.

Gia đình yêu thương

.

Với người bình thường hay người khuyết tật về mặt trí não thì gia đình vẫn luôn là mái ấm. Nơi đó, mỗi cá nhân được nhận tình yêu thương theo cách rất khác nhau nhưng luôn bao dung, vị tha. Nơi họ nghĩ cho nhau, vì nhau. Nơi họ sống với nhau bằng tình và bằng tâm.

Còn mẹ để cảm nhận được sự bình an. Để dù cuộc đời có từ chối thì vẫn còn có tình mẹ bảo bọc. TRONG ẢNH: Anh Hùng đang nâng mặt mẹ, giữ cố định để mẹ uống nước. Ảnh: M.T
Còn mẹ để cảm nhận được sự bình an. Để dù cuộc đời có từ chối thì vẫn còn có tình mẹ bảo bọc. TRONG ẢNH: Anh Hùng đang nâng mặt mẹ, giữ cố định để mẹ uống nước. Ảnh: M.T

Thiêng liêng tình mẫu tử

Hình ảnh một người mẹ, tóc bạc trắng, người run bần bật không ngừng vì bệnh parkinson và một người con ngô nghê, dắt tay mẹ bước thấp bước cao có lẽ không quá xa lạ với nhiều người dân Đà Nẵng. Người con đó là anh Nguyễn Hùng (44 tuổi). Anh được các tiểu thương buôn bán tại chợ Hàn gọi bằng tên thân mật là “Người không mang dép”. Anh sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh, chân trái co lại, nhỏ xíu, bàn chân quắp vào trong khiến anh không thể mang dép. Không chỉ vậy, anh Hùng còn mang khiếm khuyết về mặt tâm thần. Trí não anh dường như chỉ dừng lại ở một đứa trẻ lên 5.

Cách đây vài năm, với cô Đặng Thị Hoa (chủ xưởng xốp, thùng phuy trên đường Trần Quốc Toản) thì anh Hùng là người kéo xe bò được tin tưởng nhất. Ngày ấy, cứ đều đặn mỗi sáng anh lại đưa mẹ đến ngồi ở gốc cây bên vệ đường rồi cần mẫn làm việc. Dù trời mưa hay nắng, dù dưới chân là bùn nhão hay nóng như trên chảo rang thì anh cũng không nề hà. Bàn chân trần, bước thấp bước cao cứ kiên trì, lầm lũi đưa những chuyến xe chất đầy thùng phuy sắt vượt qua dốc cầu Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý đến các điểm mua hàng. Anh thật thà, cẩn thận nên được mọi người quý mến, thường xuyên cho cơm, gạo và thức ăn. Theo cô Đặng Thị Hoa thì trong suốt 10 năm làm việc, anh chưa từng than vãn, thắc mắc về quãng đường xa hay về khoản tiền công cô gửi. Anh chỉ hỏi một câu duy nhất mỗi khi nhận quà: “Có phần của mẹ chưa?”. Anh chỉ nhận khi biết chắc rằng, trong đó đã có phần quà của mẹ.

Những năm gần đây, do sức khỏe ngày càng giảm, ngày ngày anh Hùng chỉ đưa mẹ đến vẫy tay chào cô Hoa rồi cùng mẹ đi nhặt nhạnh rác chứ không kéo xe bò như trước. Mẹ con anh được một mạnh thường quân mua tặng chiếc xe đạp điện để thay thế cho chiếc xe đẩy bằng tay. Cùng với chiếc xe, hai mẹ con lững thững trên các cung đường của thành phố, cúi nhặt những mảnh rác, chai nhựa vừa làm sạch lối đi, vừa mang lại thu nhập cho mình. Toàn bộ rác nhặt nhạnh trong một ngày được mẹ con anh Hùng vun vén mang cất trong nhà, chờ đến ngày đem bán. Anh cho biết, trước đây anh nhặt nhiều thứ lắm, nhưng vì bà con lối xóm không chịu nổi mùi hôi của rác nên giờ đây, mẹ con anh chỉ nhặt chai nhựa và thùng các-tông.

