.

Hành trình còn dài…

.

“Nếu hỏi oải không - có, rất oải. Có ngại không - có ngại. Có tiếp tục theo đuổi nữa không - có chứ!”. Đó là những dòng tâm sự của chị Trần Mai Anh, một trong những người sáng lập chương trình phẫu thuật “Thiện Nhân và những người bạn” - tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ không may - diễn ra trên khắp Việt Nam suốt gần 5 năm qua.

Việc khó nhất của những người theo đuổi các chương trình từ thiện là bởi họ không phải là bác sĩ, không là y tá... mà có những lúc mệt phờ, ngồi xẹp lép ngay tại phòng mổ sau buổi phiên dịch, phụ mổ; hay giữa ngày nắng gắt chạy xe máy vài chục cây số đi khảo sát gia cảnh của các bệnh nhân. Cứ thế, những hành trình 5 năm, 10 năm và sẽ còn tiếp diễn không phải là gánh nặng, mà chính là làm điều Thiện.

Chị Trần Mai Anh và bé Thiện Nhân. Ảnh: H.N
Chị Trần Mai Anh và bé Thiện Nhân. Ảnh: H.N

Những chuyến đi không mỏi

Ông Trần Chí Thành, Chủ nhiệm chương trình chữa tim bẩm sinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng, bảo rằng nhiều đứa trẻ con không may mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, mà xã hội bỏ nó thì mình phải tham gia giúp các em mới gọi là thiện. Nhất là nhiều em bé ngoài bệnh tim còn bị hội chứng down.

Có nhiều em đã nhập viện chuẩn bị mổ, hồ sơ tài trợ gần như hoàn thành, thì các tổ chức từ thiện đến thăm ở bệnh viện, họ thấy bệnh nhân bị down liền rút tài trợ. Thế là ông phải làm lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục, lại lọ mọ đi kiếm các nhà tài trợ khác. Quan điểm của Hội Bảo trợ là dù với bệnh nhân bị down, dù có bệnh tim cũng không có lý do gì mà không cho các em một cơ hội sống.

Người đàn ông tóc bạc trắng, 75 tuổi vẫn sắp xếp thời gian đi khảo sát hoàn cảnh gia đình của từng bệnh nhân. Chiếc xe máy đưa ông về Hòa Vang, lên Liên Chiểu, vô tận mấy xã vùng xa của tỉnh Quảng Nam. Trước khi bọn trẻ con nhập viện để mổ, ông đi tìm hiểu đã đành; sau khi bệnh nhân về nhà, ông thỉnh thoảng ghé thăm, xem sức khỏe các cháu có tiến triển không, xem có thiếu thốn gì không.

Ở đâu có tặng xe đạp từ thiện, ông cũng năn nỉ xin 1 cái, để dành đó, thế nào cũng cho một đứa trẻ nghèo bệnh tim chưa có xe đến trường. Hôm tôi đến tìm ông, tình cờ gặp hai anh em cô gái Huỳnh Thị Thu Vân ở tổ 9 Miếu Bông, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang ra thăm, báo với ông chuyện cô đã mổ tim thành công.

Thu Vân đã mổ tim lần đầu cách đây 10 năm. Giờ bệnh tim trở nặng, chẩn đoán bị phình động mạch chủ, phải thay van tim, cô gái bé nhỏ suốt gần một năm chống chọi với căn bệnh ở Bệnh viện Trung ương Huế. Anh trai Huỳnh Ngọc Hải của Vân vừa đi làm công nhân, vừa chăm mẹ, chăm em.

“Ông ngoại” Thành hỏi Hải chuyện căn nhà bị nứt đã sửa chưa, chuyện ăn uống của Vân, ông bảo cô bé “bác ở đây giúp con tiền mổ tim, bác sĩ mong con khỏe, còn chuyện sức khỏe con có bình phục nhanh hay chậm do con phải tự lo, không có ai thương mình bằng mình đâu”. Đó là lời nói của người ông, người cha, không còn là của người dưng, người hỗ trợ cho hàng trăm em nhỏ bệnh tật sống khỏe với trái tim của mình.

