Chuyên đề

Xênh xang đón Tết

07:25, 07/02/2015 (GMT+7)

Ngày Tết, ngoài những lễ nghĩa truyền thống thì con người luôn hướng đến hai yếu tố: ăn ngon và làm đẹp. Nhờ đó những dịch vụ phục vụ cho nhu cầu ăn và làm đẹp cũng trở nên hút khách hơn trong những ngày cận Tết.

Món đặc sản chả bò bà Hường hút khách những ngày trước Tết.
Món đặc sản chả bò bà Hường hút khách những ngày trước Tết.

Dịch vụ làm đẹp hút khách

Những ngày cuối năm, các tiệm làm tóc, spa tấp nập khách. Mỗi người một kiểu nhưng dịch vụ thường được các chị em ưa chuộng nhất là: uốn, ép, nhuộm tóc và chăm sóc da. Chị Diệu Hiền, chủ tiệm tóc cùng tên trên đường Nguyễn Phan Vinh, quận Sơn Trà, cho biết còn 2 tuần nữa là Tết nên đây là thời gian chị em phụ nữ bắt đầu đến tiệm để có mái tóc đẹp đón năm mới. Lượng khách đông, tăng gấp 2-3 lần so với những ngày thường. Giá uốn, duỗi hay nhuộm một mái tóc từ 250-270 nghìn đồng.

Theo chị Diệu Hiền, chị chỉ dùng các loại thuốc của Hàn Quốc hay Thái Lan, giá vừa phải, với lại mặt bằng chị thuê chỉ có giá 2 triệu đồng/tháng nên giá làm một mái tóc không cao, chỉ nhỉnh hơn ngày thường một ít.

Một mái tóc mới uốn, ép, nhuộm bao giờ cũng đẹp hơn sau từ 2-3 tuần. Bởi lúc này màu nhuộm mới bắt đầu lên màu đều, óng đẹp. Các kiểu tóc uốn, ép cũng vậy, qua một thời gian mới bắt đầu thành nếp, thành lọn... và đây là lý do chị em thường chọn thời điểm này để “tân trang”. Anh Nguyễn Trọng Vinh, chủ salon tóc A Tom trên đường Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, cho biết năm nay mẫu tóc thiên về tóc ngắn, tóc tém; nhuộm màu đỏ ruby, đỏ rượu chát hoặc màu chocolate đậm.

Năm nay xu hướng kết hợp uốn và nhuộm nhiều hơn mọi năm; nếu duỗi tóc thì vẫn uốn phần gốc. Với các bạn tuổi teen hay người tóc ít thì làm duỗi xù. Từ trung tuần tháng 11 âm lịch, khách đến làm tóc đông dần, hiện nay mỗi ngày tiệm đón trên 20 khách, thường sử dụng cả 2 dịch vụ uốn+ nhuộm hoặc duỗi+nhuộm, với giá trung bình 600-700 nghìn/đầu, dùng thuốc của hãng Davines (Ý).

Dạo qua nhiều tiệm làm tóc nhỏ ở Hải Châu, Cẩm Lệ, thấy giá uốn tóc ổn định ở mức 300-350 nghìn. Còn chủ tiệm dùng thuốc của hãng nào để uốn, nhuộm cho khách thì khách hàng không thể nào biết được. Trong khi đó thuốc uốn, nhuộm của Việt Nam không được ưa chuộng bằng thuốc của Thái Lan, Hàn Quốc. Theo chủ nhiều tiệm làm tóc, một số loại thuốc uốn, nhuộm của Trung Quốc có giá 10 nghìn đồng/bình, chất lượng kém khiến tóc dễ bợt màu, tóc uốn nhanh vào nếp nhưng sau độ vài tuần thì mất nếp nhanh chóng…

Các tiệm Spa cũng đang vào mùa làm đẹp cho chị em. Dịch vụ được các chị em ưa chuộng nhất là nâng cơ mặt, sử dụng serum trẻ hóa da, tắm dưỡng toàn thân và tắm trắng tự nhiên… Giá các loại dịch vụ này khá phù hợp với túi tiền nên nhiều người sẵn sàng “móc hầu bao”. Lượng khách đến spa vào các ngày trước Tết cũng đông hơn những ngày thường. Giá trung bình cho một lần làm mặt với nhiều công đoạn: tẩy trang, rửa mặt, tẩy da chết, chạy máy siêu âm mờ nếp nhăn, hút mụn, massage, xông hơi, đắp mặt nạ… khoảng 100 - 200 nghìn đồng/lần.

Ngoài ra, nhiều dịch vụ làm đẹp cũng thu hút chị em trong dịp gần Tết như: massage toàn thân 100-200 nghìn đồng/lần, nối mi nghệ thuật 200-300 nghìn đồng/lần, tắm trắng 200-400 nghìn đồng/lần… Chủ các spa đều đưa ra lời khuyên: để có làn da đẹp, trắng sáng trong những ngày Tết, bên cạnh việc chăm sóc tại các spa thì các chị em nên dùng thêm các loại dưỡng da phù hợp và quan trọng nhất là phải ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ.

