.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Nữ cựu chiến binh theo gương Bác

.

Với tâm niệm sống là để tri ân, cơ sở trồng nấm của bà Vũ Thị Kim Liên (104 Yết Kiêu, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) là lớp học đặc biệt, là nơi hướng dẫn và truyền nghề cho những người muốn làm nấm, những người thiếu may mắn trong cuộc sống.

Mỗi ngày cơ sở trồng nấm của bà Vũ Thị Kim Liên (trái) thu hoạch được hơn 50kg nấm các loại.
Mỗi ngày cơ sở trồng nấm của bà Vũ Thị Kim Liên (trái) thu hoạch được hơn 50kg nấm các loại.

Ngay từ thời niên thiếu, Vũ Thị Kim Liên tham gia du kích rồi trở thành đội trưởng diệt ác của xã. Thời bình, người nữ chiến sĩ ấy lại đem những phẩm chất, ý chí của Bộ đội Cụ Hồ vận dụng vào vai trò của người nông dân để làm giàu. Trang trại trồng nấm rộng hơn 1.000m2 ở Sơn Trà do cựu chiến binh (CCB) Kim Liên gây dựng và bà cũng là một trong số ít người thành công với mô hình trồng nấm linh chi ở Đà Nẵng.

Gần 60 tuổi, bà Liên vẫn nhanh nhẹn, đôi tay thoăn thoắt khi đóng bịch trồng nấm cùng công nhân. Học viên của bà đủ khắp nơi, từ Hội An, Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), Nam Ô (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng)… xin về học. Bà đưa tất cả học viên ra khu trồng nấm, vừa học vừa thực hành. Thậm chí, bà còn chuẩn bị sẵn nguyên liệu thực hành và nhiệt tình cầm tay chỉ việc cho từng học viên tới khi họ làm được thành phẩm. Nhờ đó, nhiều người trong số các học viên của bà rất thành công với các cơ sở trồng nấm tại gia đình ở Hiệp Đức, Tam Kỳ, Thăng Bình…

Bên cạnh đó, cơ sở của bà Liên còn tạo việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo, con em của đồng đội, những người từng cưu mang bà trong những năm tháng chiến tranh. Bà cho biết tuy thu nhập không cao nhưng cũng giúp không ít người ổn định cuộc sống.

Hơn 2 năm gắn bó với cơ sở trồng nấm của bà Liên, chị Lê Thị Tố Nga (ở phường An Khê, quận Thanh Khê) chia sẻ, sau khi học nghề, chị trồng nấm ở nhà. Song, do diện tích ít nên chị làm thêm ở cơ sở của bà Liên để bảo đảm mức thu nhập ổn định hơn. Những lúc rảnh rỗi, cậu con trai đang học Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) của chị Nga cũng theo mẹ lên cơ sở của bà Liên để học nghề.

Do nguyên liệu làm nấm ngày càng cao nên bà Liên phải suy nghĩ, tính toán sao cho tiết kiệm nhất trong sản xuất. Ngoài trồng nấm linh chi, bà còn tận dụng nguyên liệu trồng nấm mèo, nấm rơm, nấm bào ngư, trồng gừng… Bình quân mỗi ngày bà thu được khoảng hơn 50kg nấm các loại. Với suy nghĩ phải lấy ngắn nuôi dài, ngoài trồng nấm, bà còn kết hợp với mô hình vườn-ao-chuồng. Hiện bà có 7 hồ nuôi cá tự nhiên, dưới thả cá, trồng rau, vườn trồng các loại cây ăn quả. Năm 2010, bà tham gia lớp tập huấn nuôi dế của quận Sơn Trà. Sau nhiều lần thất bại, bà tự tìm hiểu và qua bạn bè giới thiệu bà lấy giống dế từ Bắc Giang về nuôi, hiện cơ sở của bà chủ yếu cung cấp giống cho những cơ sở nuôi dế thịt.

Ngoài việc dạy nghề cho những người có hoàn cảnh khó khăn, bà Liên còn tích cực trong các hoạt động xã hội. Chị Nguyễn Thị Ngọc (ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) có hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, một mình nuôi 6 người con, năm 2012 được bà Liên hỗ trợ 10 triệu đồng để lấy vốn làm ăn. Nay 3 người con lớn của chị Ngọc đã ra trường đi làm, còn chị buôn bán tại nhà, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn.

Nói về những hoạt động của bà Liên, chị Nguyễn Thị Kim Thương - Chủ tịch Hội Nông dân phường Thọ Quang - cho biết bà Liên là một trong những người thực hiện rất tốt những điều Bác Hồ dạy về cách sẻ chia, tương thân tương ái. Không chỉ là CCB làm kinh tế giỏi, bà còn rất nhiệt tình trong việc tạo công ăn việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường.

Bài và ảnh: THU HÀ

 

;
.
.
.
.
.