.

Văn hóa trong gia đình Việt Nam hiện đại

.

Gia đình Việt Nam hiện đại - phổ biến là gia đình quy mô nhỏ/hai thế hệ - đang đối mặt đương đầu với không ít vấn đề văn hóa.

Vấn đề đầu tiên là sự kết nối giữa gia đình và dòng họ. So với các gia đình quy mô lớn/tam đại hoặc tứ đại đồng đường ngày xưa, gia đình quy mô nhỏ/hai thế hệ ngày nay dễ có nguy cơ tách rời cội nguồn huyết thống, thiếu sự gắn kết cần thiết với dòng họ.

Chính vì thế mà từng gia đình cần làm cho mỗi thành viên - ngay từ tuổi ấu thơ - có hiểu biết đồng thời có mối liên hệ với cả họ nội và họ ngoại của mình, của cha mẹ mình, của ông nội bà nội và ông ngoại bà ngoại mình - tất nhiên còn có thể mở rộng hơn nữa nhưng có lẽ chỉ giới hạn sự hiểu biết và mối liên hệ ấy của mỗi người trong phạm vi bốn thế hệ như vậy đã rất quý rồi. Cần xem mức độ hiểu biết và gắn bó với dòng họ của một người như là biểu hiện đẳng cấp văn hóa của người đó.

Trong văn hóa Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được coi trọng  trong gia đình cũng như trong dòng họ nhằm thắt chặt quan hệ huyết thống của gia đình hạt nhân và gia đình mở rộng. Và không phải ngẫu nhiên mà ngày 14 tháng 6 năm 1965 - sau Công đồng Vatican II - các Giám mục Việt Nam đã chính thức cho phép người công giáo nước ta giữ và tham gia nghi lễ thờ cúng tổ tiên như đông đảo đồng bào mình.

Nhân đây xin nói thêm rằng các gia đình Việt Nam hiện đại cần tạo điều kiện để mọi thành viên giành thời gian đến dự đám giỗ và chạp mả liên quan đến gia đình/dòng họ mình thật đông đủ để biết họ biết hàng; đồng thời, trong các bữa-ăn-dòng-họ này, người chủ tế cần tìm cách giới thiệu công đức của người quá cố/các bậc tổ tiên đối với quê hương đất nước và dòng họ nhằm làm cho con cháu nâng cao lòng tự hào và tôn kính đối với ông bà…   

Tiếp theo là vấn đề bất bình đẳng giới trong gia đình. Rõ ràng quy mô nhỏ đang tạo ra một môi trường hết sức thuận lợi cho giáo dục nhận thức về bình đẳng giới. Ngày xưa nhà nghèo lại đông con nên phải cân nhắc xem đứa con nào được đi học - thường chọn con trai, đứa con nào không được đi học hoặc phải sớm bỏ học nửa chừng - thường là con gái; còn ngày nay nhà ít con mà cuộc sống có khá hơn, con trai hay con gái đều được học hành đến nơi đến chốn, dẫn đến cơ hội thăng tiến ngang nhau khi bọn trẻ mới bước vào đời.

Và không đợi đến lúc bước vào đời mà ngay thời gian đang ngồi trên ghế nhà trường, các cô chiêu thời nay cũng đã có thể khẳng định năng lực trí tuệ của mình không kém thậm chí có phần trội hơn đôi chút so với các cậu ấm thời nay. Tuy nhiên có phải gia đình Việt Nam hiện đại thực sự không còn áp lực nặng nề của định kiến giới trọng nam khinh nữ?

Không biết do đâu và khởi đầu lúc nào mà ở nước ta đã lưu truyền khá rộng rãi cái ý tưởng rằng giáo dục một người đàn ông chỉ được mỗi một người đàn ông, còn giáo dục một người đàn bà thì được cả một gia đình, qua đó khẳng định vai trò không thể thay thế của phụ nữ trong việc giáo dục con cái. Hóa ra sự bất bình đẳng giới đôi khi lại bắt nguồn từ động tác tưởng như là đề cao phụ nữ: trao cho họ được độc quyền một cái gì đó, ở đây là độc quyền giáo dục con cái.

