.

Khẳng định mạnh mẽ chủ quyền

Hội thảo “Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng” lần thứ 5 vòng 4 do Báo Đà Nẵng đăng cai tổ chức vào ngày 26-3, đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2015); 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2015).

Trong không khí hân hoan kỷ niệm các sự kiện này, cũng là dịp khơi gợi trong mỗi người dân Việt - nhất là thế hệ trẻ - tình yêu đất nước, trân trọng lịch sử hào hùng của dân tộc, hội thảo nhằm góp thêm tiếng nói khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa dựa trên những chứng cứ lịch sử, chỉ có điều Trung Quốc cố tình phớt lờ sự thật này. Bản đồ toàn lãnh thổ Trung Quốc năm 1904 không có Hoàng Sa, Trường Sa; điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam. Các bản đồ do các học giả phương Tây soạn vẽ và xuất bản trong các thế kỷ XVI - XIX; các tư liệu thành văn gồm 6 thứ tiếng: Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan, do các nhà địa lý, nhà hàng hải và học giả phương Tây biên soạn và xuất bản trong các thế kỷ XVII - XIX cũng đề cập hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này (*).

Tuy nhiên, Trung Quốc không từ bỏ dã tâm chiếm Biển Đông, một trong những khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia khác trên thế giới. Năm 1956, Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm và nay họ thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bước leo thang của nhà cầm quyền Trung Quốc trong chiến lược độc chiếm Biển Đông, sau chính sách “đường lưỡi bò” (đường chín đoạn) được Bắc Kinh tự dựng lên trong thời gian qua, bằng việc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với các máy bay, tàu chiến hộ tống, dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam vào tháng 5-2014… đã làm Biển Đông dậy sóng.

Dã tâm của Trung Quốc được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn, hành vi ngày càng nguy hiểm, thâm độc, mặc dù luôn bị cộng đồng quốc tế cũng như các nước trong khu vực phản đối, lên án. Cuộc hải chiến bi hùng ở Hoàng Sa năm 1974 đã đi qua hơn 40 năm và cuộc hải chiến ở Trường Sa vào năm 1988 đã đi qua 27 năm, nhưng tâm trí của người dân Việt Nam vẫn thao thức vì chúng ta phải củng cố bằng chứng cũng như niềm tin rằng, Hoàng Sa và Trường Sa mãi mãi là một phần của đất mẹ Việt Nam, để người láng giềng “16 chữ vàng”, “4 tốt” không thể vô cớ xâm phạm.

“Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ”. Phát biểu chí lý, chí tình của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời phỏng vấn hãng AP và Reuters tại thủ đô Manila của Philippines vào ngày 22-5-2014 khiến những trái tim đang hướng về Biển Đông vỡ òa.

Trước tình hình đó, hơn bao giờ hết, ý thức của công dân trong việc bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc vốn là điều tự nhiên, được chứng minh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giành độc lập dân tộc, nay càng phải được nâng lên. Không đứng ngoài cuộc, không thể tách khỏi dòng thời sự chủ lưu này, hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam đã tích cực, bền bỉ đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo; phản bác các thông tin, luận điệu sai trái; kiên quyết lên án hành động ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981.

Trong công tác tuyên truyền, đấu tranh  này, trong đó có sự góp sức đáng kể của báo Đảng cả nước nói chung và báo Đảng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng. Hàng trăm phóng viên đã kiên trì, dũng cảm cùng các lực lượng chấp pháp nước ta đến nơi đầu sóng ngọn gió của Hoàng Sa, bất chấp hiểm nguy để tác nghiệp, kịp thời đưa thông tin nóng hổi, chính xác từ thực địa, vạch trần những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc; giúp dư luận trong nước và quốc tế hiểu rõ bản chất sự việc, đồng tình với chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước và ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này.

Ngay cả việc Trung Quốc tự rút giàn khoan Hải Dương- 981 cũng có sự đóng góp rất lớn của báo chí. Chính các phương tiện truyền thông đã khơi lên làn sóng chỉ trích từ phía dư luận trong nước và quốc tế đối với hành động xem thường Công ước quốc tế của Trung Quốc, gây sức ép buộc nhà cầm quyền Bắc Kinh phải rút giàn khoan. Tiếng nói và vai trò của báo chí, trong đó có báo Đảng, đã được thể hiện rõ.

Hội thảo “Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng” là dịp để các cơ quan báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung chia sẻ về cách thức tuyên truyền vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc; qua đó càng tạo nên tiếng nói mạnh mẽ, góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa là không thể chối cãi được. Hoàng Sa là của Đà Nẵng. Hoàng Sa là của Việt Nam. Trường Sa là của Việt Nam.

Rất nhiều tham luận của các báo đã gửi đến hội thảo nhấn mạnh rằng, chủ quyền biển đảo là đề tài trọng tâm và xuyên suốt trong nội dung tuyên truyền, rằng báo chí cũng phải “ra khơi”. Các tham luận cũng rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, khẳng định tầm quan trọng của việc nắm vững, quán triệt hướng dẫn của cấp trên về công tác tuyên truyền, linh hoạt và chủ động trong xử lý thông tin, điều tiết lượng tin, bài phù hợp với tình hình thực tế; tầm quan trọng của đội ngũ biên tập viên, phóng viên tâm huyết, có tay nghề, được trang bị đầy đủ phương tiện tác nghiệp và sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, v.v…

Sự tâm huyết, có trách nhiệm của các cơ quan báo chí cũng chính tình cảm và tâm thế của cả dân tộc từng trải qua những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Bởi lẽ, “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

MAI TÚ


(*) Bài viết “Theo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa- Trường Sa” của Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng.
 

 

;
.
.
.
.
.