.

Vào thế giới sách cũ

.
Những tiệm bán sách cũ luôn nép mình bên góc đường, trong các con hẻm với tấm biển cũ kỹ, khiêm nhường. Bước vào thế giới sách cũ sẽ được gặp muôn hình vạn trạng các loại sách được in cách đây vài năm, vài chục năm hay có khi lên tới cả trăm năm. Những cuốn sách được chuyền tay qua bao người, bao thế hệ. Càng cũ,  càng có giá trị.

Mô tả ảnh.
Đến những tiệm sách cũ thế nào cũng tìm được những cuốn có giá trị vượt trên mọi thử thách về thời gian.
 
Sách cũ: Quý bởi hiếm

 Nhưng nguồn sách cũ đang hiếm dần. Đó là nhận định chung của hầu hết những người làm nghề buôn bán sách cũ trên địa bàn thành phố. Theo ông Bùi Đình Liêm, chủ một tiệm sách cũ ở số K59/10 Lê Hồng Phong, thời “hoàng kim” của dân buôn sách cũ là những năm Đà Nẵng bắt đầu di dời giải tỏa. Nhà chuyển, sách cũng chuyển theo. Những người như ông được một phen bội thu sách. Trong những tủ sách được mua lại theo kiểu bán cân ký, có không ít quyển “vàng mười” mà người có con mắt tinh tường trong nghề đã lọc ra. Chỉ cần vài ba quyển có giá trị mà dân sưu tầm đang khát, cũng đủ đem lại giá trị gấp hàng mấy chục lần bao nhiêu cuốn đầy rẫy trên thị trường. Hiếm nhất hiện nay có lẽ là loại sách in trước năm 1975 của các nhà sách An Tiêm, Khai Trí, Trẻ, Lá Bối, Cảo Thơm, Trí Đăng... “có quyển nào dân chơi mua quyển nấy, đắt mấy cũng được”, những người bán sách cho biết. Với sách cũ được xếp vào loại quý, người mua quan trọng nhất là năm xuất bản và chất lượng còn “rin”. “Sách đã bị mất vẻ nguyên sơ thì bìa có mạ vàng cũng… bỏ”, ông Liêm nói.

Sách cũ trở nên quý giá bởi nhiều lý do, dù in trên giấy màu đen nhưng dễ đọc và không làm lóa mắt, nhưng quan trọng hơn cả là có nhiều cuốn hiện nay không được tái bản và lối viết, dịch khoáng đạt, mang đậm phong cách văn chương của người dịch (bởi hầu hết dịch giả đồng thời cũng là nhà văn chứ không chỉ là “thợ dịch”). Và những bộ sách là công trình nghiên cứu, khảo cứu của các học giả xưa vẫn còn nguyên giá trị, làm quy chuẩn so sánh cho người học, người nghiên cứu hiện nay.  

Có một đặc điểm hay bắt gặp ở những cuốn sách cũ là thủ bút của chủ nhân cuốn sách. Như ở trang đầu cuốn Dịch hạch của Albert Camus (in năm 1971 tại Sài Gòn) mà tôi sưu tầm được, có thủ bút của chính dịch giả Võ Văn Dung tặng bác sĩ Dương Văn Ân “người mà tôi tin rằng có tâm hồn của bác sĩ Rieus, một vai chánh trong chuyện”; hay trong cuốn Tự học Tây ban cầm, một người tên Thanh Tùng đã viết: “Nếu kiên nhẫn sẽ thành công trong nền âm nhạc. Đừng nản chí” (Đà Nẵng 9-1-73). Có lẽ những người từng sở hữu cuốn sách hẳn rất xúc động khi bắt gặp những dòng chữ này sau mấy mươi năm.

Kiếm sống được với nghề - không dễ

Mô tả ảnh.
Chị Nga, chủ tiệm sách cũ 504 Tôn Đức Thắng đang mua sách cũ của một người buôn chai bao.
Nhà cửa ổn định, thêm cuộc sống dần khá giả lên, người ta bắt đầu quay lại với việc… cất sách, trong đó có những người chỉ mê mỗi sách cũ. Thế nên, người buôn ít cơ hội mua được cả tủ sách như trước đây. Họ chỉ còn biết trông đợi vào những người bán ve chai dạo với lèo tèo vài ký sách tùy thuộc vào hên, xui, may rủi. Để “lấy lòng” họ, chị Nga, hiệu sách cũ số 504 Tôn Đức Thắng (đối diện ĐH Sư phạm Đà Nẵng) phải biết điều bằng cách quà cáp Tết nhất thật chu đáo. Chị Nga cho biết: “Mình mua 8 nghìn đồng/kg sách nhưng nếu thấy trong đó có quyển nào được được thì trả thêm cho họ vài ngàn nữa. Mấy người chai bao không phân theo quyển mà quy ra ký hết”. Theo chị Nga, hiện chị phải lấy hàng từ hơn… 60 người bán chai bao mới đủ lượng sách cung ứng cho khách hằng ngày.