Cuộc đời là những ngã rẽ bất ngờ. Từ ngày về hưu, ông Chí Thành đeo đuổi với chương trình hỗ trợ mổ tim bẩm sinh. Ông bảo 12 năm nay là khoảng thời gian có ích khi dành hết cho bọn trẻ con. Ông có thêm nhiều người bạn, người anh em, là bác sĩ Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương  Huế, là bác sĩ Thạnh ở Bệnh viện Đà Nẵng, rồi bác sĩ ở Viện Tim TP. Hồ Chí Minh, đều là người nhà cả. Đi nhiều, người thương binh loại 2/4 bỗng gặp những đứa con, đứa cháu của đồng đội cũ.

Bây giờ ông làm điều thiện cũng là gánh phần hy sinh coi như đồng đội giao lại cho ông. Những chuyến đi giúp ông tìm lại cơ sở ngày xưa có các bà má nuôi giấu ông ở Tam Kỳ, Điện Bàn cho ông đánh giặc. Cái tình nghĩa ấy dễ gì trả nổi. Nên mọi hồ sơ bệnh tim khi đến với Hội Bảo trợ, ông đều tìm mọi cách để nó đến trước mặt nhà tài trợ, đến bệnh viện trong vòng 10 ngày. Cho những trái tim đều nhịp.

Cuộc đời cũng là những ngã rẽ, ai mà đoán định trước được. Như chị Trần Mai Anh khi đón em bé bất hạnh Thiện Nhân về với mình, không lường hết được những khó khăn khi chị đưa con đi khắp các nước châu Á, rồi sang tận Mỹ, sang Ý tái tạo bộ phận sinh dục. Rồi nhiều bậc phụ huynh có con bị khiếm khuyết đã tìm đến chị để tìm hiểu thông tin, sự trợ giúp. Từ những đồng cảm và lòng yêu thương những đứa trẻ có hoàn cảnh không may, chị Trần Mai Anh và các cộng sự đã sáng lập ra chương trình “Thiện Nhân và những người bạn”.

Tôi và chị Mai Anh trao đổi qua điện thoại, qua thư điện tử rất nhiều, nhưng đến mùa hè năm 2014 hai chị em mới gặp nhau. Thấy chị làm việc nhiều mà quá bé nhỏ, quá gầy gò so với mỗi vai trò chị đang gánh vác. Các vai trò ấy cộng lại càng làm chị gầy hơn: là mẹ của ba cậu con trai, trong đó Thiện Nhân cần phải được đặc biệt quan tâm chăm sóc, là biên tập viên chính của Tạp chí Heritage, là người gánh vác chính của chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may”... Vậy mà chị luôn nở nụ cười và làm xuất sắc những việc mình đang gánh.

Chưa hết, nhờ chị làm cầu nối mà suốt gần 5 năm qua, GS Robeto Decastro – bác sĩ đầu ngành về mổ tái tạo bộ phận sinh dục của Italia dẫn đầu đoàn chuyên gia sang Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Nhi đồng 2 khám và tiến hành phẫu thuật cho 117 bệnh nhi bị dị tật nặng.

Sức mạnh của tình yêu thương

Trước mỗi chương trình mổ tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em, Trần Mai Anh, ông Greig Craft, Giám đốc Quỹ phòng chống thương vong châu Á và Na Hương Craft, Giám đốc chương trình đều lên kế hoạch gây quỹ. Nhờ tấm lòng hảo tâm của các nhà tài trợ mà 6 kỳ phẫu thuật được tiến hành suôn sẻ và thành công. Số tiền từ vài chục đến vài triệu đồng góp cho chương trình là tiền dành dụm của một em bé, của cụ già bán vé số, của các doanh nghiệp.

