.

Phố chuyên doanh cần gì?

.

Thông tin trên Báo Đà Nẵng vừa qua cho biết, sau phố chuyên doanh thời trang đường Lê Duẩn và phố điểm tâm đường Huỳnh Thúc Kháng, quận Hải Châu sẽ xây dựng thêm gần 20 phố chuyên doanh khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nguồn thu ngân sách; trong đó có phố ẩm thực đường Phạm Hồng Thái, phố chuyên doanh về hoa, cây cảnh dọc bờ sông từ cầu Tiên Sơn đến cầu Hòa Xuân, phố chuyên doanh vải ở đường Cô Giang, phố chuyên doanh thời trang đường Phan Châu Trinh, phố điện tử - kỹ thuật số đường Hoàng Diệu, phố dịch vụ du lịch đường Bạch Đằng; phố quà lưu niệm và tặng phẩm, phố điện tử, kỹ thuật số, cơ khí…

Các quận khác như Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ… cũng đã bắt đầu xuất hiện các đường phố chuyên doanh như mỹ nghệ Non Nước, phụ tùng ô-tô, cây cảnh, ẩm thực theo lối tự phát…

“Buôn có bạn, bán có phường” từ lâu đã được ông cha ta đúc kết, nhằm tạo thuận lợi cho người tiêu dùng đồng thời những nhà buôn cũng có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, giá cả, kho hàng, hợp tác kinh doanh… Cũng từ xưa, một Hà Nội có 36 phố phường, mỗi phố là một ngành hàng. Hải Phòng có chợ Sắt; thành phố Hồ Chí Minh có chợ vải Soái Kình Lâm; các chợ rau quả, lúa gạo, trái cây, các khu phố kinh doanh cùng mặt hàng ở Chợ Lớn,

Cầu Ông Lãnh… Các chợ hay phố kinh doanh này phát triển dựa vào điều kiện địa lý tự nhiên như bến thuyền, bến xe kho bãi hay đặc điểm của cư dân-người tiêu dùng  mỗi vùng. Gần Đà Nẵng còn có một đô thị cổ Hội An cũng đã hình thành các khu phố ẩm thực, phố may mặc, phố hàng lưu niệm, phố giải khát, phố homestay… bên cạnh các di tích lịch sử văn hóa, các vùng ven đô… Nhiều nước tiên tiến trên thế giới cũng không nằm ngoài các đặc điểm nêu trên, nhưng quy mô đã lớn hơn. Họ có các phố, các khu phố, các đô thị vệ tinh tập trung những hoạt động về tài chính, ngân hàng, điện tử, công nghệ, hàng hải nổi tiếng…

Việc hình thành các phố, các khu phố hoặc khu vực kinh doanh đó, tuy quy mô có thể khác nhau, nhưng lại trở nên thuận lợi cho công tác quản lý đô thị và trật tự xã hội. Chính vì vậy, vai trò quy hoạch, tổ chức quản lý của các chính quyền đô thị nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng các phố chuyên doanh là cần thiết. Thậm chí, các ngành quản lý về an toàn thực phẩm, thuế, thống kê… cũng chia sẻ được lợi ích khi tác nghiệp theo phận sự của mỗi ngành, vì sự thuần nhất, tương đồng của người kinh doanh mà họ đang quản lý.

Tuy vậy, nếu đi qua các phố chuyên doanh vừa hình thành ở Đà Nẵng, chúng ta vẫn còn thấy nhiều bất cập. Sự tranh giành, có lúc là lôi kéo khách ở các phố ẩm thực vẫn còn diễn ra, gây không ít phiền hà. Tôi có dịp vào khu ẩm thực Maxell (Singapore) và khu ăn uống ở thành phố Oklahoma (Mỹ), khách tự do chọn lựa món ăn, quầy bán và có thể ngồi bất cứ vào bàn nào, mỗi bàn đều có đánh số. Bạn chỉ cần nói bạn ngồi ở bàn số mấy, nhân viên sẽ mang thức ăn đến cho bạn; có khi cách xa đến 50 mét. Không có cảnh như ở ta, manh mún và đầy tính đố kỵ!

Ở phố thời trang Lê Duẩn, vẫn còn chứng kiến cảnh người bán hàng cằn nhằn với người mua khi họ trả giá hoặc hỏi đi hỏi lại một món hàng; mà đúng ra người bán phải kiên trì giải thích, nhã nhặn hướng dẫn để bán được hàng, để có lãi như ở nhiều khu mua bán văn minh khác… Lại có một ông chủ tiệm tạp hóa còn nạt nộ người mua, bởi vì khách đến mua hàng đông! Một chủ tiệm kính mắt bán một chiếc kính cho người khách cao hơn đến vài trăm ngàn so với tiệm bên cạnh vì giỏi nói thách. Người khách khi biết được đã không bao giờ trở lại…

Nêu ra những trường hợp như trên để thấy rằng, việc hình thành các phố, các khu phố kinh doanh như đang diễn ra là một lợi ích cho nhiều phía: người buôn bán, người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng cái chúng ta còn thiếu đó là thái độ văn minh trong buôn bán, hợp tác trong kinh doanh của các tiểu chủ, tiểu thương. Tất nhiên, theo quy luật của thị trường, những tồn tại như vậy sẽ tác động lại với người buôn bán vì sự không hài lòng của khách hàng. Nhưng mặt khác, các nhà quản lý đô thị cũng cần quan tâm, là uy tín của một phố, một khu phố chuyên doanh trong trường hợp như vậy, sẽ để lại tiếng xấu nhiều khi khó cứu vãn.

Trong nghệ thuật tiếp thị và quảng bá thương hiệu, giáo sư John Quelch, Hiệu trưởng Trường Thương mại Harvard từng nhấn mạnh rằng: Sự rỉ tai, truyền miệng của người tiêu dùng có vai trò quan trọng vì ở khía cạnh tâm lý, họ luôn tin vào bạn bè họ, người đến trước họ nói lại những phiền toái hoặc giới thiệu các mặt tích cực của một điểm đến! Tôi cho rằng trong kinh doanh và quảng bá các phố chuyên doanh, điều vị giáo sư uy tín này nói, cần được xem như bài học gối đầu giường!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.