.

Ánh sáng đầu ngõ...

Câu chuyện về nhóm thanh niên gần 10 người từ quận Liên Chiểu kéo đến đánh hội đồng người trong thôn từ giữa năm ngoái đến nay vẫn in trong tâm trí ông Dương Xí, trưởng thôn Tân Ninh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Mặc dù sau đó, thanh niên và người dân trong thôn kết hợp với lực lượng Công an xã đuổi bắt, giải tán vụ đánh nhau, nhưng nhớ lại thái độ hung hãn, ngang ngược của nhóm người “lạ”, ông Xí khiếp sợ...

Ông Xí kể về mô hình “Ánh sáng đầu ngõ, tiếng mõ trong nhà” đơn giản mà hiệu quả. Sau khi được sự chỉ đạo từ Đảng ủy, UBND xã và thực hiện nghị quyết của Chi bộ, tháng 7-2013, thôn Tân Ninh triển khai mô hình này. Với đặc điểm là khu vực tái định cư, địa hình phức tạp kéo dài qua nhiều đường liên thôn, tiếp giáp tuyến đường tránh nam đèo Hải Vân, gần núi, hồ Hòa Trung, nên mỗi khi trong thôn có chuyện gì xảy ra thì các đối tượng gây rối thường dễ tẩu thoát qua nhiều đường ra vào thôn. “Vụ đánh nhau của nhóm người lạ lần đó, Công an chỉ bắt được 3 người. Hầu hết các đối tượng chạy lên núi, chạy vào hồ Hòa Trung và ra đường tránh thoát thân. Việc chống lại kẻ lạ đột nhập và gây rối chỉ mang tính tự phát, tính đoàn kết chưa cao. Nhưng từ ngày triển khai mô hình, giảm đến 80% số vụ gây rối, đánh nhau trong thôn”, ông Xí nói.

Để triển khai mô hình, ông Trần Đải, Trưởng Công an xã Hòa Liên, cho biết phải qua hơn 20 cuộc họp thôn, tuyên truyền, vận động người dân lắng nghe, thấu hiểu. Vạn sự khởi đầu nan, nhưng khi người dân đã hiểu, nhận ra lợi ích thiết thực thì họ triển khai mô hình nhanh chóng, với sự đồng thuận cao. Quan trọng là lực lượng Công an xã phối hợp với dân phòng, tổ an ninh dân cư tiến hành diễn tập, với những tình huống cụ thể, để người dân chứng kiến, hiểu và thực hiện khi sự cố thật xảy ra.

Với mô hình “Ánh sáng đầu ngõ, tiếng mõ trong nhà”, trước ngõ mỗi nhà có một bóng đèn điện để thắp sáng, trong nhà có một mõ, một gậy 1,5m, dây thừng để sẵn. Khi có chuyện gì xảy ra, người nhà bị sự cố la lên, người láng giềng nghe thấy sẽ bật đèn sáng, gõ mõ để mọi người trong khu vực biết và gõ hiệu ứng dây chuyền; các tổ đoàn kết có một kẻng riêng, do tổ trưởng quản lý và đánh lên để báo cho người trong thôn biết, gõ mõ liên hoàn. Các tổ đoàn kết cử 10 người chốt chặn tại các điểm đường ra vào thôn để đón đối tượng có ý định đào tẩu. Khi lực lượng Công an chưa đến kịp, bản thân mỗi gia đình, mỗi tổ có sẵn gậy gộc, dây thừng tổ chức đón chặn, bắt và trói đối tượng gây rối lại giao cho lực lượng chức năng xử lý.

Ông Dương Xí cho biết, từ ngày có “Ánh sáng đầu ngõ, tiếng mõ trong nhà”, tình hình an ninh, an toàn thôn yên ổn hẳn, tình làng nghĩa xóm được nâng cao, các đối tượng muốn đến gây hấn cũng kiêng dè. Điều này được ông Trần Đải ghi nhận và cho rằng hiệu quả của mô hình là biết lấy lợi ích của nhân dân làm đầu, đồng thời biết dựa vào sức dân, huy động được toàn dân tham gia phòng chống, phát giác, tố giác tội phạm. Đặc biệt, xã Hòa Liên được cho là điểm phức tạp nhất huyện Hòa Vang, tình hình an ninh khu vực trước đây có nhiều bất ổn. Hiện đã có 3 thôn triển khai (Tân Ninh, Quan Nam 1 và Vân Dương 1) của xã triển khai mô hình này và sắp tới sẽ triển khai toàn bộ 10 thôn còn lại.

TRỌNG HUY
 

;
.
.
.
.
.