.

Nhớ quê!

.

1. Mái đình, gốc đa, canh rau muống, cà dầm tương, giếng nước bờ ao, những câu ca dao ngọt ngào từ lời ru của mẹ, nơi con cất tiếng khóc chào đời, nơi con bập bẹ những ngôn từ đầu tiên, nơi ông bà cha mẹ của con đã sống ở đó…, là quê hương trong tâm trí của mọi người. Quê hương trong tâm tưởng của tôi còn có một thành phố bên sông Hàn nằm giữa sông và biển, còn có huyện Hòa Vang với 19 xã (khi Hòa Vang chưa chia tách để hình thành thêm các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn) - nơi mà mỗi con đường, mỗi thôn, mỗi xóm, mỗi dòng sông, mỗi cánh đồng trong tôi đều ngập chìm những kỷ niệm vui buồn.

Đường làng ngõ xóm ở Hòa Châu.Ảnh: NGUYỄN CẦU
Đường làng ngõ xóm ở Hòa Châu.Ảnh: NGUYỄN CẦU

Hồi ấy, đầu năm 1981, vừa rời quân ngũ tôi được về với Hòa Vang. Với sức sống của chàng trai vừa tròn 22 tuổi được trui rèn trong quân ngũ, tôi về Hòa Vang với tâm thế: nhiệt tình, say sưa, háo thắng, quyết đoán và hết lòng, tôi dấn thân vào nghiệp cán bộ Đoàn với hành trang như vậy.

Làm cán bộ thanh niên đi xây dựng phong trào, đi tập hợp thanh niên, đi vào những điểm nóng, đi làm công tác dân vận. 19 xã của Hòa Vang đều in bước chân tôi. Tôi trưởng thành và đầy ắp những kỷ niệm và đây chính là chỗ dựa tinh thần theo tôi đến tận bây giờ.

Nhớ Hòa Vang, nhớ những ngày công tác tại Hòa Nhơn, ở nhà dì Tám gần 5 ngày, hết đợt công tác, tôi vừa về đến Huyện Đoàn vào buổi sáng thì buổi chiều con dì Tám chở 2 trái mít bằng xe đạp xuống và nói là dì Tám gởi cho anh. Tôi cảm nhận tình quê, tình người là vậy và lòng sao cảm thấy bồi hồi. Bây giờ về Hòa Nhơn tôi tìm lại nhà dì Tám, nhưng làng xóm thay đổi quá nhiều nên tìm không ra được nhà dì, tôi cảm thấy ray rứt và dặn lòng, tôi sẽ tiếp tục đi tìm những ân tình ngày ấy.

Làm sao tôi quên được những ngày phụ trách Tổng đội Thanh niên xung phong tại xã Hòa Phú… Những ngày đầy nắng và gió, làm nhà, trồng sắn, trồng rừng… Do được trui rèn trong quân ngũ nên những công việc ở Thanh niên xung phong tôi thấy cứ nhẹ tênh. Nhớ cậu Truyền với đôi kính cận nặng, cậu đã giúp tôi rất nhiều những ngày ở nơi đây. Nhớ con suối mà chiều nào mình cũng ngâm mình để rũ bỏ những nhọc nhằn. Bây giờ về Hòa Phú, đi ngang con đường Phú Túc rừng xanh bạt ngàn, gió níu gọi chân, tôi không hình dung đâu là rừng mình đã từng chăm trong những ngày gian nan ấy.

Làm sao tôi quên được những ngày hội quân ở Hòa Tiến với khí thế rực lửa đầy nhiệt huyết đã cho tôi nhiều cảm xúc và liều sáng tác bài múa tập thể “Ta ra trận hôm nay” và bài múa sau này đã trở thành bài múa tập thể được thanh niên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng yêu thích và thường là bài múa tự chọn để thi trong các cuộc thi múa tập thể. Và cũng chính bài múa tập thể đầu tiên này đã cho tôi mạnh dạn sáng tác thêm nhiều bài múa tập thể, nhiều điệu nhảy tập thể và viết về 12 hình thức sinh hoạt chi Đoàn để tập hợp thanh niên.

Nhớ Hòa Vang, tôi nhớ những ngày hội trại trên dốc Hòa Cầm, nắng gió và những cơn mưa không làm nản lòng trại viên. Nhớ tới Hòa Vang là tôi nhớ đến sự quyết tâm, thi đua và phải là đơn vị dẫn đầu. Nhớ tới Hòa Vang, tôi nhớ đến tiếng hô gọi lửa liên hồi của anh Dũng, Bí thư Huyện Đoàn tại trại hội quân xã Hòa Phước. Nhớ Hòa Vang tôi nhớ đến anh Sơn, Bí thư Huyện Đoàn về kỹ năng chỉ hát được có mỗi một bài “Mà sao thanh niên yêu đến vậy”. Vì phong trào, anh Sơn, anh Dũng phải mượn vàng của vợ để bán.

