.
70 năm Ngày truyền thống ngành Giao thông vận tải Việt Nam (28-8)

Trong thử thách, trưởng thành vượt bậc

.

Đồng hành với sự phát triển của ngành giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam, ngành GTVT Quảng  Đà, Quảng Nam-Đà Nẵng và nay là Đà Nẵng đã vượt qua bao gian nan thử thách để có những đóng góp đáng tự hào cho sự phát triển chung của thành phố.

Cầu Sông Hàn là một trong những công trình giao thông tiêu biểu của ngành giao thông vận tải thành phố.
Cầu Sông Hàn là một trong những công trình giao thông tiêu biểu của ngành giao thông vận tải thành phố.

Ngày 26-5-1968, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà quyết định thành lập Ban Giao vận Quảng Đà. Ngay từ lúc mới thành lập, trong năm tháng đầy khốc liệt của chiến tranh và trong hoàn cảnh thiếu thốn phương tiện, các cán bộ, chiến sĩ ngành GTVT đã không ngại gian khổ hy sinh viết lên những trang sử hào hùng. Kẻ thù không thể ngờ rằng, sau những trận mưa bom bão đạn, lại nhanh chóng xuất hiện những con đường cho đoàn quân giải phóng tiến ra chiến trường...

Khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, ngành GTVT Quảng Nam-Đà Nẵng tiếp quản một hệ thống giao thông từ nông thôn, miền núi cho đến các khu dân cư đều trong tình trạng vừa thiếu và bị tàn phá nặng nề. Nhiệm vụ hàng đầu lúc đó, cũng là mệnh lệnh trái tim của những chiến sĩ trên mặt trận GTVT là nhanh chóng sửa chữa lại những con đường.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn sau chiến tranh, hàng trăm kilômet đường lên vùng cao, đến vùng xa của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã được phục hồi, đảm bảo giao thông thông suốt. Đến khoảng cuối năm 1996, cơ bản hệ thống giao thông đường bộ đã được phục hồi, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, từ ngày 1-1-1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, hạ tầng giao thông thành phố thực sự bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ. Với chủ trương “Giao thông đi trước một bước” của chính quyền thành phố, ngành GTVT cũng đã nhanh chóng chuyển mình vượt lên chính mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực của giao thông.

Về công tác quy hoạch, không gian đô thị đã được mở rộng về hướng Đông Nam, Nam, Tây Nam và Tây Bắc một cách hài hòa, cân đối. Tất cả các công trình giao thông được quy hoạch, thiết kế mang tư tưởng đón đầu và là đòn bẩy cho thành phố phát triển. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, bộ mặt đô thị của thành phố đã hoàn toàn thay đổi; những công trình giao thông có kiến trúc rất độc đáo như cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Thuận Phước, cầu vượt ngã ba Huế... hình thành.

Từ chỗ cả thành phố chỉ có vài trăm con đường với tổng chiều dài là 423,2km, thì đến năm 2015 tổng chiều dài  mạng  lưới đường bộ đã trên 1.200km và có 25 cây cầu với tổng chiều dài gần 4.000 mét. Bên cạnh đó các công trình giao thông quốc gia trên địa bàn thành phố như các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 14B,  hầm đường bộ Hải Vân, Cảng Tiên Sa, Sân bay quốc tế Đà Nẵng... đều đã được nâng cấp, mở rộng, khang trang, hiện đại.

Nhờ hạ tầng giao thông hoàn thiện nên công tác vận tải cũng đã chuyển mình lên một tầm cao mới. Đến nay, thành phố đã có 85 tuyến xe cố định liên tỉnh, kết nối với 22 tỉnh, thành phố trên cả nước; gần 500 đơn vị vận tải hàng hóa hoạt động trên cả nước và cả sang Lào, Camphuchia... Sân bay quốc tế Đà Nẵng kết nối với hơn 20 đường bay quốc tế và đến tất cả các sân bay lớn trong nước.

Vận tải của hệ thống đường sắt liên tục tăng trưởng từ 10-15%/năm. Mạng lưới giao thông đường thủy tăng tần suất đảm bảo được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không những ở thành phố và cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các tuyến đường thủy nội địa đã được quy hoạch chủ yếu phục vụ cho dịch vụ du lịch và giải trí.

Mặc dù đã gặt hái được rất nhiều thành công như vậy, nhưng những cán bộ quản lý của ngành GTVT thành phố đã luôn tự nhủ không được hài lòng với những gì đã làm được, mà cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian đến. Trước hết là tập trung giáo dục cán bộ, công nhân viên, người lao động của ngành về truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước, luôn biết vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Phát huy vai trò của Đảng bộ trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phát huy dân chủ cơ sở, coi đó là sức mạnh để mọi cá nhân, tập thể trưởng thành hơn trong công việc. Chủ động tiếp cận ứng dụng các công nghệ mới trong xây dựng, quản lý và vận hành hạ tầng giao thông một cách hiệu quả nhất.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.