Sâu trong con hẻm cạnh chùa Pháp Lâm (đường Ông Ích Khiêm) là căn nhà cấp 4, nhỏ xíu của hai mẹ con. Ngôi nhà không cửa sổ, chỉ vừa kê chiếc giường và để gia tài là chiếc xe đạp điện. Anh Hùng thương mẹ già, đau lưng nên chọn những thùng giấy mới nhất, sạch nhất, lót chồng lên nhau để mẹ nằm êm hơn. Từ được anh Hùng nói nhiều nhất suốt một ngày và có lẽ suốt một đời là “Mẹ”. Mỗi câu nói của anh đều có rất nhiều từ “Mẹ”, lặp đi lặp lại.

Người mẹ già này không nhớ mình mang bệnh parkinson từ bao giờ. Chỉ biết rằng, những cơn run bất tận, triền miên đó khiến mẹ không thể tự tay làm bất kỳ việc gì, kể cả ăn, uống hay trò chuyện. Lời nói từ miệng mẹ phát ra, qua lồng ngực đang run bần bật khiến âm thanh biến dạng và chỉ có anh Hùng mới hiểu được mẹ mình nói gì, cần gì. Món ăn mẹ con anh thích nhất là bún. Khi bát bún được mang ra, anh Hùng đút cho mẹ từng đũa, nhẹ nhàng nâng mặt mẹ, giữ cố định để mẹ uống cạn ly nước tráng miệng, cẩn thận lấy giấy chùi đi những giọt nước màu bắn lên mặt mẹ. Xong tất cả anh mới cười vui vẻ và quay lại thưởng thức tô bún đã nguội của mình. Mỗi ngày của mẹ con anh Hùng đều trôi qua như thế. Họ hạnh phúc với hộp cơm chia đôi, với ngôi nhà không cửa sổ nồng mùi rác. Họ tận hưởng cảm giác có mẹ, có con, bình yên và dung dị.

Một người mà tinh thần, trí não mãi mãi bị nhốt ở lứa tuổi lên 5 như anh Hùng dường như chưa một lần làm đau lòng mẹ. Tình thương đặc biệt anh dành cho mẹ khiến cho bất cứ ai được một lần nhìn thấy cũng cảm nhận ngay được sự bình an, ấm áp, vững chãi của một gia đình.

Nơi trái tim thiệt ấm

Trong con hẻm nhỏ 322 trên đường Hải Phòng có một ngôi nhà đặc biệt. Nhà có 4 người, ngoài mẹ già đang mang bệnh suy tim thì 3 người còn lại đều bị thần kinh. Buổi nói chuyện của tôi và anh Lê Trung Vinh (35 tuổi, đã 13 năm bị bệnh) được bắt đầu bằng chuỗi cười với âm sắc kỳ lạ của chị gái anh. Chị cười, vừa chỉ vào cổ tay, nơi có vết bầm đen do chị tự lấy dao rạch, vừa chỉ vào anh Vinh với ý khoe rằng, anh đã cứu chị trong lần tự tử gần đây.

Anh Lê Trung Vinh từng là học sinh giỏi Trường THPT Phan Châu Trinh, với thành tích học xuất sắc của mình, anh được tuyển thẳng vào Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. Anh phát bệnh khi đang học năm cuối đại học. Sau thời gian chữa bệnh, anh cũng hoàn thành được khóa học. Với tấm bằng khá, anh được nhiều nơi nhận về làm việc.

Anh trở thành niềm tự hào, hy vọng của cả gia đình. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng làm kỹ thuật viên tại Bệnh viện Hoàn Mỹ, căn bệnh lại quay về hành hạ, buộc anh phải bỏ việc cho đến nay. Cao 1m76, da trắng trẻo, vầng trán rộng, khuôn mặt đẹp, hiền từ, từng câu, từng chữ anh Vinh nói đều chậm rãi bởi: “Tôi phải suy nghĩ cho chín mới nói”, ít ai có thể tin rằng, đây là người mang khiếm khuyết về mặt tâm thần.

