.

120 năm đô thị hóa ở miền Trung

Phần 6:Bùng nổ đô thị hóa ở miền Trung (1975-2009)

Ngày 30-4-1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trọn vẹn. Công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và tái thiết đất nước được khởi động trên phạm vi toàn quốc. Đó là nền tảng vững chắc bảo đảm cho việc đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa ở miền Trung. Từ đây, không gian đô thị không ngừng được mở rộng.


1- Giai đoạn hồi phục (1975-1986)

Sau chiến tranh, những khó khăn thời hậu chiến vẫn là lực cản không nhỏ trên bước đường khôi phục và phát triển kinh tế-đời sống của toàn thể nhân dân Việt Nam. Vì thế, đô thị miền Trung trong khoảng 10 năm sau 1975 tuy có sự vươn lên, nhưng cũng chỉ mới là những dấu hiệu hồi phục, chứ chưa tạo được sự đột phá trong quá trình đô thị hóa.

Khu vực Bắc Trung Bộ vốn là nơi hứng chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn, trình độ kinh tế-xã hội chậm phát triển; song việc xây dựng lại đô thị ở nhiều tỉnh vẫn được xúc tiến khá nhanh chóng.Ngoài sự tái thiết các thị xã Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Hới và thành phố Vinh; ngày 29-6-1977, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 140/BT-TTg thành lập thị trấn Bỉm Sơn với tư cách là khu công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đến 18-12-1981, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định số 157/QĐ-HÐBT thành lập thị xã Bỉm Sơn. Cũng từ Quyết định này, trung tâm nghỉ mát chính ở Thanh Hóa là Sầm Sơn cũng trở thành thị xã.

Ở Quảng Trị, tháng 6-1975 Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh sáp nhập thị xã Đông Hà và thị xã Quảng Trị thành một đơn vị hành chính lấy tên là  thị xã Quảng Trị, tỉnh lỵ đóng tại Đông Hà. Đến tháng 9-1975, thị xã Đông Hà tách khỏi thị xã Quảng Trị thành thị xã trực thuộc tỉnh Quảng Trị, có 5 phường và 1 xã. Sau khi tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập, do yêu cầu mở rộng thị xã phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, ngày 11-9-1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 64/HĐBT về việc mở rộng địa giới thị xã Đông Hà, với việc cắt đất 10 xã của hai huyện Bến Hải và Triệu Phong sáp nhập vào thị xã. Thị xã Đông Hà sau khi mở rộng có diện tích tự nhiên là 428,25km2.

Ở Huế, sau năm 1975, đô thị Huế là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên. Từ khi tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh vào tháng 5-1976, đô thị Huế là thành phố tỉnh lỵ tỉnh Bình Trị Thiên. Trong các năm 1976, 1981, 1983, có 23 xã và 9 thôn thuộc các huyện Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà liên tiếp được sáp nhập vào thành phố Huế, nâng số đơn vị hành chính thuộc thành phố lên 18 phường và 22 xã.

Đô thị ở khu vực Nam Trung Bộ sau năm 1975 tuy cũng chịu ảnh hưởng hậu quả chiến tranh và sự nhập tỉnh, nhưng các thị xã Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phan Thiết vẫn từng bước được phục hồi, trong khi nhiều đô thị khác có sự thay đổi khá mạnh mẽ.

Vào tháng 2-1976, thực hiện Nghị quyết số 245/NQ-TW của Bộ Chính trị về việc bỏ đơn vị khu, sáp hợp tỉnh và Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 20-12-1975 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh, hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam; Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Nghị định giải thể các khu, hợp nhất các tỉnh ở miền Nam. Theo đó, hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà sáp nhập thành tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

Ngày 30-8-1977, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 228-CP về việc hợp nhất các quận I, II, III thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính, trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, lấy tên là thành phố Đà Nẵng.

Ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, khi hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình năm 1976, thị xã Quy Nhơn là tỉnh lỵ tỉnh Nghĩa Bình. Do được tập trung đầu tư, Quy Nhơn phát triển rất nhanh; nên đến ngày 3-7-1986, Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập thành phố Quy Nhơn trên cơ sở 8 phường, 7 xã, với diện tích 212 km² và dân số 174.076 người.

