.

Con đường "dang dở" ở phố Hội

.

Du khách bốn phương khi đến Hội An và dạo bộ trên đường Trần Phú - trục đường chính của khu phố cổ, thường không khỏi ngạc nhiên về sự “thò ra, thụt vào” của các ngôi nhà với “đường cong mềm mại” tạo nên một vẻ đẹp riêng biệt của con đường. Trên thực tế, vẻ đẹp đó là kết quả của một sự “dang dở” trong công tác quy hoạch của thành phố Hội An trong lịch sử.

Một góc đường Trần Phú, thành phố Hội An hiện nay. Ảnh: V.T.L
Một góc đường Trần Phú, thành phố Hội An hiện nay. Ảnh: V.T.L

Từ “thượng chùa Cầu - hạ Âm Bổn”...

Đường Trần Phú chính là con đường nối giữa chùa Cầu (chùa Nhật Bản) và chùa Âm Bổn (Hội quán Triều Châu). Khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ và xây tỉnh đường tại Hội An thì đường này có tên là Rue du Pont Japonais (đường Cầu Nhật Bản – ĐNCT). Trước năm 1947, ngoài tên chính tiếng Pháp thì đường này còn có tên Việt là Nguyễn Huệ. Ngày 15-12-1947, Hội đồng đính chính các tên đường của tỉnh Quảng Nam đã ra quyết nghị và được Hội đồng Chấp pháp Lâm thời Trung kỳ duyệt lãm lấy tên chính thức là Nguyễn Huệ, trong dịp này các con đường mang tên tiếng Pháp đều được đổi thành tiếng Việt.

Trong thời gian từ 1947 đến 1955, đường Nguyễn Huệ đổi thành đường Chùa Cầu (đoạn từ chùa Cầu đến chợ Hội An) và nối tiếp là đường Nhà Đèn (đoạn từ chợ Hội An đến hết Nhà máy đèn), các con đường khác cũng được đặt lại tên căn cứ theo khu vực cư trú của người Hoa hoặc đặc tính của con đường đó trong lịch sử như đường Quảng Triệu (Châu Thượng Văn), Quảng Đông (Nguyễn Thái Học), Minh Hương (Phan Châu Trinh), Phật Học (Hai Bà Trưng), đường Chợ (Trần Quý Cáp), đường Quảng Nam (Trần Hưng Đạo)...

Theo tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt) thì ngày 23-5-1955, Tòa Đại biểu Chính phủ tại Trung nguyên Trung phần đã có nghị định đổi tên đường Nguyễn Huệ thành Cường Để, kéo dài từ chùa Cầu đến Nhà máy đèn (gồm đường Chùa Cầu và đường Nhà Đèn trước đó). Sau 1975, chính quyền cách mạng đổi đường Cường Để thành đường Trần Phú và vẫn giữ tên này cho đến hôm nay.

Theo nhà khảo cổ học Nhật Bản Fukukawa Yuichi, người đã tiến hành khảo sát vào tháng 9-1993 tại các sân sau hoặc trước của các nhà chính trên đường Trần Phú (tức là dãy phố trung tâm của khu phố cổ Hội An hiện nay), kết quả thông qua hiện vật cho thấy, ở đây chỉ có dấu vết dân cư, kiến trúc từ thế kỷ XVIII - XX, nghĩa là chưa tìm thấy dấu vết phố cổ ở phía Nam đường Trần Phú (hiện nay) vào thế kỷ XVI, XVII. Như vậy, đối với yếu tố tên gọi và vai trò lịch sử thì đường Trần Phú như xương sống của khu phố có hình con cá lội ngược dòng sông Thu Bồn để các con đường khác mở rộng và phát triển.

... đến vẻ đẹp của sự “dang dở”

Trong thời kỳ Pháp thuộc, đường Trần Phú (Rue du Pont Japonais) có bề ngang rất hẹp, đến nỗi trong ký ức của nhiều người cao tuổi tại Hội An vẫn nhớ và ví von rằng, đứng trên lan can nhà này có thể bắt tay người đứng trên lan can nhà bên kia đường. Vì chật hẹp như vậy, thực dân Pháp yêu cầu tỉnh Quảng Nam tiến hành mở rộng mỗi bên lùi vào 2 thước. Việc mở rộng không được thực hiện đồng loạt mà bằng cách khi nhà nào tiến hành sửa chữa thì cấp giấy xin phép, trong đó có mục yêu cầu chủ nhà lùi vào 2 mét theo quy định. Từ thực tế đó, cảnh quan trên đường Trần Phú trở nên nham nhở vì có nhà thụt vào, nhà ló ra không theo một trật tự nào mặc dù đây là trục đường chính của phố cổ.

Đến năm 1953, dưới thời Chính phủ Bảo Đại, tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV cho biết, ngày 3-10-1953 Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam (ông Tống Quyền) gửi Phủ Thủ hiến Trung Việt tại Huế biên bản hội nghị trù định chương trình phổ biến luật đi đường và giáo hóa cho dân chúng để tránh những tai nạn xảy ra. Trong đó, ngoài những biện pháp để áp dụng tránh tai nạn xe hơi, ông Tỉnh trưởng lưu ý đến vấn đề mở rộng con đường Chùa Cầu (Trần Phú), là con đường chính rất đông đúc của thành phố Hội An vào 2 thước trong lề đường.

Biên bản cho biết “những nhà du lịch, những kẻ ở các đô thị khác đến lần đầu tiên tại thành phố Hội An ai cũng lấy làm ngạc nhiên trước cảnh tượng hỗn độn của các con đường ở thành phố Hội An, nhà cửa không theo trật tự làm cho kẻ bộ hành không có chỗ để chân, đành phải đi ra giữa đường, vì thế mà không thể nào tránh khỏi tai nạn xe hơi...

 Vì thế, Tỉnh tôi quyết định nếu được Quý phủ thỏa hiệp, sẽ bắt đầu ra lệnh cho các chủ nhà trên hai con đường (Quảng Đông và Chùa Cầu) là hai đại lộ rất đông đúc ở thành phố Hội An phải trụt vào nhà hai thước tây, để công chánh có thể làm vỉa hè (trottoir) cho các bộ hành tiện việc qua lại, tránh tai nạn xe hơi. Trên hai con đường ấy một số nhà đã trụt vào sau khi được phép sửa chữa, nhưng còn một số khác vẫn khư khư giữ mực cũ chồm ra đến lề đường, nên quang cảnh rất là khó xem và hỗn độn”.

Tuy nhiên, ngày 13-3-1953, Phủ Thủ hiến Trung Việt đã không chấp thuận việc mở rộng đồng loạt với lý do “ngân sách Trung Việt hiện thời eo hẹp, chưa có thể đài thọ chi phí về công tác ấy và tiền bồi thường cho các chủ nhà sẽ bị thiệt thòi”. Và cho đến ngày hôm nay, ai có dịp đến Hội An và dạo bộ trên đường Trần Phú sẽ thấy vẻ đẹp của sự “dang dở” vì sự chưa thực hiện được do kinh phí “eo hẹp”, có lẽ sẽ dang dở vĩnh viễn, không bao giờ được thực hiện trọn vẹn.

VÕ HÀ
 

;
.
.
.
.
.