.

Nga không đứng sau biểu tình ở Ukraine

.

Tổng thống Vladimir Putin bác bỏ cáo buộc rằng, các cơ quan của Nga liên quan đến các vụ biểu tình ở Ukraine. Người đứng đầu Điện Kremlin gọi đây là “những đồn đoán dựa trên thông tin không đáng tin cậy”.

Những người ủng hộ Nga đã tấn công một nhà hoạt động thân phương Tây trong một cuộc tuần hành ở Kharkiv (Ukraine).
Những người ủng hộ Nga đã tấn công một nhà hoạt động thân phương Tây trong một cuộc tuần hành ở Kharkiv (Ukraine).

Cuộc điện đàm lần đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin với người đồng cấp Mỹ Barack Obama trong hơn 2 tuần qua thu hút sự chú ý của dư luận khi tình hình Ukraine vẫn đang “nóng”. Song, theo các nhà quan sát, ít có dấu hiệu cho thấy cả hai cường quốc Nga và Mỹ tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Ukraine. Ông Obama thúc giục lực lượng thân Nga tránh làm căng thẳng leo thang ở đông Ukraine, còn ông Putin bác bỏ việc Mátxcơva can thiệp vào khu vực này.

Mô tả cuộc điện đàm của Tổng thống Obama với Tổng thống Putin, Nhà Trắng cho biết, nhà lãnh đạo Mỹ đã bày tỏ quan ngại về việc chính phủ Nga ủng hộ hành động của lực lượng vũ trang, ly khai thân Nga. Washington cho rằng, lực lượng này dọa làm suy yếu và gây mất ổn định chính phủ Ukraine. Ông Obama muốn những người biểu tình ở phía đông Ukraine hạ vũ khí và cũng muốn ông Putin dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục họ rời khỏi những tòa nhà mà lực lượng này đang chiếm giữ.  

Trong khi đó, theo thông tin từ Điện Kremlin, trao đổi với Tổng thống Obama, ông Putin nhấn mạnh rằng, các cáo buộc về việc Nga can thiệp vào khu vực phía đông Ukraine “dựa trên thông tin không đáng tin cậy”. Nhà lãnh đạo Nga cũng thúc giục người đồng cấp Mỹ kêu gọi chính phủ Ukraine ngừng việc dùng vũ lực để chống lại những người biểu tình.

AFP cho biết, cả Mỹ lẫn Nga đều thống nhất rằng, sẽ thúc đẩy kế hoạch tìm giải pháp hòa bình ở đông Ukraine. Theo đó, đàm phán lần đầu tiên giữa 4 bên (gồm Mỹ, Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu) sẽ diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày mai (17-4). Cũng theo AFP, tuy ủng hộ chính phủ lâm thời Ukraine nhưng Tổng thống Obama lại khăng khăng chỉ trích Nga và nói rằng giải pháp ngoại giao vẫn là ưu tiên của ông.  

Căng thẳng Mỹ - Nga càng thêm trầm trọng bởi các sự kiện vào cuối tuần qua: cuộc đụng độ trên Biển Đen giữa một máy bay chiến đấu của Nga với một tàu khu trục của Mỹ và chuyến thăm Kiev của Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan. Lần điện đàm gần đây nhất giữa Tổng thống Obama và người đồng cấp Putin diễn ra vào ngày 28-3. Sau đó, lực lượng được cho là thân Nga chiếm giữ các trụ sở chính quyền địa phương các thành phố và một sân bay nhỏ phía đông Ukraine. Các nhà chức trách Kiev tỏ ra bất lực khi kiểm soát tình hình và “cầu cứu” Mỹ cũng như châu Âu.

Cũng trong ngày 15-4, phát biểu khi đến thăm Bắc Kinh (Trung Quốc), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo chính phủ Ukraine không nên dùng vũ lực để đàn áp những người ly khai ủng hộ Mátxcơva tại miền đông Ukraine. Ông Lavrov gọi hành động như thế là “tội ác” và cho rằng, điều này sẽ gây tổn hại đến cuộc đàm phán dự kiến Geneva. “Không thể vừa điều xe tăng vừa tổ chức đàm phán, và việc sử dụng vũ lực sẽ phá hoại cơ hội do cuộc đàm phán 4 bên”, ông Lavrov nói.

Song, theo Interfax, Ngoại trưởng Lavrov cũng hoan nghênh những dấu hiệu cho thấy Kiev sẵn sàng đối thoại với lực lượng ly khai ở đông Ukraine. Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga khẳng định đây là “bước tiến đúng hướng”.

Phát biểu trước Quốc hội Ukraine ngày 15-4, Tổng thống tạm quyền Olexander Turchynov tuyên bố bắt đầu “hoạt động chống khủng bố” nhằm vào lực lượng biểu tình ở phía đông quốc gia này, cụ thể là khu vực Donetsk. Theo ông, chiến dịch sẽ được thực hiện từng bước. Song, hiện chưa rõ hoạt động này sẽ được mở rộng như thế nào.

Trong khi đó, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố sẽ thêm vào “danh sách đen” các cá nhân bị trừng phạt. Các  nhà lãnh đạo EU dự kiến đầu tuần tới sẽ nhóm họp để quyết định “mạnh tay” hơn nữa với Nga.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.