.

Luật tục và đời sống

.
Một thời, những luật tục khắt khe đã kìm hãm sự phát triển đời sống của đồng bào Cơtu. Chừ thì, như Bí thư chi bộ Tà Lang Đinh Minh Hải nhận xét, mười đã bỏ hết bảy rồi, tiến bộ hơn xưa nhiều.

Trước kia, gần 8km đường từ cơ quan xã Hòa Bắc lên vùng đất heo hút Tà Lang – Giàn Bí nằm hai bên suối Cầu Sụp lổn ngổn đá cục lớn bằng nắm tay, bụi mịt trời. Những cây cầu “ba lá” ghép tạm bằng ba tấm ván hẹp, làm “đứng tim” bao cán bộ người Kinh đi xe thồ Min-khơ lên công tác.

“Đổi đời” bằng thu nhập

Mô tả ảnh.
Các đoàn y, bác sĩ người Kinh đến tận nơi khám bệnh, phát thuốc và khuyên bà con Cơtu bỏ dần các luật tục lạc hậu.
Hải lúc đó là trưởng thôn, phát âm giọng Kinh lắm khi chưa tròn vành rõ nghĩa, thế mà hát hò khoan “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đà say” thì ngọt như mía lùi. Giờ nhắc lại chuyện cũ, anh bảo: “Mình hát chơi rứa thôi chứ làm răng so với tụi trẻ bây chừ, điện đã về khắp thôn, có cái giàn karaoke là thành ca sĩ hết. Cách có mấy năm mà đổi thay lớn lắm”.

Bẵng đi một thời gian, quay lại nơi này càng thấy đổi thay nhiều lắm. Cây cầu Tà Lang – Giàn Bí đã làm vơi đi gánh nặng giao thông giữa hai thôn, nhất là bà con bên Tà Lang. Sau Tết Tân Mão vừa rồi, lần đầu tiên xe chở cây giống chạy thẳng một mạch qua Tà Lang đến nhà 2 hộ được hỗ trợ trồng vườn. Năm nào cũng thế, thực hiện nghị quyết chuyên đề hằng năm của Đảng bộ Hòa Bắc về giúp hộ người Cơtu nghèo, ăn Tết xong là chi hội nông dân 5 thôn người Kinh trong xã gom góp giống cây lên tặng và bày cho bà con cách trồng, chăm sóc.

Ông Đỗ Viết Vĩ, Chủ tịch Hội Nông dân Hòa Bắc rất mừng khi thấy mô hình này đã bước đầu mang lại lợi ích kinh tế vườn, giúp các hộ cực nghèo người Cơtu cải thiện được cuộc sống. Năm nay, có 2 hộ ở Tà Lang và 2 hộ ở Giàn Bí được hỗ trợ trồng tất cả 165 cây chuối, 100 khóm thơm, 10 cây cam, 10 cây mít, 30 cây măng Điền Trúc. Ngoài ra, Hội Nông dân xã cùng với Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố tổ chức trồng 13ha keo lá tràm theo đúng kỹ thuật. Anh Hải bảo, trước đây, bà con trồng keo xuống là phú cho trời, chừ được hướng dẫn cách đào hố, trồng cây, bón phân, làm cỏ theo lịch, hy vọng có thu nhập để “đổi đời”.

Hôm về Hòa Phú, cũng nghe Bí thư Đảng ủy xã Phan Phụng Trung nói về hoạt động hỗ trợ thôn Phú Túc: Một trong 3 chương trình trọng tâm mà Hòa Phú đăng ký với huyện Hòa Vang là ưu tiên phát triển kinh tế cho đồng bào Cơtu để xóa đói giảm nghèo. Đầu năm nay, hai hộ Nguyễn Văn Cần và Đinh Văn Nứu đã được hội viên nông dân các thôn người Kinh trong xã giúp trồng 2 vườn chuối, mỗi vườn 50 cây.

