.
Truyện ngắn

Có gió chuông sẽ reo

Phía bên kia đầu dây có tiếng ho khẽ, rồi là giọng nói của một người phụ nữ:
- Dạ, anh Liêm phải không ạ. Tôi có mang một món quà nhỏ gửi anh. Tôi muốn biết lúc nào anh có nhà để đem quà đến.

- Dạ, chị có thể đến sau 19 giờ hằng ngày. Mà có lẽ chị cho tôi địa chỉ để tôi đến, đỡ phiền chị.
- Ồ không. (Anh nghe thấy một chút ngập ngừng trong giọng nói). Tôi đã hứa là sẽ trao quà tận tay. Có lẽ tối mai tôi sẽ lại. Chào anh.
Liêm nghe thấy có tiếng rột roạt trong đường giây, tiếng đặt máy khô khan. Một giọng nói lạ. Liêm vừa xem ti-vi vừa lên giây cót cho chiếc đồng hồ báo thức. Phải nhờ nó để không bỏ lỡ trận cầu lúc
1 giờ 45 sáng. Trên màn hình là một đám đông người Xô-ma-li đang xếp hàng đợi nhận suất ăn. Họ gầy guộc, rách rưới, ánh mắt vô hồn. Rồi cảnh mấy con chó nhỏ đang được chữa bệnh ở một bệnh viện thú y châu Âu. Người ta đang tìm cách đặt hàm giả cho chó… Ôi con người. Tự nhiên anh thấy lòng chùng xuống.

Liêm gần như ngạc nhiên khi nghe thấy tiếng chuông cửa. Cái chuông của anh bị chập mạch, ọ ẹ như kẻ ngọng. Lần lữa mãi chưa tìm được người sửa. Các đồ điện trong nhà anh đều xộc xệch nhưng anh không dám chạm tay tới. Ti-vi, tủ lạnh, cassette, nồi cơm, ấm nước, chuông cửa… tất tần tật. Có ai đã vì tình yêu như điện nhỉ. Anh thở dài. Rồi mở cửa. Anh đứng tránh sang bên nhường lối cho khách.
- Chào chị. Mời chị vào.
Liêm vừa nói vừa chỉ vào cái ghế bành to tướng, bọc vải thô màu mận chín. Đó là chiếc ghế bọc đệm duy nhất trong nhà. Ba chiếc còn lại đều bằng gỗ cứng.
Hơi mỉm cười, người phụ nữ liếc nhìn chiếc ghế rồi ngồi xuống.
- Ghế nhà anh giống như một cái ngai vậy.
Liêm nhìn chị. Phải, đó là một chiếc ngai. Và với bộ váy áo màu vàng nhạt, tay đặt trên thành ghế, trông chị rất giống một bà hoàng. Nhưng anh lại nói, giọng rời rạc:
- Đó là món quà của người chủ trước để lại. Tôi mới về đây gần một năm.
- Thế trước kia anh ở đâu ạ?
- Ở B.T một chung cư khá lịch sự.
- Anh về đây cho gần ư? Ý tôi muốn nói là cho gần chỗ làm việc của anh.
- Không ạ, chủ yếu là ở đây được yên tĩnh.
- Yên tĩnh.
Chị hơi nhướng đôi chân mày. Một đôi chân mày tuyệt đẹp. Tươi tắn, thanh thoát.
- Vâng, yên tĩnh. Cả căn nhà này chỉ có 2 chủ. Tầng dưới là của hai vợ chồng một viên chức đã nghỉ hưu. Họ nhẹ nhàng lắm. Chả mấy khi tôi được nghe tiếng của hai cụ.
- Yên tĩnh, yên tĩnh… chị vừa lặp lại mấy lời đó vừa khẽ nhịp ngón tay trên thành ghế. Mấy ngón tay cũng tuyệt đẹp. Mảnh dẻ. Dịu dàng. Người ta nói ai có những ngón tay như thế thường là rất tinh tế, mẫn cảm. Anh vừa nghĩ vừa cúi xuống pha trà. Anh đẩy tách trà về phía chị:
- Mời chị. Nếu chị thấy đậm, ta pha thêm nước.
- Cám ơn anh. Tôi là dân Thái Nguyên mà. Ngày bé sao trà, uống trà rồi quen.
A, anh reo thầm. Ở Thái Nguyên có một xứ trà rất nổi tiếng. Vùng Tân Cương ấy trà ngon mà người lại đẹp:
- Chị là người Tân Cương? Anh nhìn chị, mắt nheo lại, vẻ tự tin.
- Không, ở gần đó thôi. Ở Đại Từ.
Anh bật cười thành tiếng.
- Có chuyện chi vậy anh?
- Tôi chợt nhớ câu “Lử khử lừ khừ, chẳng Đại Từ cũng Võ Nhai”.
- Vâng, sốt rét rừng. Bây giờ thì khá rồi. Các chàng các nàng tươi tắn, nhanh nhảu lắm.
- Tôi cũng đã thấy vậy.
Chị nhướng cao chân mày, nhìn anh. Anh nhìn lại và bắt gặp trong đôi mắt ấy một vẻ gì vừa như thách thức vừa như dàn hòa. Một đôi mắt nâu. Mai. Đôi mắt của Mai. Cái ngày anh bỏ xứ ra đi, Mai cũng nhìn anh như thế. Nhiều khi anh đã quên hẳn Mai, quên hẳn mọi chuyện ngày đó. Chỉ đôi khi trong những lúc buồn bã, anh lại nhớ cô, lại tự hỏi, điều gì là nguyên cớ sâu xa của chuyến ra đi.
Anh nghe thấy tiếng ho khẽ. Tiếng ho anh đã nghe qua máy điện thoại. Anh chợt đỏ mặt:
- Xin lỗi chị. Tôi vô ý quá.
- Tôi mới vô ý. Mải chuyện, quên cả việc trao quà cho anh.
Chị cúi xuống chiếc túi da màu đen, khoe một đường ngôi ngay ngắn. Khi chị ngẩng lên, anh tưởng vừa nhìn thấy một khuôn mặt khác. Nụ cười khiến khuôn mặt chị bừng sáng. Chị chìa cho anh một gói vuông nhỏ.
- Đây, quà của anh.
- Cám ơn chị. Mà của ai vậy?
- Anh đoán xem.
- Tôi thua. Mọi điều có vẻ bí mật quá.
- Ô không. Rồi anh sẽ thấy mọi điều thật giản dị. Bây giờ tôi xin phép. Tôi còn chuyển vài món quà nữa, không bí mật nhưng cũng quan trọng.
- Cám ơn chị nhiều lắm.

