.

Đất quê ta không còn... mênh mông

.
Đi về các vùng ven, vùng thuần nông bây giờ, câu chuyện thời sự của bà con nông dân là chuyện mỗi nhà được đền bù bao nhiêu tiền từ đất ruộng, lúc nào gia đình sẽ chuyển đến nơi ở mới nhường mảnh đất quen thuộc cho các dự án đang triển khai, cuộc mưu sinh mới sẽ làm gì…

Sau khi nhường đất cho dự án...

Mô tả ảnh.
Đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp lại để nhường chỗ cho các dự án.                                   
Những câu chuyện đó đi làng trên xóm dưới ở đâu cũng bắt gặp, cũng na ná như nhau, nhưng không gia đình nào “rút được kinh nghiệm”.

Ông Võ Thương, tổ trưởng tổ dân phố 12 Bá Tùng, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn cho biết, khi họp dân bàn về vấn đề giải tỏa, đền bù, ông và lãnh đạo phường, quận đều nhắc nhở bà con cách tính chuyện làm ăn, sử dụng đồng tiền cho hợp lý. Nhưng, đây là chuyện dễ nói và khó thực hiện, khi tiền vào tay người khó, vài chục triệu đồng sẽ là rất lớn, họ nghĩ ngay đến chuyện sửa nhà, chuyện cho con cái... Chị Nguyễn Thị T. đã bàn giao mảnh đất trồng rau cho dự án đường Nguyễn Hữu Thọ nối dài nhưng dự án chưa đổ đất triển khai, chị bám lấy trồng rau muống 2 năm nay. Chị bảo: “Dân ở đây thuần nông, ruộng cò bay thẳng cánh, hồi trước làm lúa 1 sào được 40 ang/mùa, giờ phải lo làm kiếm tiền đong gạo, đến hồi mảnh ruộng này đổ đất, bó rau cũng phải đi mua. Nhưng còn đất thì còn gieo, còn trồng, đến hồi mô thu hồi hết thì dừng”.

“Những người trẻ còn có cơ hội, còn những người cỡ 40 tuổi trở lên sẽ là một thách thức trong tìm việc làm, tạo thu nhập. Đây là vấn đề đã được bàn thảo nhiều lần và là nỗi lo nhất của chúng tôi hiện nay”, ông Huỳnh Kim, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý nhấn mạnh khi nói về chuyện “hậu” giải tỏa. Khi làm nông, bà con không bị đòi hỏi trình độ, chuyên môn; nhưng nếu muốn làm ở nhà máy hay làm việc ở các dự án cần trình độ, sức khỏe. Toàn phường có 13 dự án, tổng diện tích đất thu hồi là 830ha, có khoảng 50% trên tổng số 3.012 hộ dân bị thu hồi đất sản xuất hoặc đất ở. 

Với xã Hòa Phước, số dự án chưa nhiều so với một số xã của huyện Hòa Vang, trong đó thôn Miếu Bông và Cồn Mong bị thu hồi hết đất sản xuất và đất nông nghiệp. Nhưng bà Ngô Thị Bích Vân, Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng người dân, đặc biệt là ở thôn Miếu Bông dù bị thu hồi đất nhưng cơ hội tăng thu nhập của bà con khá lớn vì ở đây có chợ Miếu Bông khá sầm uất, bà con dễ dàng chuyển sang ngành dịch vụ thay vì làm nông như trước đây cho thu nhập không cao.

... sẽ không còn là nông dân

Mô tả ảnh.
 (Ảnh chụp tại xã Hòa Liên)
12/13 thôn của xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang có dự án triển khai cần giải tỏa, di dời, trong đó thôn Quan Nam 5 giải tỏa trắng, 2 thôn Quan Nam 2 và 6 giải tỏa hết hai phần; hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi thu hồi đất nông nghiệp trong đó riêng dự án đô thị Thủy Tú là 470 hộ. Với tổng số 17 dự án đang và sẽ triển khai xây dựng, Hòa Liên trở thành một trong những xã có số dự án và diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều nhất của huyện Hòa Vang. Có nghĩa là hàng nghìn nông dân chân lấm tay bùn từ nay không còn được gọi là nông dân khi tư liệu sản xuất không còn. Không là nông dân, họ cũng chưa thể trở thành thị dân vì lối sống, tập quán sinh hoạt và hơi thở của đô thị chưa thể gõ cửa từng nhà rõ rệt như ở dưới phố. 

Ông Trần Văn Hội làm nông gần 40 năm nay. 5 sào ruộng vợ chồng ông nuôi đủ 3 đứa con trưởng thành, nhưng nay cầm mấy chục triệu tiền đền bù trong tay ông cho rằng nó nhỏ bé vô cùng. “Ở đây 65, 70 tuổi bà con còn ra đồng, không thì ở nhà chăn nuôi, giờ hết ruộng, lúa không có thì làm sao nuôi heo được khi trăm thứ phải mua. Thanh niên còn có thể làm công nhân chứ mấy người cỡ trên dưới 50 như chú ai nhận”. Bà Trần Thị Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, những người nằm trong độ tuổi lao động sẽ được đào tạo nghề, nhưng với người quá độ tuổi muốn làm gì cũng cần có đất sản xuất. Hiện nay sau khi các dự án chi tiền đền bù giải tỏa, Hòa Liên đã xuất hiện tệ nạn xã hội và nhiều nguy cơ mất an ninh đang tiềm ẩn.

Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng hiện nay người dân có thể tham gia dự án bằng những công việc phổ thông, nhưng khi các dự án hoàn thành sẽ xuất hiện dôi dư lao động, nếu không chuẩn bị nghề mới sẽ khó đem lại cuộc sống ổn định cho dân. Hiện nay huyện tiếp tục thực hiện đề án đào tạo nghề cho thanh niên trong độ tuổi, kết hợp với sở Khoa học-Công nghệ mở lớp trồng nấm ở Hòa Tiến và nhiều mô hình khác; tập trung đầu tư 4 vùng trồng rau sạch ở Cẩm Nê và Túy Loan; đầu tư các giống lúa cho năng suất cao...
Theo ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, toàn huyện có 12 dự án đã hoàn thành, thu hồi hơn 614ha. Hiện nay có 39 dự án đang triển khai, thu hồi gần 3.885ha và sẽ thu hồi thêm 1.570ha đất cho 8 dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai thực hiện. Các dự án ảnh hưởng đến khoảng 40% dân số toàn huyện. Từ đây đến năm 2015 chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp-thương mại-dịch vụ. Đến năm 2020 sẽ còn khoảng 1.200ha đất nông nghiệp.

Hoàng Nhung
;
.
.
.
.
.