Giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh xã hội

.

Theo số liệu thống kê từ cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố, số người tham gia BHXH bắt buộc tính đến cuối tháng 11 là 247.055 người, đạt 98,22% kế hoạch, tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước. Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mạnh trong năm 2023, dự kiến đến 31-12 có 25.242 người tham gia, đạt 101,99%. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, ngành BHXH thành phố đã giải quyết cho 12.099 lượt người hưởng trợ cấp BHXH một lần. Và chưa có con số thống kê đầy đủ, song theo cơ quan BHXH, trên hệ thống vẫn ghi nhận nhiều người lao động quay trở lại đóng BHXH, quay trở lại hệ thống an sinh xã hội.

Con số người rút BHXH một lần ở Đà Nẵng khá thấp so với nhiều địa phương trong cả nước, song nó vẫn phản ánh một thực tế là khá nhiều người lao động đang đối diện với những khó khăn về việc làm và sinh kế trong khi giá cả hàng hóa và các dịch vụ xã hội cơ bản gia tăng liên tục. Đặc biệt là tình trạng nhiều công ty thiếu đơn hàng, phải đóng cửa khiến công nhân giảm giờ làm, thiếu việc làm, giảm thu nhập, trong khi nỗi lo “cơm áo gạo tiền” bủa vây. Gánh nặng chi phí hằng ngày trong mua sắm thực phẩm, đồ dùng thiết yếu hay chi phí học tập cho con khiến nhiều người lao động không biết “xoay” ở đâu, họ đành phải sử dụng đến vốn liếng cuối cùng - chọn rút BHXH.

Mặc dù có người ý thức được những thiệt thòi, khó khăn sẽ gặp phải trong tương lai, nhất là khi về già không có lương hưu, không được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí cùng các chế độ BHXH khác. Với nhiều người, đây là việc chẳng đặng đừng. Với xã hội, mỗi người lao động rút BHXH một lần là tự rời khỏi hệ thống an sinh xã hội. Có thể trong vài năm tới, hàng triệu trường hợp không còn BHXH sẽ tạo áp lực rất lớn cho đất nước trong giải quyết vấn đề đói nghèo, bệnh tật cũng như bảo đảm an sinh xã hội, trở thành vấn đề xã hội, làm giảm đi ý nghĩa, vai trò của chính sách BHXH, một trong những chính sách trụ cột của an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Để hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần, giải pháp thiết thực nhất là giúp người lao động vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Ví dụ như hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho con người lao động khó khăn. Đồng thời yêu cầu cha mẹ cam kết không rời hệ thống BHXH. Bên cạnh đó các gói vay, các khoản tín dụng với số vốn nhỏ, được vay ngắn hạn với lãi suất thấp, được bảo đảm giải ngân bằng tín chấp hoặc thế chấp, giúp người lao động giải quyết nhu cầu nguồn vốn trước mắt cũng là một trong những giải pháp căn cơ chưa được chú ý nhiều. Công đoàn các cấp nếu tham gia làm cầu nối hỗ trợ tài chính cho người lao động trong lúc cấp bách là biện pháp hữu hiệu để họ khoan nghĩ đến rút BHXH một lần và không nghĩ đến các nơi vay được gọi là “tín dụng đen” với lãi suất lên đến vài chục phần trăm mỗi năm.

Trong dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được đưa ra thảo luận tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV mới đây, Chính phủ đề xuất hai phương án xin ý kiến đại biểu. Trong đó phương án một là cho phép người tham gia BHXH trước khi luật sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1-7-2025) được rút một lần sau 12 tháng nghỉ việc và có nhu cầu; người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau 1-7-2025 sẽ không được rút một lần, trừ trường hợp đặc biệt. Phương án hai là lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ. Chính sách áp dụng với lao động đóng bảo hiểm dưới 20 năm mà sau 12 tháng không thuộc diện tham gia khu vực bắt buộc lẫn tự nguyện, muốn rút một lần. Để lại 50% là để lại cho người lao động và được ghi nhận trong sổ BHXH để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi. Khi người lao động quay trở lại tham gia thì được cộng hưởng tiếp thời gian đóng. Còn nếu không tham gia thì khi đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ hưởng trợ cấp hằng tháng.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, phương án BHXH một lần cần hướng tới hai  mục tiêu cơ bản. Thứ nhất là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH là vẫn có quyền để giúp BHXH. Thứ hai là phải phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già là có lương hưu bảo đảm cuộc sống. Hiện tại khó có thể đưa ra một phương án tối ưu mà sẽ đi theo phương án nhiều ưu điểm hơn. Việc điều chỉnh hưởng BHXH sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng là người lao động có quyền về vấn đề này nhưng không phân biệt người đóng trước hay đóng sau khi luật có hiệu lực. Như vậy, vấn đề người lao động được rút một nửa hay toàn bộ BHXH còn cần thêm nhiều ý kiến bàn thảo để có giải pháp khả thi nhất và sẽ được  trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.