.

Thư viện bên sông

.

1. Bí thư Thành ủy - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố vừa có một quyết định làm nức lòng những ai quan tâm đến văn hóa và đến sự phát triển văn hóa của thành phố bên sông Hàn: Thống nhất chủ trương giữ nguyên vị trí, công năng của Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố như hiện nay; đồng thời xây dựng phương án cải tạo, nâng cấp Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố để triển khai đầu tư trong năm 2015 (Thông báo số 193-TB/TU ngày 17-2-2014 của Văn phòng Thành ủy).

Ở đây có ít nhất hai điều tạo nên tâm trạng phấn chấn của người Đà Nẵng vào những ngày đầu năm Giáp Ngọ này: một là, người đứng đầu thành phố quyết tâm giữ lại một vị trí đắc địa nhất bên bờ sông Hàn để tiếp tục làm nơi đọc sách giống như mấy chục năm qua; hai là, người đứng đầu thành phố cũng quyết tâm thay đổi diện mạo của thư-viện-bên-bờ-sông quen thuộc xưa nay trong thời gian sớm nhất. Người dân đô thị đến thư viện không chỉ để đọc sách mà còn để được tận hưởng một không gian văn hóa đọc. Rõ ràng đây là lĩnh vực cần được đầu tư đúng mức, không chỉ xây dựng chỗ-chứa-sách và chỗ-đọc-sách mà còn phải thường xuyên cập nhật đầu sách nhằm tạo nên một chỗ-chứa-sách phong phú nhất, mà còn phải thường xuyên duy tu bảo dưỡng nhằm tạo nên một chỗ-đọc-sách thú vị nhất, vừa sôi động vì có đông độc giả đến đọc sách và tham gia các hoạt động liên quan tới đọc sách, vừa tĩnh lặng để phù hợp với không gian đọc sách - nhất là đọc sách tham khảo.

Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Đà Nẵng.Ảnh: MINH TRÍ
Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Đà Nẵng.Ảnh: MINH TRÍ

2. Muốn thế thì vấn đề không chỉ và chủ yếu cũng không nằm ở chỗ xây dựng chỗ-chứa-sách và chỗ-đọc-sách cho thật khang trang hiện đại - được thế cũng đã quý - mà là nằm ở chỗ cái chỗ-chứa-sách và chỗ-đọc-sách khang trang hiện đại ấy có được tọa lạc trong một không gian thoáng đãng và thấm đượm chất văn hóa hay không? Quyết định của người đứng đầu thành phố về việc nâng cấp Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố ngay tại vị trí đắc địa bên bờ sông Hàn lâu nay vốn đã dành cho thiết chế văn hóa quan trọng này là cách trả lời rất tường minh câu hỏi vừa nêu.

Viết đến đây tôi chợt có một liên tưởng xa xôi: giá mà số phận của Trường Trung học Phan Thanh Giản ngày xưa, sau này là Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, rồi là trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn… nằm trên đường Lê Lợi cũng được như số phận của Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố - tức vẫn được tiếp tục giữ nguyên công năng của một trường học, để có chỗ mở thêm một trường tiểu học công lập nhằm giải tỏa bớt áp lực tuyển sinh bậc tiểu học trên địa bàn phường Hải Châu 1, đồng thời cũng để thể hiện quyết tâm đổi mới giáo dục và đào tạo của lãnh đạo thành phố theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI - thì tốt biết mấy, thì “Đà Nẵng” biết bao.

3. Có một thư-viện-bên-bờ-sông khang trang hiện đại trong một không gian thoáng đãng và thấm đượm chất văn hóa đã rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là làm thế nào để thư-viện-bên-bờ-sông ấy có thể góp phần tích cực hơn vào quá trình nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng, làm sao cho đông đảo cư dân Đà Nẵng - nhất là lớp thanh niên trẻ tuổi - không bao giờ cảm thấy xa lạ thậm chí dị ứng với sự uyên bác và với văn chương. Câu hỏi trước tiên là cần làm gì để khuyến khích người dân đọc sách, hay nói cách khác là bằng cách nào để khuyến khích người dân chịu dành thời gian cho việc đến thư-viện-bên-bờ-sông này để đọc sách?

