.

40 năm trước ở Hòn Tàu,lắng nghe thơ Người

Cách đây đúng 40 năm, ở căn cứ Hòn Tàu (Duy Xuyên), chúng tôi đón Tết Kỷ Dậu - Xuân 1969 và lắng nghe thơ Người:

Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ, đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn

Không có cảnh nô nức chuẩn bị, ào ào lướt tới như sóng như gió của năm ngoái với khẩu hiệu Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân; Xuân Mậu Thân kết thúc tức tưởi, những mục tiêu không đạt được còn để lại dư vị cay đắng. Về đại cục, Mỹ đã chấp nhận thất bại, phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán, nhưng chúng vẫn phản kích dữ dội, cuộc chiến đấu cơ cực hơn, khốc liệt hơn.

Năm nay, trong những ngày Tết, chúng tôi không trụ được ở Gò Nổi mà phải về núi (dù chỉ là để có ít ngày Tết yên ắng, tránh những tình huống xấu nhất có thể đến, chứ sau Tết sẽ về lại quần bám với địch, trụ vững ở Gò Nổi). Đứng ở Hòn Tàu, ngay Nam sông Thu Bồn có thể nhìn rõ Gò Nổi, sông trước sông sau ôm lấy một vùng đất mỡ màu, trù phú nay đã là vùng tự do oanh kích, và xa xa hơn, Đà Nẵng, “cái quầng sáng bồn chồn thương nhớ ấy cứ đêm đêm nức nở gọi ta về”.

Còn đâu cảnh nhà nào cũng giành có quân giải phóng, cán bộ Mặt trận ăn Tết với gia đình mình, chỗ nào cũng thấy bà con hí húi gói bánh tét, rang nếp, rang đậu, thắng đường làm bánh in, bánh nổ, thơm nức cả làng, vườn nào cũng có những cây mai hoa nở vàng rực.

Chúng tôi đã chuẩn bị khá tốt về vật chất, có thịt heo, có nếp, mứt, bánh và cả thuốc lá, cà phê, trà. Nhưng không có dân thì làm sao đầm ấm, vui vẻ được.Nỗi lo lắng, căng thẳng của chúng tôi là sau ít ngày ở núi ăn Tết và xả hơi sẽ về lại Gò Nổi, trụ giữa đồng bằng thế nào đây? Không chỉ tồn tại được mà phải là làm việc và chiến đấu được. Công việc có ý nghĩa nhất với chúng tôi lúc đó là nghe đài. Chúng tôi chờ đợi từng phút để lắng nghe thơ Bác.

Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
                                             
Hai câu lục bát này, chúng tôi đã biết, có thể nói là đã thuộc từ ngày 1-1-1969 nhưng được nghe chính giọng Bác phút giao thừa mới là điều thiêng liêng. Và thật không ngờ, Tết Kỷ Dậu, thơ chúc Tết của Bác đã được anh Huy Thục phổ nhạc và tốp ca nữ Đoàn Ca múa nhạc Trung ương trình bày thật hay, thật ấn tượng ngay sau khi Bác chúc Tết và đọc thơ mừng xuân.

Giai điệu bài hát ấy đến với chúng tôi đêm giao thừa Kỷ Dậu là cực kỳ rộn ràng, vui tươi và lời thơ Bác, tiếng hát ấy còn vang lên nhiều lần trong những ngày đầu xuân như không thể tươi vui, rộn ràng hơn.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chính là chân lý đó, vẫn là triết lý đó đã gần gũi, đã lắng đọng trong chúng tôi, trong cuộc sống, chiến đấu ở mảnh đất này mà sao giờ đây lại gợi lên trong chúng tôi những suy nghĩ, cảm nhận về lòng người, về cuộc chiến sâu sắc đến thế.

Độc lập tự do, mục tiêu cao cả, thiêng liêng sẽ đến trong ngày toàn thắng được gói gọn trong yêu cầu Mỹ cút, ngụy nhào có vẻ không triệt để, không có một trận sạch không kinh ngạc hoành tráng. Nhưng tất cả người Việt Nam ở hai miền đất nước. Những người đã trải qua những năm tháng đen tối, cùng cực khi Diệm lê máy chém đi khắp thôn cùng xóm vắng, tận diệt cộng sản. Những người ra khỏi trận B52 rải thảm với cảm giác bàng hoàng và câu hỏi “trên đời này còn có tai họa nào (động đất, sóng thần) khủng khiếp hơn?”. Những bà mẹ thương con hơn cả chính bản thân mình đã hiến dâng những núm ruột yêu quý cho độc lập, tự do của Tổ quốc...

Nếu còn có trên cõi đời này mùa xuân 1975, tất cả đều chung một cảm nghĩ. Hình ảnh cuộc tháo chạy với những chiếc trực thăng vội vã cất cánh trên nóc tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, cùng với chiếc tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, rồi sau đó tướng Dương Văn Minh được mời ngồi lên xe của quân giải phóng đi từ dinh đến Đài Phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng và bỗng nhiên cả một rừng cờ Tổ quốc, cờ nửa đỏ nửa xanh có ngôi sao vàng như có phép mầu bay phấp phới xuất hiện khắp nơi là những hình ảnh đẹp nhất, huy hoàng nhất của toàn thắng.

Hồ Chủ tịch có thái độ hết sức kiên quyết: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”, nhưng trong Người có đức hiếu sinh cao đẹp, chan chứa lòng thiết tha yêu hòa bình, không phải là tiêu diệt, tận diệt mà là Mỹ cút, ngụy nhào.

Điều này chúng ta càng thấm thía hơn sau khi Người vĩnh biệt chúng ta. Nhà thơ Việt Phương kể rằng, Người không thích gọi trận đánh chết nhiều người là trận đánh đẹp và ông đã xóa chữ đẹp đi (trong bản tin ông làm trình bày với Người) như xóa sự cạn hẹp của lòng con.

Đêm giao thừa Kỷ Dậu ấy ở lưng chừng núi Hòn Tàu, chúng tôi nuốt từng lời thơ chúc Tết của Người và như lâng lâng trong giai điệu cực kỳ rộn ràng, vui tươi của nhạc sĩ Huy Thục. Những trăn trở căng thẳng thường đến với chúng tôi trong những tháng ngày vật lộn với địch và day dứt hơn vào những giờ phút tĩnh lặng chờ đón năm mới như được xua tan, nhạt nhòa.

Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Không phải chúng tôi đều thấy rõ đường đi nước bước của một kịch bản tiến đến ngày toàn thắng, nhưng chúng tôi tin là từ trong những lời thơ ấy có sự mách bảo, có lời tiên tri về những ngày sắp tới, những ngày vô cùng cam go, nhưng cũng chính là những ngày chúng tôi đang tới gần cái đích Mỹ cút, ngụy nhào.

Chúng tôi nào có ngờ đây là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.