.

Tập hợp và phát huy sức mạnh doanh nhân

.

Qua nhiều kỳ đại hội, Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Cụ thể hóa quan điểm đó, thành phố Đà Nẵng đã có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Đội ngũ doanh nhân thành phố đang trở thành một lực lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển bền vững của thành phố.

Vượt qua bao khó khăn, thách thức của khủng hoảng kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp thành phố không chỉ trụ vững mà còn phát triển mạnh mẽ. Thực hiện vai trò, chức năng của mình, Mặt trận các cấp của thành phố đã không ngừng tập hợp đội ngũ doanh nhân dưới “mái nhà chung” là các hiệp hội, hội doanh nghiệp là thành viên của Mặt trận. Hiện nay, trong Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố có 11 vị ủy viên là doanh nhân. Trong Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp quận, phường đều có đại diện của cộng đồng doanh nghiệp. Họ chính là những hạt nhân thu hút, tập hợp, đoàn kết các doanh nhân trong khối đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân vì một mục tiêu chung xây dựng Đà Nẵng hiện đại, văn minh.

Hướng tới mục tiêu đó, đội ngũ doanh nhân không ngừng nỗ lực vượt khó, sáng tạo, đổi mới công nghệ, đầu tư vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, khẳng định thương hiệu Việt. Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới... Sức lan tỏa của cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và những thành quả giảm nghèo của thành phố trong những năm qua có sự chung tay đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân.

Với việc sử dụng thuật ngữ “đội ngũ doanh nhân” tại Đại hội lần thứ XI, Đảng ta chính thức thừa nhận lực lượng này là một trong 4 lực lượng xã hội cơ bản trong cơ cấu giai tầng xã hội của Việt Nam. Vì lẽ đó, đoàn kết, tập hợp doanh nhân vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận. Vận dụng vào nhiệm vụ của mình, Mặt trận thành phố và tổ chức thành viên là hiệp hội, hội doanh nghiệp cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tập hợp, đoàn kết doanh nhân, tập hợp cả các tổ chức tự phát của các nhóm doanh nhân dưới hình thức câu lạc bộ. Từ đó, Mặt trận cần thể hiện được ý chí và chuyển tải được ý kiến, nguyện vọng chính đáng của doanh nhân đến cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, văn bản điều hành, quản lý có tác động đến hoạt động của doanh nghiệp. Tiếng nói giám sát và phản biện của Mặt trận theo tinh thần Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) cần góp phần cùng thành phố ban hành những chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp một cách đúng đắn, hiệu quả tạo được sức phát triển đột phá cho doanh nghiệp.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Mặt trận chủ trì cần kích thích, phát huy tinh thần dân tộc trong đội ngũ doanh nhân thể hiện trong việc nỗ lực nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, giá cả cạnh tranh để xây dựng thương hiệu hàng Việt uy tín trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Cuộc vận động cần tạo được nhận thức cao trong toàn xã hội ý thức tự hào về hàng Việt, thương hiệu Việt đưa đến thói quen tiêu dùng hàng Việt; góp phần thúc đẩy doanh nhân Việt Nam lớn mạnh.

Với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Mặt trận có vai trò tác động tích cực đến cộng đồng doanh nhân. Đó là cổ vũ những tấm gương làm giàu chân chính, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ doanh nghiệp và có trách nhiệm xã hội; đồng thời lên án những biểu hiện làm ăn gian dối, gian lận thương mại, trốn thuế và hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng tiêu cực đến những doanh nhân làm ăn chân chính.

Rõ ràng, các phong trào và cuộc vận động của Mặt trận đều không thể thiếu cộng đồng doanh nhân, một trong những lực lượng quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng đời sống nhân dân no ấm, thành phố văn minh hiện đại và đáng sống.

CHU VĂN

;
.
.
.
.
.