Có lúc khó khăn tưởng chừng như vượt quá dự liệu của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, oằn thêm trên đôi vai gầy của Mai Anh. Nhưng một việc đã bắt đầu thì không thể dừng lại. Nhất là khi Mai Anh nhận được những lá thư đẫm nỗi đau của các cha mẹ hay bệnh nhân thì không thể từ chối chỉ vì thiếu tiền. Mai Anh nói rằng phép lạ sinh ra trong phẫu thuật từ bàn tay bác sĩ và cổ tích sinh ra từ lòng người.

Giúp các em được hồi sinh, được có cuộc sống bình thường, hòa nhập với cộng đồng là điều mong mỏi lớn nhất của những người làm chương trình. Mặc dù chi phí cho một ca phẫu thuật tốn kém khoảng 2.500 USD, nhưng các bé đều được miễn phí, từ đi lại đến ăn ở.

Sự giúp đỡ và đồng hành của những người có tấm lòng nhân ái sẽ là bước đệm để nụ cười, niềm tin vững trên mỗi gương mặt người. Và mỗi năm chương trình phẫu thuật diễn ra 2 lần từ Bắc đến Nam, Mai Anh và Na Hương đến từ sáng sớm, hỏi thăm, động viên cha mẹ các em, xuyên qua trưa không ăn uống, quá 12 tiếng/ngày trợ giúp phiên dịch, sắp xếp... trong các ca phẫu thuật.

Ấy thế mà hai người phụ nữ này chẳng phải là bác sĩ, chẳng phải chuyên gia, chẳng phải nhà tài trợ giàu có nào. Tôi nhớ mãi câu nói mà Mai Anh từng nói với một nhà báo về sự nỗ lực của chị trong hành trình tìm cách chữa bệnh cho Thiện Nhân: “Vì tôi là mẹ”. Là mẹ thì luôn sẵn sàng làm tất cả những gì tốt nhất cho con mình. Và hơn hết, chị đang nỗ lực hết sức để làm những gì tốt nhất cho con của những bà mẹ khác.

Có những sự giúp đỡ nhau không thể diễn tả bằng lời. Tháng 3 vừa qua, tôi đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng 1-TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật. Một tuần phơi mình trên hành lang bệnh viện, mới thấy vào đây ai cũng như ai, chỉ còn lòng yêu thương là không thể lẩn khuất. Đến bữa, một người gom phiếu cơm từ thiện để đi nhận chung cho nhiều người.

Để có tiền xuống đây mổ lần thứ 5 cho con, mẹ bé Thủy Tiên ở Daklak để dành được 3 triệu kiếm được trong dịp Tết. Để có 3 triệu, 3 mẹ con từ Buôn Mê Thuột vào khu du lịch Buôn Hồ thuê nhà ở, bán đủ các loại vòng, xèng và hàng lưu niệm cho du khách. Hằng ngày ba mẹ con dậy từ 5 giờ sáng làm bánh bao, bánh tiêu bán trước cổng trường học.

Năm 2013, khi đưa con xuống bệnh viện mổ lần thứ 4, trước khi ra viện, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng-Hàm-Mặt Bệnh viện Nhi đồng 1, Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng ở Sài Gòn đã nói với nhân viên hành chính của khoa “đừng thu bất cứ tiền gì của mẹ em bé này, cô ấy không có tiền đâu” và chính ông cho thêm tiền để hai mẹ con có tiền xe, tiền bồi dưỡng khi về Daklak.    

Nhận rồi lại cho đi, rồi lại nhận... Những được mất cuộc đời cứ hiển hiện thật rõ ràng khi bạn gặp những người chuyên đi xin của người này và chia cho người khác. Hành trình của sẻ chia, hành trình biến những câu chuyện thật thành cổ tích.

Và chị Mai Anh cười, bảo: “Hành trình vẫn còn dài... nhưng vẫn phải cười tươi!”.

Phóng sự của Hoàng Nhung
 

;
.
.
.
.
.