Câu chuyện quá khứ của anh khiến 2 chị gái ngồi cạnh dừng cười ngô nghê và bắt đầu khóc. Không ồn ào như lúc cười, dòng nước mắt của các chị cứ lăn dài trong im lặng. Ngày mới ở ngôi nhà này được đánh dấu bằng việc 3 người con, mỗi người ôm một bọc thuốc, chăm chú mở, cẩn thận nhón lấy từng viên và để gọn vào 1 góc. Chị cả (47 tuổi), chị hai (45 tuổi) đã 30 năm bị bệnh, mỗi người phải uống 19 viên thuốc.

Bệnh “mới” theo anh Vinh 13 năm nay nên anh chỉ phải uống 9 viên. Số lượng thuốc phải uống, tên thuốc, vị thuốc… đều đã được 3 chị em thuộc lòng nhưng họ vẫn phải kiểm tra chéo cho nhau. Bởi không ít lần, em nghĩ mình hết bệnh hay chị nghĩ mình đã uống rồi nên bỏ thuốc, khiến bệnh trầm trọng hơn. Sau khi đã uống thuốc cho mình, 3 người lại tỉ mẩn lấy thuốc cho mẹ. Những viên thuốc lần lượt được chuyền tay nhau, kiểm tra cẩn thận trước khi mẹ uống.

Mỗi chị mang một biểu hiện bệnh khác nhau. Chị cả thường xuyên sợ hãi, gào thét và đập phá đồ đạc. Anh Vinh là người dỗ dành, “khóa” chặt chị vào lòng chờ đến lúc chị bình tĩnh lại, mặc cho điều này cũng đồng nghĩa với việc anh bị cắn, đánh đến bật máu. Chị hai luôn thường trực ý nghĩ muốn tự tử. Chị tìm mọi cách để uống thuốc quá liều hay dùng dao cắt vào động mạch ở cổ tay.

Hằng tháng, anh Vinh và 2 chị được nhận mỗi người 700.000 đồng tiền chế độ dành cho con của người tham gia kháng chiến, chịu di chứng của chất độc da cam. Với 2,1 triệu đồng một tháng đó, gia đình 4 người họ sống giữa những tràng cười bất tận, giữa những dòng nước mắt lặng lẽ trong lúc tỉnh của 2 chị vì thương em, giữa tiếng đập phá, giữa tận cùng nỗi đau của người mẹ đã sinh con ra, nuôi con lớn và chứng kiến con phát bệnh ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời.

Ai đó từng nói rằng: “Người tỉnh nhất là người điên”. Sự tỉnh táo này đặc biệt thể hiện trong lĩnh vực tình cảm. Có lẽ vì thế mà mặc dù vẫn thích được đọc sách, vẫn mơ ước thành kỹ sư giỏi, hay được… lãnh đạo đất nước, anh Vinh không tiếc nuối khi phải bỏ đi kiến thức đã được học, khi mỗi ngày của anh trôi qua theo một lịch trình duy nhất, xoay quanh những người bệnh. Bởi anh cho rằng, mình may mắn khi vẫn còn mẹ, còn chị để yêu thương, để thấy mình là chỗ dựa vững chãi cho mẹ, cho chị. Anh còn mẹ để cảm nhận được sự bình an. Để dù cuộc đời có từ chối thì vẫn còn có tình mẹ bảo bọc.

Nhiều định nghĩa cho rằng, hạnh phúc là sở hữu một khối tài sản, địa vị xã hội hay sức khỏe dồi dào. Nhưng ở đây, những người khuyết tật này gần như tay trắng, thế nhưng họ vẫn hạnh phúc. Bằng những hành động đơn giản, qua cách chăm sóc và yêu thương người thân của mình, họ đều là con người với tất cả ý nghĩa nhân bản nhất của từ này.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.