.

Chiến thắng Điện Biên Phủ,mốc vàng trong lịch sử dân tộc

L.T.S: Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc vàng trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, đến nay đã tròn 55 năm. Nhân dịp này, Báo Đà Nẵng mở chuyên mục: “Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” trên các số báo hằng ngày, nhằm giới thiệu đến bạn đọc những nét cơ bản quá trình hình thành và diễn biến, kết quả thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. 
   
1- Bối cảnh lịch sử

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc đã quay trở lại xâm lược nước ta. Ngày  19-12-1946, với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nhất tề đáp Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống kẻ thù xâm lược.

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Quân ta càng đánh càng mạnh, càng thắng, quân viễn chinh Pháp càng ngày càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Vùng giải phóng mở rộng, chính quyền dân chủ nhân dân được củng cố. Đến năm 1953, nhân dân và quân đội ta đã làm chủ trên chiến trường, tạo ra sự so sánh lực lượng có lợi cho ta.

Để cứu vãn tình thế, bước vào Thu-Đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Nava tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và bình định cả Nam Đông Dương. Kế hoạch Nava là kế hoạch chung, là nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhằm giành lại thế chủ động có tính quyết định về quân sự trên chiến trường, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có lợi cho chúng. Để đạt được mục tiêu đó, Pháp và Mỹ đã lập kế hoạch đến năm 1954 quân chủ lực Pháp có 7 sư đoàn cơ động chiến lược với 27 binh đoàn làm nắm đấm thép.

Về phía ta, tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân với phương châm: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, chọn nơi địch sơ hở và nơi tương đối yếu mà đánh, chọn những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững thế chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng.

Quân và dân ta đã phối hợp với quân và dân Lào, Campuchia liên tiếp mở chiến dịch và giành thắng lợi ở Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Campuchia, Tây Nguyên và Thượng Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng của địch, buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó trên khắp chiến trường Đông Dương, đẩy chúng vào tình thế bị động chiến lược. Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Tuy là kế hoạch nằm ngoài dự kiến ban đầu của Kế hoạch Nava của Pháp và Mỹ, nhưng các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã liên tiếp cho tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Địch đã cho tập trung ở đây 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực  lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương; hệ thống hỏa lực mặt đất khá mạnh với 2 tiểu đoàn pháo 105mm, 1 đại đội pháo 155mm, 1 đại đội súng cối 120mm được bố trí ở Mường Thanh và Hồng Cúm, hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 lần chiếc lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch, bảo đảm nguồn tiếp viện cho quân Pháp trong quá trình tác chiến.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ. Nava coi Điện Biên Phủ như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Điện Biên Phủ đã trở thành quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava.

Trước tình hình đó, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp và nhận định Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng chỗ yếu cơ bản của địch là bị cô lập. Về phía ta, Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay; diễn ra trên địa bàn rừng núi hiểm trở, đường cơ động cho pháo khó khăn, thời gian chuẩn bị cho chiến dịch gấp. Nhưng chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa quân sự, chính trị và ngoại giao rất quan trọng; khó khăn lớn nhất của ta là vấn đề cung cấp hậu cần nhưng chúng ta có thể khắc phục được.

Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000.

Chấp hành quyết định của Bộ Chính trị, mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương, cả nước đã tập trung sức người, sức của cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch; 261.451 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch. (Còn nữa)

;
.
.
.
.
.