố đạt được không chỉ là nguồn thu từ du lịch mà cao hơn là quảng bá những giá trị truyền thống. Qua đó giúp bạn bè quốc tế quên đi “nếp hằn” rằng nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới này chỉ có công nghiệp hiện đại, những nhà máy có quy mô lớn, sử dụng công nghệ đạt đến tầm nghệ thuật về tính hiện đại cùng sự thân thiện với môi trường.

Theo ông Osami Takeyama, Thị trưởng thành phố Sakai, mặc dù làng nghề truyền thống không tạo ra hàng hóa với số lượng nhiều nhưng những nghệ nhân thủ công luôn được đánh giá cao và nhận sự tôn trọng của người dân cũng như chính quyền địa phương, bởi chỉ các sản phẩm thủ công mới truyền tải hết sự tài hoa trong đôi bàn tay của nghệ nhân.

Các sản phẩm kết tinh hàm lượng khoa học công nghệ cao của Nhật Bản có thể khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Tuy nhiên, những sản phẩm được làm rập khuôn, máy móc và vô cảm đó không thể chuyển tải được nét đẹp truyền thống trong tâm hồn và tính cách người dân xứ sở hoa anh đào đến bạn bè năm châu như các tác phẩm thủ công truyền thống. Chính vì lý do này mà Chính phủ Nhật Bản luôn trân trọng và tạo điều kiện để các làng nghề truyền thống duy trì, phát triển vững vàng.

Cái guồng quay công nghiệp hối hả, vô tri, vô cảm càng khiến cho người Nhật Bản trân trọng, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp. Điều này dường như trái ngược với Việt Nam - đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; với Đà Nẵng - người dân đa phần là nông dân thị dân. Có lẽ vì điều này mà phần lớn người dân Việt vẫn chưa hiểu lắm giá trị của những tác phẩm thủ công có màu sắc và chi tiết thể hiện sự tinh xảo đến khó tin; những tác phẩm đang làm đẹp cuộc sống, làm giàu thêm vốn văn hóa của dân tộc và có khả năng truyền tải những giá trị truyền thống tốt đẹp đến thế hệ tương lai…

MAI TRANG

.