.

120 năm đô thị hóa ở miền Trung - Phần 1: Bước khởi đầu quá trình đô thị hóa (1889-1899)

.

L.T.S: Hiện nay, công cuộc đô thị hóa ngày càng được đẩy mạnh theo quy mô, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội và đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Đô thị hóa thể hiện bước tiến quan trọng trong đời sống của nhân loại, là dấu hiệu nhận diện trình độ văn minh của một quốc gia hay khu vực, địa phương.

Một góc đô thị Đà Nẵng cuối thế kỷ XIX.    (Ảnh tư liệu)

Ở miền Trung, quá trình đô thị hóa đã trải qua 120 năm kể từ khi thành phố Đà Nẵng được thiết lập năm 1889. Diện mạo đô thị miền Trung từ đó đến nay có nhiều khởi sắc, không ngừng đi lên, hình thành những trung tâm đô thị tầm cỡ quốc gia và có tầm vóc quốc tế.

Để giúp bạn đọc có một góc nhìn toàn cục theo trình tự thời gian về tiến trình đô thị hóa của miền Trung, nhân dịp kỷ niệm 34 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2009), Báo Đà Nẵng giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến (Đại học Khoa học Huế).

Phần 1: Bước khởi đầu quá trình đô thị hóa (1889-1899)

Là thương cảng được nước ngoài đánh giá cao từ sớm, vì thế cửa biển Đà Nẵng (Tourane) từng là một trong những điều kiện đánh đổi được đề cập ở điều 8 và điều 9 của Hiệp ước Versailles (28-11-1787) ký giữa đại diện triều đình Louis XVI của nước Pháp và đại diện của chúa Nguyễn Ánh; là nơi được chọn làm điểm khởi đầu cuộc viễn chinh xâm lược Việt Nam của liên quân Pháp-Tây Ban Nha năm 1858.

Khi Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, khoản 5 của Hiệp ước Nhâm Tuất (5-6-1862) giữa Pháp-Tây Ban Nha với triều đình Huế quy định thương nhân Pháp và Tây Ban Nha được tự do ra vào buôn bán ở cửa Đà Nẵng. Đến 6-6-1884, khoản 4 của Hiệp ước Patenôtre quy định khai thương cửa Đà Nẵng cho tàu thuyền nước ngoài tự do lui tới.

Sau ngày Kinh đô Huế thất thủ (5-7-1885), chính quyền cai trị của Pháp được thiết lập khắp các tỉnh Trung và Bắc Kỳ. Dưới áp lực của Pháp, vào 1-10-1888 vua Đồng Khánh xuống Dụ nhượng đất Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho Chính phủ Pháp toàn quyền sở hữu; và ngày 3-10-1888 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuẩn y. Từ đó, Đà Nẵng chính thức thành nhượng địa. 

Bước khởi đầu của quá trình đô thị hóa ở miền Trung được dấy lên từ Đà Nẵng, đánh dấu bằng việc Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thành phố Đà Nẵng (municipalité de Tourane) vào ngày 24-5-1889.

Các nghị định nối tiếp của Toàn quyền Đông Dương vào 25-3-1892 và 31-3-1892 bổ sung quy chế ban đầu của thành phố Đà Nẵng, đứng đầu Hội đồng thành phố là một Ủy viên thành phố (Commissaire municipal). Ngân sách của thành phố Đà Nẵng do Ủy viên thành phố lập ra và Toàn quyền Đông Dương chuẩn y. Công sứ Pháp ở Đà Nẵng, người cầm đầu guồng máy chính quyền của Pháp ở hai tỉnh Nam - Ngãi, kiêm chức Ủy viên thành phố.

Thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm đô thị giữ vai trò chủ thể kinh tế - chính trị của Quảng Nam và Quảng Ngãi. Công sứ Pháp cai quản hai tỉnh Nam - Ngãi đóng công sở tại Đà Nẵng, bất chấp chính quyền Nam triều đặt lỵ sở ở Hội An (lúc đó gọi là Faifo).

Mặc dù kinh tế công-thương nghiệp miền Trung chậm phát triển hơn các trung tâm lớn ở miền Bắc và miền Nam; nhưng sự định hình thành phố Đà Nẵng là một cú hích quan trọng, cho phép mở ra quá trình đô thị hóa ở đây khi thực dân Pháp bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa kể từ năm 1897.

