.
Góc nội trợ

Chọn nước mắm đúng cách

.

Trong các bữa ăn hằng ngày của đa phần người Việt, nước mắm được sử dụng như một gia vị chính của bữa ăn. Tuy nhiên không phải bà nội trợ nào cũng biết cách chọn loại nước mắm tốt nhất cho bữa cơm gia đình. Dưới đây là một vài điều bạn nên lưu ý khi chọn mua nước mắm.

Chọn nước mắm cũng có nguyên tắc của nó.
Chọn nước mắm cũng có nguyên tắc của nó.

* Chọn nước mắm theo độ đạm

Theo tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm thì độ đạm càng cao càng nhiều chất bổ dưỡng và hạn sử dụng càng lâu. Theo đó, nước mắm loại đặc biệt có độ đạm trên 48, loại thượng hạng có độ đạm trên 40, trên 24 là loại 1, trên 16 là loại 2. Nếu nước mắm có độ đạm dưới 10 là thấp và không đạt tiêu chuẩn. Khi nêm hay dùng pha nước chấm, chỉ cần sử dụng nước mắm 25 độ đạm là đã  bảo đảm được độ thơm ngon bổ dưỡng của loại gia vị đặc trưng này.

* Chú ý đến màu sắc, hương vị của nước mắm

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người tiêu dùng nên chọn nước mắm có màu nâu cánh gián sậm đến nâu vàng, hương thơm nồng, có vị đạm cá nhiều, nước trong, không vẩn đục.

Thông thường, nước mắm ngon thì sẽ mang một mùi vị thơm nhẹ, mặn ngọt hài hòa và bùi bùi. Mùi thơm lừng của mắm sẽ rất đặc trưng, khi nếm mà vị ngọt đậm của nó thấm dần nơi cổ họng và dịu nhẹ thì là mắm ngon. Ngược lại, nếu bạn nếm thử mà thấy mặn chát một cách khó chịu ở đầu lưỡi thì có thể là do độ đạm thấp hoặc sử dụng chất phụ gia không bảo đảm.

* Luôn đọc thông tin trên bao bì

Bên cạnh thông số về độ đạm, người tiêu dùng cũng nên chú ý đến các thông tin khác khi chọn nước mắm như nhà sản xuất, nguồn nhiên liệu, chất phụ gia… Tránh mua các loại nước mắm không có bao bì nhãn mác hoặc nhãn mác không ghi rõ các nội dung bắt buộc như độ đạm.

Nhãn mác đóng vai trò rất quan trọng, một số nhà sản xuất cố tình ghi thông tin độ đạm ở góc khuất, khó nhìn hoặc dùng cỡ chữ bé tí, khó đọc. Ngoài ra còn thêm cả những lời quảng cáo “có cánh” như “siêu sạch”, “mắm cốt”, “đặc sản vùng…” để nhằm mục đích “mập mờ đánh lận con đen”. Hãy ghi nhớ quy tắc: Luôn luôn đọc xem thành phần trên nhãn trước khi bị thu hút bởi bao bì bắt mắt, sặc sỡ và thông điệp quảng cáo hay ho.

C.M (Theo phunu.net)

;
.
.
.
.
.