Dốc sức điều trị cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2

.

Sau 5 ngày tiếp nhận, điều trị, sức khỏe của các trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 tại Đà Nẵng đã có những dấu hiệu hồi phục. Ngành y tế thành phố nói chung, đặc biệt là đội ngũ nhân viên y, bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng đang được huy động tối đa để vừa bảo đảm an toàn trong phòng, chống lây nhiễm, vừa mang lại hiệu quả trong công tác điều trị.

Hệ thống camera để theo dõi tình hình các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng.    											     Ảnh: PHAN CHUNG
Hệ thống camera để theo dõi tình hình các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Tầng 3 và tầng 4 Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng đã được thiết lập, cách ly để tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2; trong đó, tầng 4 là nơi 3 bệnh nhân đầu tiên tại Đà Nẵng nhiễm loại virus này đang được cách ly, điều trị.

Tại phòng chuyên môn khu vực tầng 3, ê-kíp trực của bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới đang theo dõi tình hình các bệnh nhân thông qua hệ thống camera. “Mỗi ngày, nhân viên y tế sẽ thay phiên nhau vào tiếp xúc với các bệnh nhân 6-8 lần, từ khám, đo huyết áp, điều trị, đưa thức ăn, lấy mẫu máu. Mỗi lần ra vào đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các chế độ bảo hộ để khống chế, loại trừ việc lây nhiễm”, bác sĩ Hàm cho biết.

Khoa Y học nhiệt đới hiện huy động 50 người gồm bác sĩ, y tá, điều dưỡng… tham gia hoạt động phòng, chống dịch. Kể từ khi tiếp nhận 2 bệnh nhân đầu tiên (ngày 8-3), toàn bộ các nhân viên được quán triệt, huy động ở lại bệnh viện, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa bảo đảm an toàn, hạn chế tiếp xúc với người bên ngoài.

Việc giao tiếp, thông tin với các bệnh nhân đều thực hiện thông qua hệ thống liên lạc. Bệnh viện Đà Nẵng đã lắp đặt thêm thiết bị liên lạc cố định, dành riêng cho các bệnh nhân để liên lạc với nhân viên y tế bên ngoài. Hằng ngày, ngoài nhiệm vụ khám, điều trị, các nhân viên y tế chuẩn bị sẵn thực đơn cho bệnh nhân, đặc biệt là 2 du khách lựa chọn.

“Bên cạnh đồ ăn phục vụ theo yêu cầu để bảo đảm dinh dưỡng, chúng tôi cũng quán triệt, động viên anh em luôn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu cần thiết, khi bệnh nhân yêu cầu. Theo dõi diễn biến tâm lý cho thấy, những ngày đầu khi vào đây họ có chút lo lắng, nhưng bây giờ thấy đã ổn định, thoải mái hơn”, bác sĩ Hàm nhìn nhận.

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, việc tiếp nhận, theo dõi và điều trị cho các bệnh nhân luôn tuân thủ theo quy định, phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Trước đó, bệnh viện cũng đã ban hành quy trình 15 bước từ khu vực đường đi, xử lý trang phục sau khi vào khu cách ly, vệ sinh bề mặt, thu gom, vận chuyển rác thải.

Riêng khu vực điều trị các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2  được thiết lập 3 vòng, gồm khu vực nghi ngờ, khu vực cách ly và khu vực buồng bệnh (nơi tiếp nhận, điều trị bệnh nhân). “Sau 3 ngày tiếp nhận, điều trị theo phác đồ, hiện sức khỏe của các bệnh nhân, đặc biệt là 2 du khách đã ổn định, không còn tình trạng tăng huyết áp như lúc ban đầu, các thông số về nhịp tim, huyết học khác cũng đã ổn định. Bệnh nhân ăn uống trở lại bình thường, ngủ ngon”, bác sĩ Trung cho biết.

Hiện Bệnh viện Đà Nẵng đang huy động khoảng 100 người, gồm nhân lực Khoa Y học nhiệt đới cùng các chuyên khoa khác, sẵn sàng hỗ trợ, tích cực điều trị cho bệnh nhân. Buổi sáng sớm trong ngày, bệnh viện tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa, thông báo tình hình sức khỏe bệnh nhân, đồng thời đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình hình thực tế.

“Chúng tôi cũng đã sẵn sàng với kịch bản trong trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng. Theo đó, một đội ngũ y, bác sĩ của khoa Gây mê hồi sức và Hồi sức tích cực chống độc đã sẵn sàng để đặt ống thông khí quản, chạy hệ thống máy ECMO trong trường hợp bệnh nhân suy đa cơ quan, diễn biến xấu. Đây là những công việc có nguy cơ lây nhiễm cao do tiếp xúc với nước bọt, dịch hầu họng nên đòi hỏi đội ngũ y tế phải thuần thục về chuyên môn và hết sức kỹ lưỡng”, bác sĩ Trung nói.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng khám cho các trường hợp có triệu chứng ho, sốt, khó thở. Khu vực này được thiết lập tách biệt hoàn toàn với khu vực khám thông thường.       	            Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng khám cho các trường hợp có triệu chứng ho, sốt, khó thở. Khu vực này được thiết lập tách biệt hoàn toàn với khu vực khám thông thường. Ảnh: PHAN CHUNG

Ngoài công tác chuyên môn, việc bảo đảm an toàn, không lây nhiễm chéo trong bệnh viện được đặc biệt chú ý. Từ ngày 10-3, Bệnh viện Đà Nẵng bắt đầu áp dụng tờ khai y tế đối với người dân khi đến khám, điều trị tại bệnh viện.

Theo đó, tờ khai y tế thể hiện rõ tình trạng sức khỏe, quá trình tiếp xúc, những triệu chứng nếu có của người dân, giúp bệnh viện có cơ sở phân loại ngay từ đầu. Khu vực khám cho những người có các biểu hiện sốt, ho, tức ngực được thiết kế theo lối đi riêng, hoàn toàn tách biệt với khu vực thông thường.

Tại đây, các nhân viên y tế được trang bị bảo hộ kín, bệnh nhân cũng được hướng dẫn sử dụng cồn sát khuẩn, mang khẩu trang. Việc khám, giao tiếp thông tin được thực hiện trong phòng có vách kính trong suốt ngăn ra kết hợp với thiết bị loa, micro để chuyển tải thông tin.

Đối với khu vực điều trị các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, Bệnh viện Đà Nẵng thiết kế theo hướng 1 chiều từ khu vực tiếp nhận, thu dung, điều trị. Hệ thống máy chụp X-quang được bố trí ngay bên trong, in kết quả tại chỗ, các bề mặt tiếp xúc được phun hóa chất CloraminB 2 lần/ngày theo quy định. Ngoài ra, các nhân viên y tế sau khi tiếp xúc với bệnh nhân sẽ ra bằng lối đi 1 chiều, có khu vực tắm, khử trùng riêng, không đi lại lối đi ban đầu.

“Trong tình thế hiện nay, toàn thể cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện đều quán triệt là tập trung tối đa để theo dõi, điều trị sức khỏe cho các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Chính vì thế, việc bảo đảm an toàn cho các nhân viên hằng ngày tiếp xúc với các bệnh nhân là điều được bệnh viện đặc biệt lưu ý”, bác sĩ Trung nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

;
;
Tin liên quan
.
.
.
.
.