Những năm cuối thế kỷ XIX, sau hàng loạt các công trình đê điều, thủy nông được xúc tiến gây tác động tích cực đến nông nghiệp và đời sống nông thôn, nhu cầu thiết lập và quản lý các trung tâm đô thị ở miền Trung dần trở nên bức thiết. Thêm vào đó, việc triển khai công cuộc thống trị, bóc lột kinh tế của người Pháp cũng đòi hỏi sự đa dạng trong hoạt động khai thác và các dịch vụ cần thiết.

Trước đòi hỏi khách quan, ngày 6 tháng 9 năm Thành Thái thứ 10 (20-10-1898), Cơ Mật Viện triều đình Huế lập tờ trình gửi Hoàng đế Nam triều dưới sự phê duyệt của Khâm sứ Trung Kỳ Boulloché, đề nghị thiết lập các trung tâm đô thị ở miền Trung (không tính Đà Nẵng).

Tờ trình nhấn mạnh: “Cần thiết phải đối xử công bằng với những cư dân sống trong các khu tập trung đông đúc… Những nơi nào Khâm sứ Trung Kỳ và Cơ Mật Viện xét thấy cần thiết, sẽ thiết lập ở đó một đô thị. Lợi ích của đô thị ấy thu nhập được là từ tất cả thuế má của địa phương mà trước đó vốn chỉ là quyền lợi của một hoặc hai làng xã, và đặt dưới sự kiểm soát của công sứ và quan lại của tỉnh ấy”.

Gần một năm sau, ngày 5 tháng 6 năm Thành Thái thứ 11 (12-7-1899), vua Thành Thái xuống Dụ công bố thành lập 6 thị xã (centre urbain) ở miền Trung, gồm Thanh Hóa, Vinh, Huế, Faifo (Hội An), Quy Nhơn và Phan Thiết. Theo tờ  Dụ, mỗi thị xã có một nguồn ngân sách riêng, giới hạn của từng thị xã sẽ được xác định bởi quyết định của Khâm sứ Trung Kỳ.

Tờ Dụ quy định nguồn thu của ngân sách các thị xã gồm tất cả các khoản thu của địa phương trước đó bị bỏ qua như thuế dịch vụ nạo vét bùn lầy và hầm vệ sinh, thuế lò mổ thịt súc vật, thuế lãnh trưng xe kéo tay và các loại xe cho thuê khác, thuế đồ hàng mã, thuế chợ và tất cả nguồn thu bất kỳ nào khác ở địa phương... Cần thiết thì trích thêm các khoản thuế bổ sung về nhà cửa, thuế môn bài, thuế các ngành thương mãi chính.

Nguồn chi của ngân sách thị xã bao gồm các khoản như thắp sáng đèn đường, an ninh trật tự, lục lộ giao thông, vệ sinh đô thị, giáo dục cộng đồng, cứu tế xã hội, bảo quản các bãi đổ rác và tất cả những công việc hữu ích cho xã hội. Việc xây dựng và bảo quản các công sở cùng đền miếu cũng do ngân sách các thị xã gánh vác.

Căn cứ vào những đề nghị của Nam triều, ngày 13-7-1899, Khâm sứ Trung Kỳ Boulloché phê duyệt tờ Dụ của vua Thành Thái; đến 30-8-1899, Toàn quyền Đông Dương lúc ấy là Paul Doumer ra nghị định chuẩn y thành lập 6 thị xã.

Sự xuất hiện 6 thị xã Thanh Hóa, Vinh, Huế, Hội An, Quy Nhơn, Phan Thiết sau 10 năm thành lập thành phố Đà Nẵng không chỉ đáp ứng mục đích nâng cao lợi ích kinh tế và xác lập vị thế đầu mối chính trị, văn hóa, giáo dục, đời sống của thực dân Pháp tại nhiều địa bàn ở Trung Kỳ; mà còn phản ánh khách quan trình độ phát triển đi lên về kinh tế-xã hội và quá trình tập trung dân cư ở những nơi này. Như vậy, từ sự thiết lập thành phố Đà Nẵng năm 1889, đến cuối thế kỷ XIX, 6 thị xã khác đã cùng lúc ra đời, đánh dấu bước khởi đầu căn bản của quá trình đô thị hóa ở miền Trung thời cận đại. (còn nữa)

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.