Chính vì xuất phát từ quan niệm giáo dục con cái trong gia đình là độc quyền của phụ nữ mà không ai khác ngoài phụ nữ phải lãnh đủ mọi trách nhiệm, phải hứng chịu mọi lời chê trách nếu kết quả giáo dục không được như ý muốn, bất cập so với yêu cầu: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà (tục ngữ Việt Nam). Bất bình đẳng giới thể hiện rõ nét nhất là ở việc phân công lao động trong gia đình. Ở không ít gia đình quy mô nhỏ, các ông chồng và các cậu con trai đều xem việc nhà là việc chung của… cả nhà, và chỉ cần thế thôi, các bà vợ cùng các cô con gái ở đấy cũng có quyền tự hào đã được sống trong một không gian bình đẳng giới, cảm thấy được chia sẻ gánh nặng dẫu cho sự chia sẻ ấy nhiều khi cũng rất chi là tượng trưng.

Vì thế bình đẳng giới trong gia đình vẫn còn là đề bài chứ chưa phải là đáp số. Còn gì phấn chấn hơn khi người phụ nữ tận mắt chứng kiến cô con gái "rượu" được hưởng sự phân công lao động trong gia đình theo đúng tinh thần vợ chồng bình đẳng, và bà mẹ vợ hẳn sẽ bình thản nhìn chàng rể cặm cụi nấu cơm, giặt quần áo, quét nhà... trong lúc con gái mình bình chân như vại ngồi đọc báo hoặc xem phim trên vô tuyến truyền hình...

Tuy nhiên liệu cái phấn chấn đó có còn nguyên vẹn hương vị ngọt ngào, thậm chí liệu có thể phấn chấn được không khi người đàn ông tuyệt vời kia chính là cậu con trai và cô vợ trẻ được sẻ chia gánh nặng ấy lại là nàng dâu của gia đình? Gặp trường hợp vừa nêu mà các bà mẹ chồng vẫn cảm thấy nguyên vẹn cái phấn chấn như chuyện đang xảy ra đối với con gái mình thì lúc bấy giờ bình đẳng giới mới thật là bình đẳng giới.

Thế nhưng sự đời có lẽ vẫn chưa được như ta mong muốn, và thật khó mà hình dung một bà mẹ chồng thấm nhuần bình đẳng giới, “chịu chơi” đến mức coi là chuyện bình thường, bình thản nhìn con trai mình cặm cụi nấu cơm, giặt quần áo, quét nhà... trong lúc nàng dâu bình chân như vại xem phim trên vô tuyến truyền hình hoặc ngồi đọc báo!

Một vấn đề nữa là văn hóa đọc trong gia đình. Rất nhiều ý kiến cho rằng, các gia đình Việt Nam hiện đại cần khôi phục, xây dựng  tủ sách gia đình. Tất nhiên đó phải là những tủ sách để đọc/để học chứ không phải là những tủ sách chỉ cốt để làm cảnh, chỉ cốt để khoe… nhiều chữ.

Muốn vậy những người lớn trong gia đình phải ham đọc sách, phải làm gương tốt cho con cháu về văn hóa đọc. Hầu hết trẻ em thích đọc sách và đọc được nhiều sách đều là thành viên của các gia đình có ông bà/cha mẹ ham đọc sách, thậm chí thường xuyên mua sách và thường xuyên đưa con cháu đến hiệu sách. Nhân nói chuyện ông bà/cha mẹ gương mẫu về việc đọc sách, cũng cần lưu ý rằng nhiều bậc phụ huynh hay lấy mình làm hình mẫu dạy con. Cha mẹ mẫu mực để làm gương tốt cho con cái là cần thiết, nhưng nên gương mẫu chứ không nên lấy mình làm hình mẫu, không nên áp đặt cách nhìn, cách nghĩ chủ quan - thường đúng đắn nhưng lắm khi không phù hợp và duy ý chí - của mình đối với con trẻ. Giáo dục con cái trong gia đình, người làm cha làm mẹ phải biết con mình thực sự ham thích cái gì, có năng lực nổi trội về mặt nào - tức phải lấy bản thân con cái làm nhân vật trung tâm…

Bùi Văn Tiếng
 

;
.
.
.
.
.