Nhớ Hòa Vang, là nhớ đến những khán giả hâm mộ ở khắp các xã lúc nào tôi tham gia sinh hoạt cũng yêu cầu hát 2 bài hát tủ của tôi “Mùa xuân từ những giếng dầu” và “Gió về miền xuôi” - hai bài hát theo suốt cuộc hành trình của tôi đến tận bây giờ… Nhiều lần tôi có tập thêm vài bài hát mới để hát nhưng cứ về Hòa Vang, về Đà Nẵng thì mọi người cứ yêu cầu tôi hát hai bài ấy.

Với tình yêu quê hương, Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung ra đời đã làm những điều tốt đẹp cho người dân miền Trung. Ảnh: P.V
Với tình yêu quê hương, Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung ra đời đã làm những điều tốt đẹp cho người dân miền Trung. Ảnh: P.V

2. Nhớ ngày ấy trên chuyến tàu dần xa Đà Nẵng để đến Sài Gòn, lòng tôi hụt hẫng, bồn chồn, là nỗi niềm luôn day dứt trong tôi, quê hương lưu lại trong ký ức tôi, bừng lên tâm trí và dâng trào khi chuyến tàu dần dần xa Đà Nẵng. Tôi cảm nhận sâu sắc lời thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Tôi cảm nhận sâu sắc điều này. Lòng tôi trào dâng một cảm xúc khó tả, cảm xúc đó chính là tình yêu quê hương, giá trị quê hương trở nên to lớn và dạt dào hơn bao giờ hết.

Nhớ lần đầu chân ướt chân ráo đến Sài Gòn, tôi được các em lúc trước sinh hoạt ở Câu lạc bộ Kỹ Năng (40 Bạch Đằng, Đà Nẵng) đón tiếp một cách chân tình, quan tâm và lo lắng cho tôi thật nhiều. Tôi thật sự ấm lòng và bắt đầu hành trình mới. Chợt nghe đâu đó tiếng Hòa Vang cất lên mộc mạc khi về quận Tân Bình ăn những món ăn dân dã quen thuộc của quê mình “Quê hương ơi! Xa rồi nhớ thành thơ/ Tiếng mẹ đẻ, gặp nhau mừng khôn xiết/ Ai cũng vậy xa lâu rồi mới biết/ Những ngôn từ không đủ viết… quê hương!”

Về đơn vị mới, chương trình đầu tiên tôi thực hiện là chương trình “Vì khúc ruột miền Trung” qua gợi ý của anh Phan Diễn và anh Quý. Quê hương đã là máu thịt trong tôi nên chương trình thấm đẫm những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng và cũng từ chương trình này đã ra đời “Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung” do anh Phan Diễn sáng lập và mọi người tín nhiệm bầu anh làm chủ tịch. Sự phát triển của quỹ từ sự nhiệt tình của ban điều hành đã làm những điều vô cùng tốt đẹp và quý giá cho đồng bào miền Trung. Tôi có chút tự hào vì mình cũng là một thành viên chung tay góp sức.

Bây giờ, cứ vào đầu mỗi buổi sáng, tôi tranh thủ thời gian lật tờ báo lướt một vòng xem có tin gì về quê hương Đà Nẵng của mình không. Nhớ quê hương, là nhớ đến Hòa Vang, là nhớ đến Đà Nẵng. Tôi nhớ nét mặt từng người, nhớ từng nụ cười rất giòn trong niềm vui đơn giản. Nỗi nhớ trong tôi không chỉ để gặm nhấm nhớ thương một thời mà nỗi nhớ vô bờ ấy cho tôi động lực sống thế nào để ngẩng mặt với quê hương.

Niềm tự hào về quê hương luôn thôi thúc tôi cố gắng, quyết tâm để thành đạt trong cuộc sống. Niềm tự hào đó không cho phép tôi kém cỏi trước mọi người trong tư thế một người con Đà Nẵng xa quê biết tự trọng và ngẩng cao đầu. Lòng tự hào đó còn nhắc tôi phải biết dạy con sống có nghĩa tình. Do vậy, năm nào vợ chồng tôi cũng đưa các con về Đà Nẵng ăn Tết. Cái Tết của Đà Nẵng đưa tôi về với không gian của tình thân. Mồng một Tết, tôi tháp tùng đoàn cán bộ các đoàn thể đi thăm và chúc Tết các cơ quan, ban, ngành, tôi lại được tận hưởng cái giá trị tình đất, tình người và mùa xuân cũng thật bao dung mở rộng vòng tay đón tôi về với tình yêu Đà Nẵng.

TP. Hồ Chí Minh, 5-2-2014

HỒ VĂN ĐẮC

(Nguyên Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Đồng hương Đà Nẵng tại TP. Hồ Chí Minh)

;
.
.
.
.
.