.

Nhặt rác ở bán đảo Sơn Trà

.

Kể từ khi bán đảo Sơn Trà trở thành điểm du lịch hấp dẫn ở thành phố Đà Nẵng, thì cũng là lúc, địa chỉ này “gánh” thêm một lượng lớn rác thải do người dân và du khách thiếu ý thức vứt bừa xuống cỏ, hay nhét đầy vào những hốc cây.

Rác sau khi thu gom được các bạn trẻ chở trên xe máy về các điểm tập kết rác dưới chân bán đảo. Ảnh: H.L
Rác sau khi thu gom được các bạn trẻ chở trên xe máy về các điểm tập kết rác dưới chân bán đảo. Ảnh: H.L

Thông điệp từ việc nhặt rác

Đang du lãm, khám phá thiên nhiên tươi đẹp tại đỉnh Bàn Cờ, một du khách đến từ Anh nhíu mày khi thoáng thấy giấy báo, vỏ lon và một số thức ăn thừa do nhóm khách nào đó vứt lại trên bờ đá. Ngay lập tức, ông đưa ống kính về phía những hình - ảnh - không - đẹp kia và bấm máy, trước khi cúi xuống gom lại mang đến bỏ vào thùng rác đặt gần đó.

Kể lại câu chuyện này, anh Bùi Quốc, hướng dẫn viên du lịch tự do tại Đà Nẵng nói, thật ra, lượng rác ở bán đảo Sơn Trà hiện đã giảm nhiều so với thời điểm cách đây 2 năm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng du khách nước ngoài vẫn phàn nàn về thói quen vứt rác bừa bãi ra môi trường của người Việt. Tại đây rác “được” nhét vào hốc cây, bụi rậm nhiều gai nhọn, giấu trong cỏ lùm và vứt bừa ra hai bên đường, lăn lóc xuống vực sâu khiến việc thu gom diễn ra khó khăn.

Bán đảo Sơn Trà được nhiều người ví von như “lá phổi xanh”, điều tiết khí hậu, chặn gió bão cho thành phố Đà Nẵng, đồng thời là địa chỉ du lịch sinh thái lý tưởng, tuyệt đẹp. Thấy rõ tầm quan trọng phải bảo vệ môi trường từ tháng 3 năm ngoái, BQL Bán đảo Sơn Trà và Các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) triển khai các chương trình “Tôi yêu Sơn Trà”, “Vì một Sơn Trà xanh”, “Giới thiệu về đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà”... Ngoài việc giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, hệ động thực vật phong phú, Green Việt xây dựng mạng lưới tình nguyện, tổ chức thu gom rác thải định kỳ 2 lần/tháng, trong mùa du lịch cao điểm từ tháng 4 đến tháng 9.

Thay vì nghỉ ngơi, vui chơi cùng bè bạn ngày cuối tuần, các bạn sẵn sàng lên Sơn Trà nhặt rác. Hành trình nhặt rác thường bắt đầu lúc 14 giờ, qua đồi Vọng Cảnh, đỉnh Bàn Cờ, men theo con đường vòng quanh bán đảo, ngắm voọc chà vá chân nâu và kết thúc công việc khi trời vừa nhá nhem tối.

Vừa leo núi vừa lượm rác trong thời tiết nắng nóng không làm giảm đi tiếng nói, tiếng cười và sự hào hứng của các tình nguyện viên. Võ Thị Thu Thảo, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết ý thức của em về rác thải và vệ sinh môi trường thay đổi rất nhiều sau khi tham gia thu gom rác dịp Tết Ất Mùi 2015 do Green Việt tổ chức. Mỗi thành viên được trang bị túi đựng, kẹp gắp rác để có thể chủ động nhặt rác mọi lúc, mọi nơi. Rác sau khi cho đầy vào các túi lớn sẽ chất lên xe máy, chở về các điểm tập kết dưới chân bán đảo Sơn Trà. Thảo chia sẻ, việc làm của em chỉ muốn nhắn gửi một thông điệp: đừng để người khác phải nhặt rác do mình vứt ra, nhất là ở những nơi có nhiều du khách quốc tế tham quan, thưởng ngoạn.

