Quốc tế

Tìm giải pháp tháo gỡ khủng hoảng Catalonia

08:08, 30/10/2017 (GMT+7)

Người Catalonia - những người ủng hộ chủ trương ly khai khỏi Tây Ban Nha - thật sự vỡ mộng khi khu vực này đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền Trung ương, thay vì cơ chế tự trị như trước.

Các cuộc tuần hành diễn ra trên đường phố Barcelona, thủ phủ của Catalonia, cuối tuần qua nhằm ủng hộ hình thành khu vực này trở thành nhà nước độc lập. 	                                     Ảnh: AFP
Các cuộc tuần hành diễn ra trên đường phố Barcelona, thủ phủ của Catalonia, cuối tuần qua nhằm ủng hộ hình thành khu vực này trở thành nhà nước độc lập. Ảnh: AFP

Không ngoài dự đoán, việc nghị viện Catalonia bỏ phiếu ủng hộ độc lập đã dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ chính phủ Tây Ban Nha: Thượng viện ngay lập tức kích hoạt điều 155 của Hiến pháp, hủy bỏ cơ chế tự trị của khu vực này và sa thải các nhà lãnh đạo địa phương. Cuộc bầu cử mới dự kiến diễn ra vào ngày 21-12 tới nhằm tìm lối thoát cho khủng hoảng. Hiện tại, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria tạm thời chịu trách nhiệm đối với Catalonia; các bộ trưởng chính quyền Trung ương trực tiếp nắm giữ những ban, ngành liên quan của Catalonia cho đến khi bầu cử.

Các nhà quan sát cho rằng, việc nghị viện Catalonia bỏ phiếu tuyên bố độc lập đánh dấu khủng hoảng càng thêm sâu sắc ở khu vực này và sẽ không thể hình thành “nhà nước cộng hòa Catalonia độc lập, có chủ quyền, pháp quyền, dân chủ và xã hội” như mong muốn của phe ủng hộ ly khai. Thay vào đó, Catalonia sẽ đối mặt với việc bị cô lập về ngoại giao từ Mỹ và châu Âu, cũng như sự chia rẽ sâu sắc giữa hai phe ủng hộ và phản đối độc lập. Hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới công nhận Catalonia độc lập. Tại nghị viện Catalonia ngày 27-10, có đến 53/135 nghị sĩ từ chối bỏ phiếu và chỉ 43% cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về độc lập hôm 1-10.

Hãng AP cho biết, ngày 29-10, hàng chục ngàn người biểu tình tập trung ở trung tâm Barcelona, thủ phủ của Catalonia, kêu gọi sự thống nhất của Tây Ban Nha. Một số người còn yêu cầu bắt giữ Thủ hiến bị phế truất của Catalonia, ông Carles Puigdemont. Những người tổ chức biểu tình nói rằng, mục tiêu của họ là bảo vệ sự thống nhất của Tây Ban Nha và bác bỏ “một cuộc tấn công chưa từng có vào lịch sử nền dân chủ”.

Chính phủ Tây Ban Nha hoan nghênh ông Puigdemont tham gia cuộc bầu cử địa phương vào ngày 21-12 nếu muốn tiếp tục sự nghiệp chính trị. Tuy nhiên, báo New York Post cho biết, ông Puigdemont tuyên bố không từ chức, thúc giục những người ủng hộ ông phản đối việc Madrid trực tiếp kiểm soát Catalonia, đồng thời gọi động thái của chính phủ Trung ương là “sự gây hấn”. Trong một tuyên bố trên truyền hình, ông Puigdemont cam kết “tiếp tục làm việc để xây dựng một đất nước tự do”.

Nhà phân tích nguy cơ chính trị Federico Santi của châu Âu tại Eurasia Group cảnh báo sẽ có “những xung đột nghiêm trọng giữa cảnh sát quốc gia và các nhà hoạt động ủng hộ độc lập”. Bởi lẽ, việc chính phủ kích hoạt điều 155 của Hiến pháp có thể làm dấy lên sự tức giận của nhiều người ở vùng có 7,5 triệu dân - khu vực vốn theo cơ chế tự trị, tự kiểm soát về giáo dục, y tế; có nghị viện, cảnh sát và đài phát thanh công cộng riêng... Các nhóm chủ trương ly khai ở Catalonia đang kêu gọi người dân bất tuân dân sự đối với mệnh lệnh từ Trung ương. Hơn nữa, Madrid không có kế hoạch bắt giữ các lãnh đạo Catalonia nhưng bạo lực có thể bùng phát khi người dân ngăn cản cảnh sát Tây Ban Nha buộc các lãnh đạo vùng này phải rời nhiệm sở.

Trong lúc đó, có những đồn đoán ông Puigdemont sẽ xin tị nạn tại Bỉ. Song, một quan chức Bỉ cho rằng, điều này phi thực tế, đồng thời cảnh báo nếu Bỉ chấp nhận cho ông Puigdemont tị nạn thì sẽ tạo ra những khó khăn nghiêm trọng về ngoại giao với Tây Ban Nha. Phát biểu với đài VTM, Bộ trưởng về tị nạn của Bỉ, Theo Francken, nhấn mạnh nước ông không tìm kiếm một kịch bản như thế.

Kết quả thăm dò dư luận được công bố ngày 29-10 cho thấy, các đảng ủng hộ độc lập tại Catalonia sẽ mất thế đa số tại cơ quan lập pháp của vùng này trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới. Theo đó, các đảng ủng hộ độc lập sẽ giành 42,5% số phiếu bầu, trong khi các đảng phản đối độc lập giành hơn 43% số phiếu.

VĨNH AN

.