.

Mơ về những thảm xanh

.

1. Tôi là người rất may mắn khi nằm trong lứa học sinh cuối cùng ở Đà Nẵng được học tại Trường THPT Phan Châu Trinh cũ. Trường cũ, bàn ghế cũ, đôi chỗ gạch đã vênh ra, tay vịn cầu thang bằng xi-măng đã lên nước bóng loáng, trơn nhẵn bởi bàn tay của không biết bao nhiêu thế hệ học sinh.

Cũ là vậy nhưng trường vẫn rất đẹp với tôi và có lẽ, với tất cả học sinh được học tại đây, những người luôn mong ngóng để rồi vui mừng thông báo cho cả lớp về “sự kiện” những gốc bàng đã ra lá non xanh như ngọc khi xuân về, những người luôn ngẩn ngơ bởi màu xanh mơn mởn, in lên màu trời trong vắt gọi bầy chim líu ríu chuyền cành, bởi những cây phượng đỏ rực rôm rả tiếng ve khi hè về, bởi những gốc xà cừ xù xì, vạm vỡ nhưng hiền hòa nhẹ nhàng che nắng cho bao thế hệ học sinh… Tất cả đã rèn cho lũ học sinh vô lo vô nghĩ ngày ấy thói quen quan tâm đến những điều nhỏ nhặt như sự thay áo, ra hoa, trổ lộc của cây, từ đó nhận ra quá trình quay vòng của thời gian.

Một mảng xanh trong khuôn viên Trường đại học New South Wales.Ảnh: M.T
Một mảng xanh trong khuôn viên Trường đại học New South Wales.Ảnh: M.T

Những mảng màu sắc sinh động từ hàng cây quanh trường cũ đã khiến tôi thẫn thờ khi dạo quanh các trường học trong thành phố hôm nay, từ mẫu giáo cho đến đại học, tất cả đều gặp nhau ở một điểm chung: thiếu trầm trọng các mảng xanh. Trường mới và hiện đại nhưng hoàn toàn vắng bóng cây xanh, bê-tông là màu sắc chủ đạo toàn trường. Cái nắng gay gắt của miền Trung dường như càng thêm oi ả bởi nhiệt lượng từ trên cao tỏa xuống được từng mảng bê-tông hút trọn vẹn. Không cây xanh, không tiếng chim hót, chắc hẳn những học sinh hôm nay không thể có được cảm giác vui sướng khi phát hiện ra những nhánh cây bàng đang ra lộc non hay được báo hiệu hè về bởi tiếng ve râm ran cùng những chùm phượng đỏ. Không hiểu, những bạn học sinh hôm nay có cảm thấy thiệt thòi khi ngồi trong lớp học, nhìn ra bốn phía là những bức tường chạy dọc, thẳng tắp nhưng hoàn toàn thiếu vắng màu xanh? Các bạn liệu có tiếc khi trường mới đã tước đi của các bạn “sắc thái văn hóa cây xanh”, điều mà nếu có, nó sẽ làm ngày tháng ngồi trên giảng đường thêm tươi mới, hiền hòa?

2. Có dịp đi công tác tại Sakai, Nhật Bản, một thành phố nổi tiếng về sự đông đúc dân cư, tôi không khỏi bất ngờ với cách người dân và chính quyền nơi đây thể hiện tình yêu đối với cây cỏ. Đông đúc, chật chội là vậy nhưng người dân ở thành phố công nghiệp hối hả này, nơi mà mỗi tấc đất thực sự là một tấc vàng luôn cho rằng mình may mắn, hạnh phúc bởi họ được sống giữa những ngôi chùa, nhà vườn được bao phủ bởi màu xanh non, xanh đậm của vô số các loại cây.

Những không gian xen kẽ khéo léo của các mảng xanh đã lấy đi không ít diện tích đất, tuy nhiên, điều đó có đáng gì với lợi ích mà cây xanh mang lại như khoảng không gian nhẹ bẫng, trong lành khi đặt chân bước vào một nhà vườn; có đáng gì với cảm giác yên bình khi lắng tiếng chim hót vui tai xen lẫn với tiếng chuông chùa đang nhả từng hồi thanh tịnh. Với mỗi người dân Nhật Bản, một khoảnh vườn, một cây xanh còn mang ý nghĩa triết học, thậm chí là tâm linh, bởi vậy họ đối xử với cây như với một con người, một người bạn tâm giao để trò chuyện và lắng nghe. Tất cả cây xanh đều được chăm sóc, tỉa cành cẩn thận. Khi mùa đông đến, từng gốc cây thậm chí còn được ủ ấm bởi lớp vải quấn khéo léo xung quanh. Người hiểu và chăm sóc cây; cây giúp tăng thêm vẻ đẹp cảnh quan cho thành phố và cả đời sống văn hóa tinh thần của Người.

