.

Thanh niên nói không với tệ nạn xã hội

.

Để tránh xa các cạm bẫy, cám dỗ ngày một nhiều ngoài xã hội, trong những năm qua, đoàn viên, thanh niên tại nhiều địa phương không ngừng áp dụng nhiều hình thức sinh hoạt, tuyên truyền nhằm động viên, sát cánh bên nhau tránh xa và đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Bằng nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau, thanh niên đã góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, giúp đỡ thanh-thiếu niên chậm tiến nhận thức hơn về những việc mình đã làm. TRONG ẢNH: Một tiểu phẩm phòng chống ma túy của thanh niên quận Hải Châu.
Bằng nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau, thanh niên đã góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, giúp đỡ thanh-thiếu niên chậm tiến nhận thức hơn về những việc mình đã làm. TRONG ẢNH: Một tiểu phẩm phòng chống ma túy của thanh niên quận Hải Châu.

Xem kịch mà ngẫm lại mình

Có mặt tại Hội thi “Thanh - thiếu niên với phòng, chống ma túy” do Quận Đoàn Hải Châu phối hợp với Phòng Tư pháp, Phòng LĐ-TB&XH quận tổ chức, trong không khí cổ vũ nồng nhiệt của các đội thi, ở một góc phòng, L.T.T (25 tuổi) chăm chú theo dõi các tiểu phẩm, thỉnh thoảng trầm ngâm cúi mặt xuống bàn khi tìm thấy mình đâu đó trong những vở kịch. 25 tuổi, 2 lần sa ngã vào “nàng tiên nâu”, đến nay, nhờ sự động viên, dìu dắt của ĐVTN trong phường, T. mới đứng lên được.

T. tâm sự: “Trong những tháng ngày dính vào ma túy, em từng cư xử vô lễ với ba mẹ, từng đi ăn trộm để có tiền chơi hàng đá… như những gì các bạn đang thể hiện trên kia. Giờ ngẫm lại, càng xấu hổ với bản thân mình bao nhiêu thì em càng thương ba mẹ bấy nhiêu. Em sẽ quyết tâm làm lại từ đầu…”.  

Không dính vào ma túy đá như T., nhưng L.V.T.N (20 tuổi, ở phường An Khê, quận Thanh Khê) cũng từng đánh mất chính mình vì tính bồng bột, ngông cuồng của mình.

Học lớp 10, nghe bạn bè xấu rủ rê, N. bỏ nhà đi lang thang suốt 2 năm mặc cho bao lời can ngăn của ông bà, ba mẹ. Rồi N. tập tành hút thuốc, quậy phá, đánh nhau. Một lần lẻn vào nhà dân ăn trộm, N. bị Công an bắt, phạt hành chính vì gây rối trật tự nơi công cộng và trộm cắp tài sản. Từ đây, được Công an phường cùng các anh chị cán bộ Đoàn kèm cặp, động viên, khích lệ, N. trở lại tham gia sinh hoạt Đoàn. Hiện tại, không chỉ học văn hóa, mà N. còn là thành viên lực lượng dân phòng cơ động của phường; được gia đình, mọi người tin tưởng, yêu quý.

Đẩy lùi tệ nạn xã hội

Xác định phát triển hoạt động Đoàn phải song song với công tác chăm lo đời sống, đẩy lùi tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên, từ năm 2011 đến nay, Ban Thường vụ Thành Đoàn Đà Nẵng đã có các văn bản chỉ đạo các các đơn vị xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống mại dâm, ma túy, phòng chống HIV/AIDS.

Theo đó, đã có hơn 3.000 tranh vẽ cổ động phòng chống mại dâm, HIV/AIDS; hơn 40 tiểu phẩm tham dự các hội thi tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, còn tổ chức các tuần lễ chiếu phim, video các tiểu phẩm tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, tuyên truyền lưu động tại các khu công nghiệp…

Tổ chức thi tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy, mại dâm, phòng chống HIV/AIDS trong đoàn viên, thanh-thiếu niên; đồng thời, lồng ghép vào những buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, chi đội.

Thành Đoàn Đà Nẵng cũng triển khai và nhân rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng như: CLB công tác xã hội và phòng chống tội phạm, CLB pháp luật, CLB tiền hôn nhân, CLB sống khỏe, Góc cà-phê thân thiện, Nhóm giáo dục đồng đẳng, Nhóm bạn giúp bạn, Đội tuyên truyền thanh niên phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm...  

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy về công tác cảm hóa, giúp đỡ thanh-thiếu niên chậm tiến, tại mỗi cơ sở Đoàn đều thực hiện phân công 3 cán bộ Đoàn trực tiếp giúp đỡ, đến tận nhà động viên, thăm hỏi, khảo sát nguyện vọng và tìm biện pháp giúp đỡ phù hợp một thanh-thiếu niên chậm tiến.

Riêng đối với các em đã trở lại học văn hóa, cán bộ được phân công giúp đỡ phối hợp với chi đoàn giáo viên trường tổ chức kèm cặp, phụ đạo thêm kiến thức để các em theo kịp chương trình, vươn lên học tập, tránh tình trạng chán nản do không theo kịp chương trình vì bỏ học thời gian dài.

Sau 5 năm (2011-2015), số thanh-thiếu niên hư, vi phạm pháp luật giao cho Đoàn quản lý có 292 em có biểu hiện tiến bộ, nhiều em đăng ký học nghề, học văn hóa, đi làm phụ giúp gia đình. Từ đó, các em đã ý thức hơn trong cuộc sống và chuẩn bị hành trang tích cực để vào đời.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.