Đưa tôi đến thăm khu vườn được rào giậu kỹ càng của hộ Mai Thị Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phan Dũng cho biết, đến nay, cả thôn có 22 vườn, Tết rồi một số vườn cho thu nhập từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Vườn chị Xuân gần 20 cây chuối một năm tuổi đã nhảy một cây thêm 3-4 cây con. Chị Alăng Hồng thì khoe rằng, con bò số 8 chị nuôi gần 2 tháng, cho ăn rất kỹ nên chừ đã mập ra. Hỏi vì sao bò có số, chị cười: “Đánh số để bốc thăm, khỏi tranh giành con lớn, con nhỏ”. Ông Dũng góp tiếng: Cả 10 thôn trong xã được nhận 25 con bò do Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT thành phố Đà Nẵng) hỗ trợ thì riêng thôn Phú Túc được nhận 7 con.

Làm mới những luật tục cũ
 
Giờ là bí thư chi bộ, Hải càng gương mẫu hơn. Anh khoe năm nay trồng thêm được 1.500 gốc keo lá tràm, 40 cây măng Điền Trúc. Năm ngoái, anh trồng được 20 cây chuối lùn, nếu biết cách chăm sóc, bón phân đầy đủ thì một buồng giá khoảng từ 150 – 170 nghìn đồng. Năm ngoái, anh còn trồng xen bí đỏ với chuối, rất hiệu quả, nhưng từ khi người chú trong gia đình mất (tháng 11-2010), đành bỏ hoang. Theo luật tục người Cơtu, nhà có người chết thì không được trồng bí, bầu và các loại đậu, vì sẽ bị người chết về “bắt”. Thật ngẫu nhiên, vợ anh mới đây bỗng dưng nổi sốt, nói sảng không đâu vào đâu. Dân làng rỉ tai nhau: Rứa là bị ông chú về buộc rồi. Hải bảo đừng nói tào lao, rồi đưa vợ xuống khám bệnh dưới Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, uống mấy ngày thuốc là hết.

Một thời, những luật tục khắt khe như thế đã kìm hãm sự phát triển đời sống của đồng bào Cơtu. Chừ thì, như Hải nhận xét, mười đã bỏ hết bảy rồi, tiến bộ hơn xưa nhiều. Mấy năm trước, nhà ông Bùi Văn Cầm ở thôn Giàn Bí bị cháy rụi, theo lệ xưa là cả làng kéo nhau bỏ đi cái rẹt, thế mà bà con vẫn vui vẻ cùng người Kinh đến thăm hỏi, giúp đỡ ông Cầm qua cơn khốn khó. Trước, vợ tự ý bỏ chồng thì phải đền lại cho nhà trai những tài sản, lễ vật mà chồng mang về, còn chồng mà bỏ vợ thì không phải mất gì. Chừ thì vợ chồng ngang nhau, lệ xưa không còn nữa.

Thôn Giàn Bí có chị Trần Thị Thủy phụ trách y tế thôn, năm 1980 được cử đi học lớp sơ cấp y tế ở Tam Kỳ, rồi dự lớp bồi dưỡng y tế. Chị khuyên đồng bào mình rằng, có đau ốm chi thì đừng cúng bái ông này bà nọ mà trực tiếp đến gặp y, bác sĩ. Bệnh nhẹ thông thường, tìm lá rừng chữa theo các bài thuốc dân tộc; bệnh nặng, đưa lên các tuyến trên để kịp thời chạy chữa. Mấy đợt y, bác sĩ người Kinh lên khám bệnh, phát thuốc, bà con hai thôn cũng học được rất nhiều điều trong vệ sinh, phòng dịch, ăn uống, cả chuyện tránh thai, kế hoạch hóa gia đình nữa.

Thành phố Đà Nẵng hiện có 274 hộ với 979 nhân khẩu đồng bào dân tộc Cơtu sinh sống tại các thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc). Mới đây, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố chọn Hòa Bắc và Hòa Phú, hai địa phương đầu tiên ở Đà Nẵng, để trồng thử nghiệm cây mây nếp – loại cây rừng đang cho giá trị kinh tế cao ở Nghệ An. Xã Hòa Bắc trồng 25 nghìn cây, trong đó 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí có 5 hộ trồng 6 nghìn cây trên diện tích 1ha. Chỉ mới trồng được 2 tháng nên theo nhận định của bà Lê Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, kết quả hãy còn ở phía trước.

Hải bảo, cây mây nếp không “vướng” một luật tục nào của người Cơtu. Anh hy vọng nó sẽ phủ xanh đồi núi Hòa Bắc và mang lại no ấm cho con người.

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.