.

Phan Châu Trinh qua cách nhìn của các nhà điêu khắc

.
Chân dung nhà yêu nước Phan Châu Trinh không những được xem như một biểu tượng về lòng yêu nước nồng nhiệt, tiến bộ, cách tân..., mà còn là biểu tượng đầy tự hào gắn liền khí phách quả cảm, quyết liệt của người Quảng Nam. Do vậy, càng thú vị hơn khi chúng ta có dịp tiếp cận chân dung cụ Phan qua sự thể hiện cách điệu từ các pho tượng của các nhà điêu khắc.

Mô tả ảnh.
Tượng cụ Phan tại Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh - Đà Nẵng.
 
Pho tượng chân dung đầu tiên của cụ Phan gắn bó khá lâu với người Đà Nẵng, chính là pho tượng được đặt tại khuôn viên Trường THPT Phan Châu Trinh - Đà Nẵng do cố họa sĩ Đỗ Toàn (1940 - 2000) thực hiện và khánh thành dựng trước sân trường đúng vào dịp húy nhật thứ 40 cụ Phan ngày 24-3-1966. Sinh thời, họa sĩ Đỗ Toàn kể lại, trong quá trình thực hiện, ông đã dựng cốt và tạc tượng mượn nhờ tại  khoảng sân số 5 Đống Đa-Đà Nẵng. Điều thú vị, là đông đảo học sinh nhà trường đã đóng góp phế liệu bằng đồng. Họa sĩ cũng cho biết, tượng đã được bà Châu Liên, con gái cụ Phan và học giả Nguyễn Văn Xuân góp ý sửa chữa nhiều lần trước khi hoàn thành.

Mô tả ảnh.
Nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu bên tác phẩm chân dung cụ Phan.
Suốt nhiều thập niên trôi qua, đối với những thế hệ học sinh trưởng thành từ Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, pho tượng cụ Phan luôn là một hình ảnh đẩy tôn kính, đồng hành cùng những ký ức sâu đậm, tuyệt vời của tuổi hoa niên.

Tác phẩm điêu khắc “Phan Châu Trinh” của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng hiện được đặt tại Công viên tượng bờ đông sông Hàn. Tác phẩm được thực hiện trên một khối đá cẩm thạch trắng cao gần 3m, rộng 3m và nặng đến 30 tấn hoàn thành trong khuôn khổ trại điêu khắc đá giao lưu quốc tế lần thứ nhất tại Đà Nẵng (từ 15-2 đến 29-3-2006). Phía sau bức chân dung có khắc lời của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng về cụ Phan: “Phan tiên sinh là nhà cách mạng chính trị đầu tiên của nước ta”. Nơi tác phẩm này, chúng ta có thể nhận ra tác giả đã thể hiện chân dung cụ Phan bằng một phong cách nghệ thuật hiện đại, khá táo bạo. Vầng trán cụ Phan lõm sâu như một vầng trăng khuyết, đầy suy tư trăn trở. Má và cằm cũng được mô tả bằng những nét vuông hoặc các nét khuyết, bộc lộ rõ tính chất khí khái của cụ Phan. Phạm Văn Hạng cho biết bức tượng này đã được ấp ủ 20 năm nay, từ  khi lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ khích lệ ông thể hiện một tác phẩm thật sinh động về nhân vật Quảng Nam tài ba, nhiệt huyết này.

Mô tả ảnh.
Tượng cụ Phan tại Trường THPT Phan Châu Trinh - Đà Nẵng của tác giả Đỗ Toàn.
Pho tượng bán thân cụ Phan Châu Trinh bằng cẩm thạch trắng cao 2m, nặng 2 tấn, do nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu được UBND thành phố Đà Nẵng chọn và cấp kinh phí thực hiện, được đặt tại Khu lưu niệm Phan Châu Trinh, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh năm 2006. Tượng được đặt trên một bệ đá  hoa cương cao 2m.

Tượng Phan Châu Trinh được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Chi hội Di sản Văn hóa TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức thực hiện thông qua cuộc vận động “Mỗi người một giọt đồng, đúc tượng danh nhân Việt Nam” là một pho tượng chân dung bán thân cao 70cm, bằng chất liệu đồng nguyên chất do nghệ nhân Tạ Duy Đoán đúc. Tượng được toàn bộ gia tộc, anh em, bạn bè và sinh viên làm lễ an vị tại Nhà lưu niệm
Phan Châu Trinh, số 72 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng vào ngày 24-3-2009, nhân dịp húy nhật thứ 83 của cụ Phan.

Mô tả ảnh.
Tượng của tác giả Phạm Văn Hạng.
 
Theo bà Phan Thị Minh, tức Lê Thị Kinh, cháu ngoại và là người trông nom Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh - Đà Nẵng: “Các bức tượng chân dung cụ Phan đặt ở nhiều nơi, mỗi tượng đều có cái đẹp, cái hay riêng, tùy theo cách nhìn và cảm nhận nơi người thực hiện. Chẳng hạn, bức tượng được đặt tại nhà lưu niệm này do một nghệ nhân thực hiện, trông rất đơn giản mà vẫn rất  gần gũi...”.

TRẦN TRUNG SÁNG
;
.
.
.
.
.