.

Châu Âu khó tìm giải pháp cân bằng

.

Mỹ đang nỗ lực thuyết phục châu Âu áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga xung quanh vấn đề Ukraine, đồng thời cảnh báo Mátxcơva nên lùi bước, nếu không sẽ chịu thêm những thiệt hại về tài chính.

Một người biểu tình thân Nga chắn ngay lối vào tòa nhà cơ quan an ninh ở Lugansk, Ukraine.  Ảnh: EFE/EPA
Một người biểu tình thân Nga chắn ngay lối vào tòa nhà cơ quan an ninh ở Lugansk, Ukraine. Ảnh: EFE/EPA

Tuy nhiên, với châu Âu, thật khó để cân bằng hành động. Châu Âu vừa muốn Nga phải “trả giá” cho việc sáp nhập Crimea và tình hình khủng hoảng tại đông Crimea hiện nay, nhưng lại lo ngại lục địa già cỗi này sẽ chịu những thiệt hại từ chính sự trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây.

Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, hằng năm nhập hơn ¾ lượng dầu thô và khí đốt xuất khẩu của Mátxcơva. Vì vậy, chỉ một cái “hắt hơi” từ Mátxcơva cũng ảnh hưởng rất lớn đến châu lục này. Đặc biệt, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin dọa sẽ cắt giảm lượng khí đốt bán cho 18 nước châu Âu khi Ukraine không trả trước tiền mua khí đốt, thì các nước châu Âu càng không khỏi lo ngại sự thiếu hụt năng lượng. Theo ông Putin, EU chính là nguyên nhân khơi mào cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, chứ Nga không có tham vọng chiếm lấy miền đông Ukraine. Động thái của EU buộc Nga “không còn lựa chọn nào khác” là phải thắt chặt nguồn cung khí đốt cho liên minh gồm 28 thành viên.

Hiện tổng khoản nợ mà Ukraine phải thanh toán cho Nga là 16,6 tỷ USD, trong đó riêng khoản nợ mua khí đốt là 2,2 tỷ USD. Thông điệp của Tổng thống Putin là châu Âu cần hợp tác với Nga để tháo gỡ bế tắc hiện nay. Nhưng để thực hiện được thông điệp này, với châu Âu, quả là điều khó, bởi một bên là sự thúc ép của Mỹ, một bên là lợi ích của chính châu lục.

Vấn đề là bất kỳ động thái trừng phạt mới nào của Liên minh châu Âu (EU) cũng cần sự phê chuẩn của 28 thành viên. Tháng trước, EU trừng phạt 33 cá nhân của Nga và Crimea, còn Mỹ trừng phạt 31 người. Đồng thời, Washington cũng cấm các công ty và cá nhân Mỹ giao dịch với Ngân hàng Rossiya, vốn nắm giữ khoảng 10 tỷ USD tài sản của các thành viên chính phủ Tổng thống Putin. Các biện pháp trừng phạt mới được cho là sẽ mở rộng hơn, nhằm vào các quan chức cấp cao Nga. Theo đó, họ sẽ bị “đóng băng” tài sản và bị cấm visa vào Mỹ hoặc EU. Konstanty Gebert, nhà phân tích ở Hội đồng châu Âu về đối ngoại, cho rằng châu Âu có thể áp đặt cấm vận thương mại chống Crimea - bán đảo có 2 triệu dân vừa được sáp nhập vào Nga.

Còn với Mỹ, việc cấm các công ty của Mỹ giao dịch với Nga chắc chắn không mang lại lợi ích cho Washington. Điều dễ thấy nhất là sau khi lệnh cấm vận kết thúc, sẽ phải mất nhiều năm để các doanh nghiệp Mỹ giành lại chỗ đứng ở Nga. Và hơn ai hết, chính phủ của Tổng thống Barack Obama hiểu rõ thiệt hại của nền kinh tế toàn cầu, chứ không riêng gì Nga, khi Chiến tranh Lạnh diễn ra. Ngày 22-4 tới, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Ukraine để khẳng định sự ủng hộ của Washington và những bước đi nhằm tăng cường an ninh năng lượng của Kiev.

Song, tình hình đông Ukraine hiện vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 13-4, chính phủ quốc gia này mở “chiến dịch chống khủng bố” ở thị trấn miền đông Slavyansk, nơi người biểu tình ly khai chiếm các tòa nhà cảnh sát và an ninh. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo nước ông có thể rút khỏi Hội nghị thượng đỉnh Ukraine vào tuần này nếu Kiev dùng vũ lực chống lại người dân ở khu vực đông nam.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.