.

Nguy cơ xung đột quân sự Nga - Ukraine

.

“Tối hậu thư” một lần nữa được Ukraine đưa ra cho lực lượng ly khai thân Nga rằng, hoặc họ phải giải giáp vũ khí, hoặc đối mặt với “hoạt động chống khủng bố tổng lực”. Điều này làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự giữa Ukraine với Nga.

Lực lượng thân Nga đang chiếm giữ các khu vực phía đông Ukraine không có dấu hiệu hạ vũ khí.  						  		         Ảnh: Reuters
Lực lượng thân Nga đang chiếm giữ các khu vực phía đông Ukraine không có dấu hiệu hạ vũ khí. Ảnh: Reuters

Đến sáng 14-4, thời hạn cuối mà Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov đặt ra cho lực lượng ly khai đang chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở phía đông quốc gia này trôi qua, nhưng không có động thái hạ vũ khí của các tay súng được cho là thân Nga. Đồng thời, không có dấu hiệu nào cho thấy những người biểu tình rời khỏi những khu vực mà họ chiếm giữ ở các thành phố Donetsk hoặc Slaviansk. Theo AP, những người biểu tình thân Nga đã phớt lờ “tối hậu thư” của chính phủ Ukraine.

Trong một tuyên bố, Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov khẳng định Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia đã quyết định mở “hoạt động chống khủng bố tổng lực”, với sự tham gia của lực lượng vũ trang Ukraine. Ông Turchynov đổ lỗi Nga đứng sau cuộc nổi loạn ở phía đông Ukraine, mặc dù Mátxcơva nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, có bằng chứng cho thấy lực lượng Nga đứng sau các hoạt động ly khai và những chứng cứ sẽ được Kiev trình tại hội nghị 4 bên (gồm Mỹ, Liên minh châu Âu - EU, Nga và Ukraine) ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 17-4 tới. Các nhà chức trách Kiev vốn lo ngại một “kịch bản Crimea” sẽ lặp lại với phía đông Ukraine. Tổng thống Turchynov cũng cam kết “không cho phép lặp lại ở phía đông những gì đã xảy ra tại Crimea”.

Bà Samantha Power, đại diện của Mỹ tại LHQ, xác nhận Washington sẽ vẫn tham gia đối thoại về khủng hoảng của Ukraine tại Geneva. Vị quan chức này còn nói rằng, nếu đàm phán thành công thì Nga sẽ phải lý giải việc triển khai 40.000 binh sĩ ở biên giới đông Ukraine.

Một bài phân tích được Tân Hoa xã đăng tải nhận định: đàm phán 4 bên mở ra cơ hội cho đối thoại và hòa bình. Trong khi đó, Nga cho rằng, chính phương Tây phải có trách nhiệm trong việc ngăn chặn nội chiến ở Ukraine. Đại sứ Nga Vitaly Churkin chỉ trích cái gọi là “hội chứng bài Nga lố bịch” trong Quốc hội Ukraine khi tham dự phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ. Ông Vitaly Churkin kêu gọi Kiev không dùng vũ lực chống lại những người thân Nga vì làm như vậy chẳng khác gì tiến hành cuộc chiến chống lại chính nhân dân của mình. Trái với quan điểm của bà Samantha Power, ông Churkin dự đoán khả năng tiến hành cuộc gặp 4 bên có thể bị phá vỡ, nếu chính quyền Ukraine bắt đầu các hành động quân sự như tuyên bố đe dọa mà Kiev đưa ra.

Dự kiến Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton lần đầu tiên sẽ gặp gỡ trực tiếp các ngoại trưởng Mỹ, Nga và Ukraine để bàn thảo giải pháp tháo gỡ khủng hoảng. Ngay trong ngày 14-4, các ngoại trưởng EU cũng nhóm họp ở Luxembourg.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây vẫn đang xấu đi nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay. Khủng hoảng xung quanh vấn đề Ukraine còn dẫn đến cuộc chiến khí đốt - vấn đề khiến nhiều nước có liên quan lo ngại.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.