Phần lớn những người bán sách cũ đều có chút vốn lận lưng là một thư viện nho nhỏ được tích góp từ quá trình say mê đọc sách. Họ đọc, hiểu, yêu và muốn sống với niềm đam mê bằng con đường bán sách. Mặc dù mang tiếng buôn bán, nhưng không ít người trong số họ có riêng một tủ sách gối đầu giường mà bất kể ai muốn trả giá cao hơn để được sở hữu cũng đành chịu. Mỗi ngày họ còn dành một khoảng thời gian nhất định để đọc lại những cuốn sách cũ chỉ để có kiến thức trao đổi sâu với những khách hàng am hiểu về sách. Có thể nói, họ như một cuốn từ điển sống mà khách hàng có thể “tra cứu” quá khứ một cách nhanh chóng và thấu đáo.

Tuy vậy, cũng không ít người là ngoại lệ. Chị Nga có tài bán sách rất giỏi, nắm bắt nhu cầu, tâm lý khách chỉ qua một vài câu bắt chuyện. Tên tác phẩm, tác giả, mức độ hiếm hoi hay phổ biến trên thị trường được chị nắm làu làu. Thậm chí nội dung cuốn sách đề cập đến vấn đề gì chị cũng biết tuốt. Chỉ có điều, cứ cầm sách vào đọc là chị lại… buồn ngủ.

Giá một cuốn sách cũ cũng vô chừng, có cuốn trừ giá bìa chừng 30% hoặc 50 - 60%. Với những cuốn được gọi là vô giá, như sách chưa tái bản hay số năm xuất bản càng xưa thì vài trăm ngàn một cuốn là chuyện thường. Mới nghe qua tưởng mua bán sách cũ sẽ cho một lời trăm, nhưng thực tế thì nhiều người không thể kiếm sống với nghề, khi nhu cầu cuộc sống ngày càng lớn mà đồng vốn quay vòng chậm. Ông Bùi Đình Liêm bán sách từ hồi đường Lê Duẩn còn cầu Vồng, chuyển thêm một vài chỗ nữa mới dời tiệm về nhà. Ban đầu khách hàng đông, kiếm sống được; nhưng nay sách chỉ bán ra chứ không có nhiều để mua vào, ông giao sách cho vợ con, mình thì kiếm việc khác làm.

 Giới đọc và mua bán sách cũ ở Hòa Khánh cũng không lạ gì anh Siêng - một đại gia cách cũ cách đây 5 năm về trước. Nhưng rồi anh cũng bỏ nghề vì buôn bán ế ẩm, dù bây giờ gợi chuyện giọng anh còn đầy tiếc nuối. Quầy sách cũ anh giao lại cho các em, họ chuyển sang bán sách mới với nhà sách Nhất Nam cũng ở trên đường Tôn Đức Thắng. Riêng  chị Nga thì có vẻ lạc quan hơn khi 8 năm theo nghề sách cũ, buôn bán tành tành, sinh viên tìm mua sách, giáo trình cũ cũng khá nhiều, không hề nghe chị than phiền dù nguồn sách cũ đang bị thu hẹp dần.

Đam mê và cũng để làm... sang

Mô tả ảnh.
Sách cũ nhưng bìa và chất lượng giấy còn tốt là món tài sản vô giá trong tủ sách của nhiều người.
Sách mới dù có tràn ngập các cửa hiệu thì sách cũ vẫn còn là tri âm tri kỷ của rất nhiều đối tượng độc giả. Không hẳn người ta tìm đến sách cũ chỉ vì giá rẻ, bởi thực tế đã minh chứng có rất nhiều cuốn sách cũ mèm nhưng giá cả vẫn ở… trên trời. “Yếu tố lịch sử, lối dịch xưa, màu giấy…”, là những điều khiến người ta đi lùng sách cũ, ông Liêm nói. Có những bộ sách cũ, quý hiếm rất cần cho dân khảo cứu, nhưng nếu được tiếp cận nó, thì kiến thức của người đọc sẽ dày thêm. Và không hẳn chỉ người lớn tuổi mới hoài niệm quá khứ bằng sách cũ. Những người bán sách cho biết có nhiều khách ruột của họ là các bạn trẻ chỉ chừng 20 tuổi. “Thấy họ đọc phát thèm”, cả ông Liêm và chị Nga đều dùng câu này để nói về những khách hàng chuyên săn lùng những cuốn khó “nhai” khi tuổi đời còn non choẹt. Nhưng trong số họ, ngoài những bạn tìm sách thực sự để đọc, còn không ít người mua về chỉ để… trang trí trong tủ kính cho sang. Chị Nga cho biết, cửa hàng của chị có vài cậu khách trẻ cứ có quyển nào quý là sẵn sàng rút hầu bao ra mua nhưng không bao giờ đọc, khi họ tiết lộ mua sách và trưng lên giá chỉ là sở thích hay để... khoe cũng không ai biết chừng.

Phóng sự của Hoàng Nhung - Thu Hoa
;
.
.
.
.
.