.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thốngBộ đội Biên phòng (3-3-1959 – 3-3-2009), 20 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 – 3-3-2009)

Giữ trọn lời nguyền

Ngay sau khi tiêu diệt được tên Lư, đồn trưởng đồn Giềnh, một tên ác ôn khét tiếng và đánh bại bọn thám sát tuần giang, đội Trinh sát vũ trang Quảng Đà (C110) tiếp tục mở nhiều trận đánh mới. Tháng 8-1965, đánh vào tiểu đội cố vấn Mỹ, diệt 5 tên tại xã Hòa Phước. Tháng 10-1965, đánh vào xe Jeep, diệt một cố vấn Mỹ tại xã Điện Thắng.

Tháng 11-1965, đánh vào đồn Phước Trạch, diệt 12 tên ngụy. Tháng 5-1966, đánh càn ở xã Cẩm Thanh, diệt 3 tên ngụy. Tháng 11-1966, đánh đồn Cồn Chè, diệt 14 tên dân ý vụ. Tháng 1-1967, phối hợp với du kích Duy Xuyên, đánh vào trụ sở Quốc dân đảng diệt 40 tên... Càng đánh đội càng hiểu địch, càng tự tin ở sức mình, càng nâng cao hiệu quả chiến đấu. Địch liên tục bị đánh bồi, đánh nhồi, bị đòn đau nên không dám liều. Tính từ ngày thành lập đến cuối năm 1968, đội đã độc lập và hợp đồng tại chỗ, đánh hơn 80 trận, diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch.

Bước vào năm 1969, sau khi bị thất bại nặng nề trong Tết Mậu Thân, Mỹ-ngụy điên cuồng mở chiến dịch “bình định cấp tốc – bình địch đặc biệt”, đánh phá dữ dội phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Nam. Hội An trở thành một trong những hang ổ của bọn tình báo, dân ý vụ, bình định nông thôn... Để ngăn chặn bàn tay tội ác của địch, đội Trinh sát vũ trang của Phan Ngọc Nhân được lệnh trừng trị bọn cầm đầu cơ quan dân ý vụ và tình báo Phượng Hoàng trong trung tâm thị xã. Nửa đêm 22-2-1969, toàn đội áp sát mục tiêu. 0 giờ 4 phút, Nhân hạ lệnh nổ súng.
 
Bọn địch trên tầng gác cơ quan dân ý vụ bắn trả quyết liệt. Cùng lúc ở góc sân, một khẩu trung liên bắn tới tấp vào đội hình của đội. Nhân bình tĩnh chỉ huy đơn vị dùng B40 và thủ pháo dập tắt các ổ đề kháng của địch, rồi nhanh chóng tiến đánh cơ quan chi nhánh CIA và Ủy ban tình báo Phượng Hoàng tỉnh. Lúc này, đại bộ phận địch đã rút xuống hầm ngầm. Nhờ có sự hỗ trợ tích cực của lực lượng tại chỗ nên đến gần sáng thì một bộ phận địch ở đây bị tiêu diệt hoặc bị thương. Trong khi đội lùng tìm vũ khí, thì địch điều xe tăng và bộ binh chốt chặn các ngả đường ra vào thị xã. Phan Ngọc Nhân đã chỉ huy toàn đội tận dụng công sự và vũ khí thu được của địch đánh trả quyết liệt. Suốt buổi sáng ngày 23-2, địch liên tiếp mở 10 đợt công kích, hy vọng sẽ bắt sống tất cả, nhưng vô hiệu.

Đến 14 giờ, phần lớn anh chị em bị thương vong. Tranh thủ khoảnh khắc im tiếng súng giữa các đợt tấn công của địch, Nhân hướng dẫn cơ sở chuyển đồng đội thoát khỏi vòng vây. Lợi dụng góc tường, vũ khí cướp được, Nhân bắn xối xả vào đội hình của địch, bọn ngụy chết và  bị thương rất nhiều. Xế chiều, địch cay cú, điều tiếp 1 đại đội ngụy, 1 trung đội Nam Triều Tiên và một chi đội xe bọc thép M113 đến tăng cường. Pháo địch bắn tới tấp vào căn nhà Nhân đang cố thủ. Một mảng trần bê-tông rơi xuống đè gãy chân.

Anh dừng bắn. Nghe im tiếng súng, bọn ngụy tưởng anh đã chết, thúc nhau tràn vào. Không còn khả năng di chuyển, anh nén đau, dùng cả hai tay vừa bắn súng, vừa ném lựa đạn tới tấp vào đội hình của địch, cho đến khi hy sinh. Phan Ngọc Nhân, người con trai của quê hương Điện Nam trung dũng, kiên cường, đã anh dũng ngã xuống giữa tuổi thanh xuân. Nối chí anh, đơn vị tiếp tục chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho đến ngày Quảng Nam-Đà Nẵng sạch bóng quân thù.

Trong vòng 10 năm, kể từ ngày thành lập, đội Trinh sát vũ trang C110 đã được bổ sung 46 người, hy sinh 36 người, gấp hơn 7 lần quân số lúc ban đầu. Họ đã giữ trọn lời nguyền sắt son “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Phan Ngọc Nhân được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1976.

TRẦN BÁ VĨNH (Theo Lịch sử Bộ đội Biên phòng)

;
.
.
.
.
.