Quốc tế

Quan sát và bình luận

Người nói được, kẻ nói không

11:10, 13/08/2010 (GMT+7)

Tổng thống Barack Obama hài lòng về tiến trình ở Iraq và cho phép binh lính Mỹ rút về nước nhằm chuyển giao an ninh cho lực lượng địa phương theo đúng kế hoạch vào cuối tháng 8 này, tiến tới hoàn tất rút quân vào cuối năm 2011 theo một thỏa thuận an ninh song phương. Tuy nhiên, người đứng đầu quân đội Iraq - Tướng Babaker Zebari - lại cho rằng, việc Mỹ rút quân lúc này là quá sớm.

“Vấn đề sẽ bắt đầu sau năm 2011”, cảnh báo của ông Zebari hàm chứa sự bất ổn cho đất nước Iraq nếu Mỹ kết thúc chiến dịch “Giải phóng người dân Iraq” do cựu Tổng thống G.W.Bush khởi xướng. Ông Zebari tỏ ra lo ngại bởi quân đội Iraq sẽ không đảm đương được sứ mệnh bảo vệ an ninh cho đến năm 2020 và theo ông, lực lượng Mỹ nên lưu lại Iraq cho đến lúc đó. Thậm chí, vị tướng này còn so sánh việc Mỹ bỏ lại một đất nước ngổn ngang thời hậu chiến là “để Iraq lại cho chó sói”.

Tổng thống Barack Obama đang muốn thực hiện đúng cam kết lúc ông mới đắc cử đối với chiến trường Iraq. Nhưng thực tế, ông và các thành viên Đảng Dân chủ cũng đang lo ngại sẽ mất phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Mỹ hiện có 64.000 binh sĩ tại Iraq, trong đó khoảng 50.000 binh sĩ sẽ ở lại Iraq cho đến năm 2011 để đào tạo lực lượng cho Chính phủ Baghdad cũng như bảo vệ các mối quan tâm của Washington. Song, sự hiện diện của Mỹ ở quốc gia Vùng Vịnh này theo đánh giá không mang lại hiệu quả nào đáng kể. Bạo lực ở Iraq có phần thuyên giảm kể từ đỉnh cao của cuộc chiến tranh sắc tộc năm 2006-2007, nhưng số thường dân chết vì bạo lực do các vụ đánh bom hằng ngày, bắn giết và các vụ tấn công khác gia tăng đáng kể vào tháng 7 vừa qua.

Cái được nhất mà quân đội Mỹ mang lại có lẽ là sự phụ thuộc của binh sĩ, cảnh sát Iraq vào người bảo trợ - cường quốc hàng đầu thế giới kéo dài từ năm 2001 đến nay. Do đó, không có sự hậu thuẫn của Mỹ, các quan chức Iraq phải tìm cách để lấp khoảng trống, mà sứ mệnh này quả thật không đơn giản, nhất là khi đã qua 5 tháng bầu cử Quốc hội nhưng các nhà lãnh đạo quốc gia này vẫn chưa gạt bỏ được những bất đồng để hình thành Chính phủ mới.

VĨNH AN

.