Theo tôi thì tổ chức hoạt động trao đổi giới thiệu sách, hoặc tổ chức cho các nhà xuất bản/phát hành sách và cá nhân độc giả hiến tặng sách kèm theo hình thức vinh danh những tổ chức và cá nhân hiến tặng nhiều sách hoặc hiến tặng sách quý hiếm, hoặc tổ chức thi kể chuyện theo sách cho độc giả nhỏ tuổi... là những việc cần làm và có thể làm hiệu quả. Rồi cũng nên tìm cách miễn phí cho người mượn sách. Nói chung là làm sao mọi độc giả đều có thể được miễn phí khi mượn sách để đọc. Chỉ những người muốn nhân bản để đọc riêng - chẳng hạn giới nghiên cứu khoa học - mới phải nộp chi phí sao chụp bằng thậm chí thấp hơn giá thị trường. Tất nhiên cũng phải tính cả chuyện thu tiền bồi thường đã làm mất hoặc hỏng sách…

4. Có người đặt câu hỏi: Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố sau khi được nâng cấp sẽ tổ chức không gian trong khuôn viên thư viện như thế nào cho xứng tầm một không gian văn hóa như mong đợi? Tất nhiên việc tổ chức không gian ở đây trước hết xuất phát từ tư duy kỹ thuật và nghệ thuật của các kiến trúc sư tham gia thiết kế công trình nâng cấp thư-viện-bên-bờ-sông. Hoàn toàn có thể tham khảo ý tưởng kiến trúc những-trang-sách-mở dành cho Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố trước dự kiến sẽ chuyển đến địa điểm mới ở phường Hòa Cường Bắc, với khuôn viên bên ngoài được bố trí cảnh quan lồng ghép, ôm lấy công trình nhằm tạo ra các không gian mở phục vụ vui chơi, đọc sách ngoài trời, đồng thời kết nối với các không gian công cộng xung quanh.

Cũng có người đặt câu hỏi rằng liệu có nên cho mở trong khuôn viên thư-viện-bên-bờ-sông các hàng quán cà-phê giải khát như hiện nay hay không? Tôi nghĩ là vẫn nên cho mở trong khuôn viên này các hàng quán cà-phê giải khát với tư cách là dịch vụ bổ trợ của thư viện phục vụ độc giả. Tất nhiên người uống cà-phê giải khát ở đây không chỉ và chủ yếu cũng không phải là độc giả đến thư viện đọc sách - nhưng không sao, bởi vì người Đà Nẵng đến thư viện mà không cần đọc sách, mà chỉ ngồi uống cà-phê nghe nhạc ngắm cảnh phố phường sông nước thì cũng đã có thể thụ hưởng được phần nào cái không gian văn hóa đọc nhằm di dưỡng tinh thần và tăng thêm hưng phấn rồi. Vấn đề là phải bảo đảm mỹ quan và sự tĩnh lặng cần thiết cho lao động đọc sách, không được để ô nhiễm và tiếng ồn…

5. Dẫu cho Đà Nẵng có nâng cấp thành công và đúng hẹn vào năm 2015 cái thư-viện-bên-bờ-sông khang trang hiện đại trong một không gian thoáng đãng và thấm đượm chất văn hóa đi nữa, thì đấy cũng chưa phải là toàn cảnh văn hóa đọc và sức đọc sách của người Đà Nẵng, và cũng không thể chỉ với cái thư-viện-bên-bờ-sông ấy mà đã đủ khả năng đáp ứng được toàn bộ nhu cầu đọc sách của người dân thành phố này. Với sự phát triển công nghệ như hiện nay, nhiều người Đà Nẵng tuy không có thời gian và nhu cầu đến đọc sách ở thư viện nhưng vẫn có thể thỏa mãn nỗi khát khao tri thức bằng cách đọc sách trên mạng Internet hoặc với sách điện tử Kindle các loại của Amazon.

Và không ít người Đà Nẵng vẫn ngày ngày mua sách in về đọc và dần dần hình thành nên những tủ sách gia đình đáng kể và đáng nể. Ngoài ra cũng phải tính đến những người không có sách để đọc bởi vừa không có thời gian đến thư viện vừa không có đủ tiền mua sách. Cho nên những quản thủ thư viện không chỉ là những người giữ sách, cho mượn sách mà còn phải vươn lên trở thành những người quảng bá sách thông qua hình thức thư viện lưu động hoặc qua sóng truyền hình/truyền thanh nhằm phổ cập sách đến những người không có sách để đọc; hoặc qua các buổi trao đổi giới thiệu sách nhằm thu hút những người đang có nhiều sách ở nhà vẫn tìm đến thư viện để được trực tiếp giao lưu với tác giả các cuốn sách hay, như với Phạm Ngọc Cảnh Nam - tác giả tiểu thuyết Thế kỷ bị mất, hay với Thái Bá Lợi - tác giả tiểu thuyết Minh sư...

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.