Anh vừa nói vừa mở cửa đợi chị. Chị bước qua nhẹ nhàng như một đứa trẻ. Mái tóc rất đen.

Vắt áo lên thành ghế, Liêm đưa mắt nhìn gói quà. Một gói quà như mọi gói quà, màu giấy xanh anh ánh những sọc trắng bạc. Nó có vẻ lạc lõng bên chiếc khay trà sơn mài màu đen, chiếc ấm đất nâu và ống đựng bút bằng tre. Tự nhiên anh thấy ngần ngại. Chẳng có ai gửi quà cho anh theo cái kiểu gói ghém kỹ càng như vậy. Người thường mua quà cho anh là Linh, em gái anh. Thỉnh thoảng cô lại đem cho anh chiếc áo, đôi giày, chiếc mũ… Chủ nhật nào anh cũng ăn cơm đàng nhà cô ấy. Chốc chốc Linh lại từ bếp ra, tay cầm đôi đũa tựa cửa nhìn anh đùa giỡn với hai đứa cháu, rồi khẽ lắc đầu. Anh nhìn thấy tất cả nhưng cứ lờ đi, chuyền bóng cho thằng cu Tin, hai bác cháu cười lăn trên sàn nhà gạch nâu. Cô ấy có cái vẻ lo âu của mẹ anh, cái lắc đầu của mẹ anh. Mẹ anh mất ở quê từ ba năm trước. Từ đó cô ấy như có trách nhiệm bảo bọc, chở che anh, anh chàng kỹ sư 35 tuổi, có căn hộ 25m2 ở một hẻm vắng.

Ban đầu, trong các bữa cơm chủ nhật, lúc thì có một cô kế toán ở công ty nọ, khi thì cô nhân viên xinh xắn, lanh lợi ở cơ quan kia. Anh chào hỏi, trò chuyện với họ dưới ánh nhìn chờ đợi của Linh. Nhưng khi họ đi rồi, anh chẳng bao giờ hỏi cô về họ. Linh có vẻ chán nản. Bữa cơm gia đình lại chỉ còn lại 5 người. Liêm ngồi giữa hai đứa cháu, trên gương mặt anh thoáng một nụ cười đắc thắng. Tưởng như Linh đã quên cả việc mai mối. Tự nhiên chủ nhật vừa rồi, trong lúc anh đang hí húi sửa chiếc máy điện thoại cho bé An, cô lại hỏi:
- Thế anh định thế nào?
- Anh định thế nào cái gì? Anh trợn mắt hỏi lại.
- Cái chuyện vợ con chứ cái gì. Chị Mai đã con bồng con bế, anh còn chờ đến bao giờ.
- Ô hay, cô lạ quá. Nào tôi có đợi gì.