Hãy chung niềm trăn trở

Hơn 7 năm lăn lộn ở bán đảo Sơn Trà thực hiện các dự án bảo vệ quần thể voọc chà vá chân nâu đang có nguy cơ tuyệt chủng, anh Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Green Việt dường như thấy rõ sự tác động của con người đối với thiên nhiên. Mang rất nhiều trăn trở, anh nói: “Vào các ngày cuối tuần, trên các cung đường lên bán đảo, bạn sẽ “được” chiêm ngưỡng đủ loại rác từ chai nước, vỏ thùng bia, lon bia, lon nước ngọt, thức ăn thừa, vỏ que kem, túi ni-lông, và nhiều đám lửa nhỏ còn đang bốc khói. Đó là những gì còn sót lại tại điểm du khách vui chơi. Rác ở đây không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố môi trường, đến sự cảm nhận của du khách quốc tế, mà còn có khả năng gây hại rất lớn với thiên nhiên hoang dã”.

Cũng theo anh Tuấn, sẽ rất nguy hiểm nếu du khách không hiểu hết những tác hại từ hành động xả rác ở những khu bảo tồn thiên nhiên như bán đảo Sơn Trà. Các loại bao bì, túi ni-lông, bịch sữa uống dở, hay mẩu bánh mì... trở thành nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm từ người sang động vật. Bên cạnh đó, thức ăn thừa thãi để lại, sẽ thu hút các loài động vật đến kiếm ăn. Chúng quen với việc ăn loại thức ăn có sẵn của con người và tìm cách tấn công con người để lấy thức ăn hoặc trộm đồ như đã, đang diễn ra ở các khu du lịch khác.

Là người khởi nguồn chương trình “Vì một Sơn Trà xanh” từ năm 2014, đến nay, Bùi Văn Tuấn đã tổ chức khoảng 10 chuyến khám phá thiên nhiên hoang dã kết hợp nhặt rác ở bán đảo Sơn Trà với 200 tình nguyện viên tham gia. Hiện, mạng lưới này đã thu hút 1.000 người, giúp Green Việt dễ dàng thực hiện các buổi nhặt rác quy mô lớn.

Bên cạnh sự hợp sức từ phía tình nguyện viên, hiện nay, BQL Bán đảo Sơn Trà và Các bãi biển du lịch Đà Nẵng cũng thường xuyên cắt cử nhân viên tuần tra, nhắc nhở du khách bỏ rác đúng nơi quy định. Tuy nhiên, theo Phó trưởng BQL Nguyễn Đức Vũ, công tác thu dọn rác hiện nay mới chỉ diễn ra ở các tuyến tham quan, điểm dừng chân. Thời gian tới, Ban sẽ tiến hành các biện pháp thu gom ở các khu vực có rác ở bán đảo Sơn Trà, nhằm bảo đảm cảnh quan cho khách tham quan, thưởng ngoạn.

Cách trung tâm thành phố chưa đầy 10km, mỗi ngày, có rất nhiều khách du lịch trong và ngoài địa phương tổ chức đi xe máy lên bán đảo Sơn Trà thưởng ngoạn với lỉnh kỉnh đồ ăn, thức uống. Nếu ý thức về vệ sinh môi trường kém, trong tương lai, họ có thể biến Sơn Trà thành bãi rác ẩn mình dưới màu xanh non tơ của núi rừng, cây cỏ.

Chị Lê Thị Trang, Phó Giám đốc dự án Green Việt: Trung bình, mỗi chuyến đi nhặt rác ở bán đảo Sơn Trà giới hạn từ 12 đến 15 người tham gia. Rác ở Sơn Trà hiện nay khá nhiều nên mỗi lần xuất quân, lượng rác thu nhặt được vẫn không thấm tháp gì so với lượng rác du khách thải ra mỗi ngày. Bên cạnh đó, việc nhặt rác hiện nay của tình nguyện viên chỉ có thể diễn ra ở những địa điểm dễ nhặt, dễ phát hiện, còn dưới triền núi hay hốc sâu thì không thể.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.