.

Miền Trung - Tây Nguyên với điểm nhấn tháng 3

.
Thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố hết sức quan trọng, đặc biệt là những quyết định đúng đắn, kịp thời của Bộ Chính trị cùng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên vào tháng 3-1975.

Mô tả ảnh.
Quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29-3-1975. (Ảnh tư liệu)
 
Từ sau Hiệp định Paris (27-1-1973), bất chấp việc Hoa Kỳ để lại ở miền Nam khoảng 2 vạn cố vấn và tiếp tục viện trợ quân sự, kinh tế cho chính quyền Sài Gòn để phá hoại hiệp định, liên tiếp mở những cuộc hành quân “bình định” và lấn chiếm vùng giải phóng; quân và dân miền Nam vẫn giành được nhiều thắng lợi vang dội, tiêu biểu là Chiến dịch đường số 14-Phước Long (từ 13-12-1974 đến 6-1-1975) và giải phóng toàn tỉnh Phước Long.

Chiến thắng Phước Long đánh dấu sự thay đổi tương quan lực lượng giữa hai bên và mở ra khả năng thắng lợi hoàn toàn cho cách mạng miền Nam. Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã họp hội nghị mở rộng (từ 18-12-1974 đến 8-1-1975) và ra Nghị quyết lịch sử về “Kế hoạch chiến lược 2 năm 1975-1976”, đồng thời có phương án chớp thời cơ để giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Thực hiện Nghị quyết trên, quân và dân miền Nam đã mở Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4-3-1975 đến 24-3-1975), tiến hành 3 đợt tiến công dũng mãnh và kết thúc bằng việc giải phóng 5 tỉnh ở Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Phú Bổn và Quảng Đức với hơn 60 vạn dân, uy hiếp trực tiếp hệ thống phòng thủ của địch ở các tỉnh duyên hải miền Trung, tạo bước ngoặt cho cục diện quân sự và chính trị ở miền Nam phát triển theo hướng có lợi về phía cách mạng.

Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược đó đã khiến hệ thống phòng ngự của địch bị suy sụp và vội vàng chuyển sang thực hiện co cụm chiến lược ở Đà Nẵng và Cam Ranh. Diễn biến mau lẹ của tình thế này được Bộ Chính trị nhận thức đúng đắn nên đã tổ chức cuộc họp vào 18-3-1975 để hạ quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975; trước mắt là tiêu diệt và ngăn chặn Quân đoàn I của địch rút về Sài Gòn, giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.

Ý muốn của Bộ Chính trị đã được Quân khu 5 và Quân khu Trị-Thiên-Huế triển khai bước đầu, thông qua các cuộc tiến công làm tan rã một bộ phận quan trọng của địch ở vùng giáp ranh và đồng bằng, giải phóng phần đất còn lại ở tỉnh Quảng Trị và các quận lỵ Tiên Phước, Phước Lâm, Sơn Trà, Trà Bồng ở Quảng Nam và Quảng Ngãi, tạo thế uy hiếp địch ở Huế và Đà Nẵng (tính đến ngày 20-3-1975).

Đòn đánh mang tính quyết định cho thắng lợi quân sự của cách mạng ở miền Trung gắn liền với Chiến dịch Huế-Đà Nẵng (từ 21-3-1975 đến 29-3-1975), thông qua 2 đợt tiến công chính vào Huế và Đà Nẵng. Cùng thời gian này, Bộ Chính trị đã tiến hành phiên họp lịch sử bàn về thời cơ mới của cách mạng miền Nam và ngày 25-3-1975 đã đưa ra quyết định giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975.

Ngày 29-3-1975, Quân giải phóng có sự kết hợp nổi dậy của quần chúng đã hoàn tất việc đánh chiếm toàn bộ thành phố Đà Nẵng, Chiến dịch Huế-Đà Nẵng kết thúc trọn vẹn. Như vậy, cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế-Đà Nẵng cũng thu được kết quả to lớn: 5 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi và 2 thành phố là Huế, Đà Nẵng được giải phóng, với dân số khoảng 2,5 triệu người. Đến đây, chế độ Sài Gòn lung lay tận gốc, giờ phút sụp đổ đã gần kề. 

Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp và quyết định thực hiện Tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng Sài Gòn trong tháng 4-1975, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Như thế, đại thắng mùa Xuân năm 1975 của dân tộc gắn liền với những quyết định lịch sử nhạy bén, kịp thời, bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam và những thắng lợi quan trọng có tính quyết định của quân và dân miền Nam trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên trong tháng 3-1975.

Số phận của chế độ Sài Gòn xem như đã được định đoạt trong tháng 3; và ngày 30-4-1975 là một hệ quả tất yếu phải xảy ra.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN
;
.
.
.
.
.