Anh bực với em, ra về sớm, đi loanh quanh ngoài phố tới khuya, lại thấy mình vô lý. Anh gọi điện thoại cho Linh, cô ấy vẫn buồn. Anh định xin lỗi em, rồi lại thôi. Anh không muốn cô ấy có cơ hội trở lại chuyện cũ.

Liêm chợt nhìn thấy một sợi len được thắt rất khéo, buộc ngoài gói quà, thay cho mấy chiếc nơ, mấy bông hoa ni-lon. Sợi len hai màu nâu và trắng. Màu áo len của Mai. Anh nén lại một tiếng kêu. Anh kéo ghế ngồi xuống. Rồi đứng lên, nhìn chăm chăm vào sợi len. Lần đầu gặp Mai, cô mặc chiếc áo len hai màu ấy. Cô bảo cô tập đan. Mẹ cô đan khéo lắm. Còn cô thì vụng. Anh nhìn những mối chỉ đều đặn, tinh xảo và cười bảo cô: “Vâng, cũng chỉ có thể vụng đến vậy”. Anh nhận thấy ánh nhìn trách cứ của em gái. Còn Mai thì nhìn anh mỉm cười. Anh thường nghĩ Linh tốt bụng mà nông nổi. Ấy vậy mà cô ấy hiểu những gì anh đã dành cho Mai. Cô thường mua cho anh những chiếc áo nền nâu sọc trắng, nền trắng kẻ nâu, ca-rô nâu trắng… Cô cũng chưa bứt khỏi những kỷ niệm cũ. Họ đã từng là một bộ ba tuyệt vời. Nhiều khi anh nhớ Mai như một đứa em gái nhỏ hiền ngoan. Anh không còn bận lòng vì cô. Nhưng anh cũng không cố ý tìm một người bạn gái mới. Rồi anh bận hàng đống công việc ở sở, thì giờ còn lại là của sách, của cờ tướng, của bóng đá… cuốn Ba-ri-e do người bạn cùng sở cho mượn còn nằm trên giường, bên chiếc gối xanh. Anh định tối nay sẽ đọc.

Rồi có khách, có quà. Anh bật cười. Anh nghe thấy tiếng cười của mình. Nó có vẻ vớ vẩn trong sự vắng lặng của căn phòng. Anh tháo sợi len, đặt cẩn thận lên tờ Văn hóa – Thể thao chưa rọc. Anh mở lớp giấy màu. Bên trong là chiếc hộp giấy màu nâu nhạt. Một tấm danh thiếp rơi xuống đất. Anh cúi nhặt. Anh nhìn thấy mấy dòng chữ nhỏ: “Em gửi quà đến anh Cô đồng nghiệp đáng quý của em rất tuyệt diệu Có gió chuông sẽ reo Mai”. Không có chấm phẩy, chỉ có mấy chữ viết hoa làm dấu cho việc ngắt câu. Mai, cố nhiên là Mai. Các trò đùa hiền hậu của Mai.

Anh nhấc mấy thanh kim loại mỏng, vàng óng ra khỏi hộp. Mấy thanh kim loại được móc vào một miếng gỗ tròn. Một sợi chỉ đỏ xuyên qua tâm miếng gỗ. Anh đi tìm chỗ treo thứ đồ chơi lạ lùng mà Mai gọi là chuông ấy. Chắc chắn phải là chỗ thật nhiều gió, chỗ ô cửa tròn trên đầu giường anh.

Có gió chuông sẽ reo. Có gió chuông sẽ reo… Nghe như mấy thanh kim loại vàng óng kia đang ngân nga nói câu nói bí ẩn của Mai.

Liêm chợt đập tay vào trán, kêu lên: Ô trời. Tên cô ta mình cũng chẳng hỏi. Rõ thật!

Anh cầm tấm danh thiếp, đọc lại câu thần chú của Mai. Đồng nghiệp của Mai. Một dược sĩ. Một nhà bào chế thuốc. Rồi anh nhớ đến tên một truyện ngắn của nhà văn mà anh yêu mến: “Người bào chế thuốc giảm đau”.

Ý Nhi
;
.
.
.
.
.