Ở Phú Yên, sau ngày giải phóng, quận Tuy Hòa được đổi thành thị xã Tuy Hòa có 8 phường, xã. Tháng 10-1977, huyện Tuy Hòa và thị xã Tuy Hòa nhập lại thành một huyện có 25 xã, phường. Đến tháng 7-1978, thị xã Tuy Hòa tách thành đơn vị độc lập. Ngày 24-9-1981, 6 xã phía bắc sông Đà Rằng thuộc huyện Tuy Hòa sáp nhập vào thị xã Tuy Hòa, nâng số xã, phường trong thị xã lên 15 đơn vị.

Tại Khánh Hòa, ngày 6-4-1975, Ủy ban Quân quản chia Nha Trang thành 3 đơn vị hành chính gồm quận 1, quận 2 và quận Vĩnh Xương. Tháng 9-1975, hai quận 1 và quận 2 lại hợp thành thị xã Nha Trang. Ngày 30-3-1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 391/CP-QĐ nâng thị xã Nha Trang lên cấp thành phố trực thuộc tỉnh, là tỉnh lỵ tỉnh Phú Khánh (do hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa nhập lại). Phần đất 7 xã của huyện Vĩnh Xương cũ được tách ra khỏi huyện Khánh Xương để sáp nhập vào thành phố Nha Trang.

Trước năm 1976, thị xã Phan Rang là tỉnh lỵ tỉnh Ninh Thuận. Từ 1976, tỉnh Ninh Thuận hợp nhất với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bình Tuy thành tỉnh Thuận Hải,  Phan Rang không còn là tỉnh lỵ. Ngày 27-4-1977, thị xã Phan Rang bị chia hai và hạ cấp xuống thành thị trấn Phan Rang (huyện lỵ huyện Ninh Hải) và thị trấn Tháp Chàm (huyện lỵ huyện An Sơn). Thị trấn Phan Rang có 6 phường, còn thị trấn Tháp Chàm có 3 phường. Ngày 1-9-1981, theo Quyết định số 45/QĐHĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, thị xã Phan Rang-Tháp Chàm được thành lập trên nền tảng sáp nhập hai thị trấn được chia ra vào năm 1977. Thị xã Phan Rang-Tháp Chàm gồm 12 đơn vị phường, xã.

Tại khu vực Tây Nguyên, ngoại trừ Đà Lạt, các thị xã Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột chưa có nhiều chuyển biến. Tháng 2-1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Nghị định hợp nhất tỉnh Tuyên Đức, tỉnh Lâm Đồng và thị xã Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng, tỉnh lỵ là thị xã Đà Lạt. Ngày 18-9-1976, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 164-CP thành lập thành phố Đà Lạt trực thuộc tỉnh Lâm Đồng. Đà Lạt là đơn vị tiêu biểu nhất cho sự hồi sinh diện mạo đô thị ở Tây Nguyên sau chiến tranh.

Điểm qua 3 khu vực địa lý trên địa bàn toàn miền Trung, có thể thấy rõ công cuộc đô thị hóa ở giai đoạn này chỉ mới nhắm đến việc khắc phục những đổ nát, hoang tàn do chiến tranh gây ra; chứ chưa thể tạo nên sức bật thật sự cho nhịp sống đô thị. Rất nhiều người dân thị thành lui về quê cũ làm nông nghiệp, hay đi các vùng kinh tế mới để kiếm sống từ canh tác đất đai. Đô thị miền Trung đang thể hiện sự thiếu sức sống.

Việc sáp nhập nhiều tỉnh thành những đơn vị tỉnh lớn hơn trong giai đoạn này cho phép một số đô thị được mở rộng, nhất là đô thị tỉnh lỵ; nhưng sự mở rộng chỉ mới nghiêng về xác lập không gian hành chính một cách khiên cưỡng mà chưa có sự tương xứng với sự phù hợp không gian đô thị, nên thiếu tính bền vững, chưa tạo ra động lực phát triển trên địa bàn. Đó cũng là hệ quả tất nhiên từ nền kinh tế vận hành theo cơ chế quan liêu, bao cấp, không phù hợp với quy luật phát triển đô thị và đô thị hóa. Đô thị miền Trung chỉ thực sự bùng nổ khi đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam được xác lập kể từ năm 1986.
                        
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.