Khách làm tóc ở salon tóc A Tom.Ảnh: H.N
Khách làm tóc ở salon tóc A Tom.Ảnh: H.N

“Nóng” ở các lò làm chả

Trong 3 ngày 11, 12 và 13 tháng Chạp, tiệm chả bò Lê Thị Hường ở số 4 Hoàng Diệu tấp nập khách vào ra. Ngoài lượng người đến mua về ăn, khách du lịch ghé mua và cả những người lấy vài ký chả làm quà biếu cho người thân mang đi xa; 3 ngày qua là thời gian tiệm ấn định cho khách hàng đăng ký lượng chả giao trong những ngày trước Tết. Có ngồi với ông chủ tiệm chả vài giờ buổi sáng mới thấy khách hàng sành ăn cỡ nào, khi nhất nhất đăng ký để mua cho bằng được 7-10 ký chả, giao vào ngày sát Tết.

Chị Thúy An, nhà ở đường Tống Phước Phổ cho hay, cứ mỗi dịp Tết chị lại đến đây đặt vài ký chả, cũng trên 10 năm rồi. Chị An muốn nhận chả vào ngày 27 Tết, nhưng ông chủ đã “khóa sổ” ngày đó nên chị phải nhận sớm, tức vào chiều 26. Hay như cô Nga ở đường Pasteur đặt 4kg chả cho ngày 27, nhưng ông chủ chỉ nhận 3kg, giao vào ngày 26 Tết.

Theo quan điểm của tiệm, “chả làm ra còn phải chia đều cho nhiều người. Mình mà tham thì chỉ nhận đặt cho nhà giàu, còn khách hàng lui tới lâu ni biết lấy gì bán cho họ, rồi để một ít hàng để người nghèo có thể còn đến mua vào những ngày sát Tết”.

Hơn nữa, thịt để làm chả bò thì chỉ dùng được thịt mông, đùi, vai loại 1, số lượng thịt dùng để làm chả nên ở mức vừa phải để số lượng thịt, xương được tiêu thụ hài hòa. Bởi thế, việc ngồi ghi số lượng khách hàng đặt, ngày giao không hề dễ dàng gì với ông chủ tiệm Hoàng Huynh, năm nay 67 tuổi. Vì phải cân đối mỗi ngày trên 10 người thợ (những ngày cận Tết phải kêu thêm thợ) và người trong gia đình làm ra một số lượng chả vừa phải, ước phải trên 300kg chả bò phải giao mỗi ngày. Những người đặt 40 - 50kg trở lên tiệm từ chối không nhận.

Thậm chí những khách hàng đến mua trên 5kg trong những ngày 26 đến 29 Tết, ông chủ cũng từ chối, vì phải “chia đều cho nhiều người”. Không thể đáp ứng đúng yêu cầu, nhiều khách hàng nặng nhẹ, buông lời khó nghe, bảo tiệm làm khó này nọ. Nhưng với tiệm chả bò của bà Hường, kế tục từ đời ông ngoại đến đời con gái, đến nay gần cả 100 năm, thì lời tâm sự chân thành của ông chủ tiệm mới hiểu vì sao có những lời từ chối đặt hàng: hạnh phúc của người sản xuất như chú là được khách hàng tin dùng. Không phải chuyện bán lấy tiền xong là được, vì mình đã nhận lời thì phải có chả cho khách, trong khi sức người có hạn.

Ông kể, hai năm trước, vào ngày 29 Tết, có một cô gái đến hỏi mua chả mà không có, cô liền nói: chú ơi ông nội con năm ni trên 90 tuổi rồi, ưng ăn chả bò của chú mà chừ không có, lỡ qua Tết ông chết thì tội lắm chú. Thế là ông chủ phải để nửa ký chả của nhà mình dành ăn Tết cho cô gái, vì thấy cô có hiếu quá.

Tiệm chả Lộc ở đường Trần Bình Trọng không nhận đặt hàng Tết, hay như ở nhiều tiệm nhỏ chỉ nhận đặt 2-3 ký chả. Anh Quang ở số 59 Nguyễn Phan Vinh, cho biết anh chỉ nhận gói chả cho bà con xung quanh, số lượng ít. Anh chưa ấn định giá cả vì phải phụ thuộc vào giá thịt heo, bò của thị trường, nhưng mức giá chỉ cao hơn giá thịt bò khoảng 15-20 nghìn đồng/kg. Ở một số tiệm thịt bò trong các chợ, chủ quầy nhận đặt chả cho khách và giá cả cũng không cao, trên dưới 300 nghìn đồng/kg.

HOÀNG NHUNG

.