.
Năm hết, Tết đến

Ngày đoàn tụ

Xa Đà Nẵng đúng một học kỳ - 4 tháng, những tân sinh viên người Đà Nẵng đang học tập trên khắp mọi miền đất nước bỗng thấm thía hơn bao giờ hết hai tiếng: Trở về!. Lần đầu tiên sống xa nhà, chợt thèm “chạy u” về hít hà cái không khí lành lạnh những ngày trước Tết, phóng qua nhà nhỏ bạn tay bắt mặt mừng như xa cách bao năm, lẽo đẽo theo mẹ ra chợ coi thịt thà, dưa hành, rồi tít mắt cười khi cô ba, cô bảy hỏi thăm: “Về rồi đó hả con?”. 
                            
Nhắc đến chuyện về - quê - ăn - Tết, những tân sinh viên lại thắc thỏm, hoài mong đến lạ lùng.

1. Các anh chị sinh viên năm cuối có thể đã “lì” sau bao lần đi đi về về, nhưng riêng sinh viên năm nhất, niềm háo hức sắp được về nhà không thể che giấu trên từng nét mặt. Cũng bởi xa nhà “lâu quá rồi”, nên các bạn phải chuẩn bị thật nhiều thứ cho ngày đoàn tụ. Dù còn nhiều ngày nữa mới về, nhưng không khí ngày cuối năm đã rộn rã khắp ký túc xá, khắp các khu trọ.
 
Bạn đóng thùng đồ dùng cá nhân, bạn gửi trước vài thứ về quê, bạn chuẩn bị mấy món đặc sản của sinh viên làm quà. Đồ đạc được xếp gọn gàng, khóa cẩn thận (chống trộm trong những ngày vắng chủ). Qua trao đổi bằng email, Long Hiền, cô sinh viên Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Bình thường ở trọ đã tạm bợ rồi, những ngày gần về càng sống tạm bợ hơn, vì em cố gắng không bày biện thêm thứ gì. Mọi thứ sẵn sàng đợi đến khi xong công việc cuối cùng là lao ra xe”.


Cô bé Trần Trà My, sinh viên Đại học dân lập Văn Lang cho biết: “Em tự nấu dở ẹt, đi xa thèm thức ăn ở quê dễ sợ. Em sẽ để dành bụng, ít bữa nữa về nhà ăn đã đời luôn”. Oanh (Đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh) cho biết thêm: “Mấy ngày gần về, bọn em có ăn uống gì đâu. Ăn tạm cho đỡ đói thôi, thậm chí lên tàu cũng nhịn luôn vì muốn… để dành bụng về nhà”. Minh Châu (Học viện Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh) lại có cách chuẩn bị khác: “Em xếp mùng mền cất kỹ trước hai ngày nên chỉ biết ngủ khơi khơi vậy đó”.

2. Sắp về nhà, dường như có một sức mạnh kỳ diệu giúp tân sinh viên làm việc nhanh nhẹn hơn, thức khuya dọn dẹp không biết mệt, nỗi vất vả để mua cho được tấm vé tàu, vé xe cũng không làm nguôi niềm háo hức.

Trong ký ức của những cựu sinh viên, năm đầu tiên về quê ăn Tết thật khó quên. Thu (Đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh) kể: “Nghe tin mọi người ngủ gà ngủ gật qua đêm ở nhà ga để xếp hàng mua vé, em cũng tranh thủ 4 giờ sáng chạy ra, nhưng tới nơi thì hỡi ôi: một hàng rồng rắn kéo dài đến tận đường cái. Nhích dần… nhích dần. Trưa, em “bò” đến giữa hàng. Nuốt tạm ổ bánh mì. 4 giờ chiều, em “giáp lá cà” với nhân viên bán vé.
 
Niềm vui tràn ngập. Cô bán vé nhìn em nói rõ: “Còn vé cho ngày 29 Tết (tức gần giao thừa mới tới nhà). Vé của những ngày trước hết rồi”. Thả tay! Sao có thể ngồi không đợi Tết trôi qua được. Toi một ngày xếp hàng, toi một niềm hy vọng. Em rảo xe về, ghé vào tiệm làm tô súp cầm hơi, tự an ủi: Thôi, không về cách này thì về cách khác, về là vui rồi”.
 
Một bạn khác nhớ lại: “Em đi xe đò chung chuyến với công nhân. Xe qua khu công nghiệp, hàng hàng lớp lớp người tay xách nách mang ào ra đường như chưa bao giờ đông đến thế. Nhiều nhóm công nhân đã hợp đồng trước với nhà xe nhưng ai nấy cũng tả tơi như xơ mướp mới có được chỗ ngồi yên ổn. Có điều tất cả mọi người đều dễ thông cảm cho nhau. Về là vui rồi. Năm nay cũng vậy, còn vài ngày nữa, cũng trên những chuyến xe ấy”…

THU HOA

;
.
.
.
.
.