.

Từ nguyên tiêu đến hội thơ hằng tháng

Hưởng ứng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13, trong những ngày qua, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, Hội Nhà văn thành phố và các quận, huyện, nhiều xã, phường tổ chức đêm thơ nguyên tiêu với chủ đề hướng về biển, đảo của Tổ quốc, thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, ngợi ca thành phố Đà Nẵng và đất nước vào xuân…

Điều đáng nói địa điểm tổ chức các đêm thơ đều được đơn vị tổ chức lựa chọn kỹ càng và đều là các địa điểm hoạt động văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa như: Đình làng Hải Châu, Nghĩa trủng Khuê Trung, Nhà hát Trưng Vương… Không gian văn hóa đã chắp cánh cho hồn thơ bay cao và bay xa trong đêm trăng sáng. Những hoạt động phụ trợ như: thả hoa đăng, thả chim bồ câu, dâng hương tưởng nhớ Thành hoàng, các vị tiền hiền, hậu hiền, các anh hùng nghĩa sĩ vị quốc vong thân…; trầm hùng giọng ngâm bài thơ “Thần” của vị tướng quân tài hoa Lý Thường Kiệt, ngân nga giọng ngâm bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng làm cho đêm thơ thêm trang trọng.

Người nghe thêm lắng đọng, đồng điệu với các tác giả có thơ được chọn ngâm, có thơ được phổ nhạc và chọn trình diễn trên sân khấu, như: “Đà Nẵng tôi yêu” (thơ: Nguyễn Bá Thanh, nhạc: Quỳnh Hợp), “Hoàng Sa - Trường Sa đất mẹ yêu thương” (thơ: Nguyễn Trung Hiếu, nhạc: Đình Thậm), “Trường Sa nhớ” (thơ: Hồng Hà, nhạc: Trần Ái Nghĩa)… và nhiều bài thơ hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và ca ngợi thành phố quê hương vào xuân.

Giữa không gian văn hóa và hồn thơ, nhạc như vậy, lòng người thật dễ xúc động và tưởng nhớ đến một người thân quen đã làm cho hồn thơ thăng hoa, đó chính là người con ưu tú của quê hương: Nguyễn Bá Thanh. Nhiều bài thơ về ông đã được ngâm trong niềm tự hào lẫn tiếc thương và xúc động, bùi ngùi, để rồi hứa với nhau rằng cùng đoàn kết, sáng tạo và phát triển di sản mà ông đã để lại.

Gắn với chủ đề “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, nhiều nhà thơ, người yêu thơ đã sáng tác những bài thơ hay cổ động thực hiện 7 nội dung trọng tâm và 3 nhóm hành vi phải chấm dứt. Đây ắt hẳn là tài liệu quý giá để tuyên truyền cho người dân toàn thành phố cùng thực hiện. Nhân dịp đầu xuân, nhiều người yêu thơ cũng viết thơ chúc nhau. Đặc biệt, lãnh đạo quận Hải Châu còn viết bài thơ với tiêu đề là “Chúc xuân” nhưng là những dòng thơ giao nhiệm vụ cho các địa phương, đơn vị và kêu gọi người dân đồng lòng, chung sức thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”.

Từ đêm thơ nguyên tiêu, người yêu thơ và cả những người chưa từng làm thơ thật vui mừng khi một số địa phương quyết định tổ chức thi sáng tác thơ ca, nhạc, hò, vè, hát dân ca… vào đêm trăng rằm hằng tháng tại các địa chỉ văn hóa ấy. Chẳng hạn, quận Hải Châu sẽ tổ chức thi, giới thiệu, trình bày các sáng tác mới ngay tại Đình làng Hải Châu, để rồi chọn những sáng tác, tiết mục xuất sắc trình diễn tại trục văn hóa – lễ hội Bạch Đằng vào đêm sau đó giữa đông đảo người dân thành phố và du khách xem và nghe. Mới thoạt nghe ý tưởng thôi cũng đủ làm những yêu văn học – nghệ thuật, văn nghệ sĩ vỗ tay tán thưởng.

Một trong những nội dung trọng tâm của “Năm văn hóa, văn minh đô thị” là nâng cao chất lượng các chương trình văn hóa, nghệ thuật, phát triển văn học nghệ thuật và chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố; bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tu sửa cấp thiết các di tích trên địa bàn; đẩy mạnh sáng tác văn học – nghệ thuật và đưa tác phẩm đến với công chúng. Với 1-2 đêm trình diễn, giới thiệu tác phẩm mới, trình diễn những tiết mục hay vào đêm trăng sáng hằng tháng, không chỉ gia tăng về số lượng, chất lượng tác phẩm mới sáng tác, còn vun đắp  tình yêu thơ ca, nghệ thuật và tình yêu quê hương, đất nước trong lòng mỗi người dân. Đây quả là một ý tưởng và giải pháp thiết thực, cần sớm được tổ chức và nhân rộng hơn để thành phố Đà Nẵng thực sự văn hóa, văn minh.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.