Để có được kết quả này, ngay từ những ngày đầu đến lớp cho đến suốt quá trình học tập về sau, các em nhỏ trên đất nước mặt trời mọc thường xuyên được tổ chức dã ngoại tại các khu nhà vườn, từ đó các em được hiểu hơn về giá trị của từng loại cây đối với sinh thái và sức khỏe con người và từ trong vô thức hình thành tình yêu với cây cối. Chính tình cảm được giáo dục từ nhỏ này mà cây cối luôn là ưu tiên hàng đầu đối với người dân nơi đây. Trân quý cây là vậy, có lẽ người dân Nhật Bản sẽ rất đau lòng nếu biết được ở đâu đó, cây xanh trở thành đối tượng để treo mắc… ống nhựa tưới nước, bảng hiệu xe ôm, bảng hiệu vá xe, vô số các loại dây điện, đèn màu hay thậm chí là nơi tập kết rác…

3. Thành phố Sydney nổi tiếng về sự đắt đỏ đã khiến tôi bất ngờ bởi những công viên rộng ngút ngàn, không thể nhìn thấy điểm đầu, điểm cuối và được bao phủ bởi vô số cây xanh. Giữa thành phố nhộn nhịp, công viên xanh như đưa người dạo bước tách khỏi những xô bồ, hối hả bên ngoài để thả hồn hoàn toàn vào thiên nhiên, cây cỏ và chim chóc. Những bãi cỏ xanh mượt là nơi người dân nơi đây tận hưởng thú vui quây quần gia đình, tắm nắng, đọc sách, chơi cờ, tập thể dục. Lý giải cho câu hỏi, tại sao nhà ở, nơi làm việc hay thậm chí khách sạn ở Sydney thường có diện tích rất khiêm tốn, người dân nơi đây cho biết, cuộc sống phải gắn liền với thiên nhiên, cây cỏ và ánh nắng mặt trời chứ không phải là 4 bức tường trong phòng riêng. Bạn sẽ rất giàu về tâm hồn và thể chất khi đi dạo quanh công viên và thư thả nằm sưởi nắng, đọc sách chứ không phải bởi ngôi nhà to trên con phố chính. Vì vậy, diện tích đất dành cho không gian xanh công cộng luôn là ưu tiên hàng đầu của người dân và chính quyền Úc.

Hiểu rõ được giá trị của cây xanh trong việc giảm áp lực, căng thẳng cũng như là cách chữa bệnh cận thị hiệu quả nhất, hầu hết các khuôn viên trường học ở Sydney nói riêng, Úc nói chung đều được bao phủ bởi màu xanh của cây cỏ. Những dãy bàn học được bố trí trên thảm cỏ êm mượt, tựa lưng vào bức tường phủ kín các loại dây leo luôn là điểm học lý tưởng của hầu hết sinh viên. Tại bất kỳ tòa nhà nào của trường, chỉ cần nhìn ra cửa sổ, bạn sẽ được tận hưởng các mảng màu được phối hài hòa giữa các loài hoa phong phú trên nền xanh non của cỏ.

Tại những trung tâm thương mại, Sydney đang áp dụng mô hình trồng cây trên tường, các túi cát và phân bón được gắn lên dàn khung và từ đó các loài cây phát triển, tạo nên tòa nhà xanh với mảng màu tuyệt đẹp nếu ngắm nhìn từ xa và cảm giác dịu mát, trong lành khi bước chân vào tòa nhà. Cây cối ở khắp mọi nơi, trên tường, dưới nền gạch, và đặc biệt là cả ở hệ thống thang cuốn, tất cả tạo cảm giác như ta đang bước trong một khu rừng kín đặc cây xanh và hoa cỏ chứ không phải một tòa nhà hiện đại. Cây xanh ở khắp mọi nơi bởi người dân nơi đây hiểu hết giá trị của các mảng xanh đối với sức khỏe, đời sống con người và môi trường đô thị. Hiểu, nâng niu và ưu tiên cho các mảng xanh như vậy, có lẽ người dân xứ sở chuột túi sẽ kinh ngạc nếu biết ở đâu đó, những mảng xanh lại “được” xếp vào hàng thứ yếu trong quá trình quy hoạch, chỉnh trang đô thị; ở đâu đó những mảng xanh môi trường mang lại lợi ích lâu dài lại “được” đặt xuống dưới mục tiêu lợi nhuận.

4. Cây xanh đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội bởi nó giúp điều hòa môi trường không khí, hấp thụ các chất thải độc hại, khói bụi, diệt khuẩn, giảm tiếng ồn, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường. Cùng với các công trình kiến trúc khác, cây xanh có thể tạo nên những sắc thái văn hóa đặc trưng, góp phần làm tăng vẻ đẹp cảnh quan đô thị, làm phong phú cuộc sống tinh thần cho người dân. Xuất phát từ những lợi ích không thể thay thế này, mong rằng trong thời gian đến, hệ thống cây xanh ở Đà Nẵng sẽ được quan tâm đúng mức, sẽ nhận được sự chung tay góp sức của cả cộng đồng cho sự phát triển bền vững, đồng bộ, đa dạng về chủng loài của những mảng xanh, điều mà nếu thiếu thì có lẽ mục tiêu “Đà Nẵng - thành phố vì môi trường” hay “Thành phố hấp dẫn và sống tốt” vẫn là mục tiêu xa vời.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.