.

120 năm đô thị hóa ở miền Trung - Phần 4: Hoàn chỉnh tổ chức hành chính đô thị (1930-1945)

.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933) không chỉ gây tác động trầm trọng đến tình hình kinh tế, đời sống của nhân dân miền Trung, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình đô thị hóa vốn đang diễn ra nhanh chóng ở đây. Nhưng trong giai đoạn này, công cuộc đô thị hóa tại miền Trung không hề bị gián đoạn; ngược lại, vẫn lần lượt xuất hiện thêm các đô thị mới và việc quản lý hành chính ở các đô thị được chấn chỉnh, nâng cấp, dần dần đạt đến sự hoàn chỉnh.

        >> Phần 3: Nâng cấp đô thị (1919-1929)
        >>
Phần 2: Đô thị hóa mở rộng (1900-1918)
        >> Phần 1: Bước khởi đầu quá trình đô thị hóa (1889-1899)


1- Thiết lập các đô thị mới

Ga chợ Hàn ở thành phố Đà Nẵng đầu thế kỷ XX. (Ảnh tư liệu)

Tại khu vực Tây Nguyên, tiếp nối sự định hình thành phố Đà Lạt và các thị xã Kon Tum, Plei Ku do có thế mạnh kinh tế đồn điền trồng cây công nghiệp và nghỉ mát, du lịch; đến giai đoạn này thị xã Ban Mê Thuột (còn gọi là Buôn Ma Thuột) cũng ra đời.

Nguyên trước đây Ban Mê Thuột là vùng đất phía tây tỉnh Phú Yên. Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 22-11-1904 tách phía tây các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa lập thành một tỉnh mới, gọi là Đắk Lắk (Darlac), tỉnh lỵ đóng ở Ban Mê Thuột. Đến 9-2-1913, tỉnh Đắk Lắk sáp nhập vào tỉnh Kon Tum. Đến 2-7-1923, Nghị định Toàn quyền Đông Dương lập lại tỉnh Đắk Lắk, tỉnh lỵ vẫn là Ban Mê Thuột. Ngày 5-6-1930, Khâm sứ Trung Kỳ ra Nghị định thành lập thị xã Ban Mê Thuột (le centre urbain de Ban-Mé-Thuot).


Ở Quảng Ngãi, trong những năm đầu thời Pháp thuộc, Quảng Ngãi sáp nhập với Quảng Nam lập thành tỉnh Nam - Ngãi, tỉnh lỵ là Hội An. Đến năm 1895, Quảng Ngãi tách ra thành tỉnh độc lập, tỉnh lỵ đóng ở Quảng Ngãi. Dưới tác động của quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong khu vực Nam Trung Kỳ, đến 25-6-1934, vua Bảo Đại xuống Dụ và Khâm sứ Trung Kỳ chuẩn y ngày 3-7-1934 thành lập thị xã Quảng Ngãi (le centre urbain de Quang-ngai).

Còn tại Quảng Bình, nguyên Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 3-5-1890 sáp nhập Quảng Trị với Quảng Bình thành tỉnh Bình-Trị, tỉnh lỵ đóng ở Đồng Hới. Đến 23-1-1896, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách Quảng Bình thành tỉnh độc lập, tỉnh lỵ vẫn đóng ở đó. Đến 1939, Pháp và Nam triều cắt 7 làng thuộc hai tổng Võ Xá, Thuận Lý của phủ Quảng Ninh lập thành thị xã Đồng Hới (le centre urbain de Dong-hoi).Thị xã Đồng Hới ra đời đã lấp kín khoảng trống đô thị cuối cùng trên địa bàn các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, đánh dấu quá trình đô thị hóa đã lan rộng trên phạm vi toàn miền.

2- Nâng cấp và hoàn chỉnh tổ chức hành chính đô thị

Bản đồ thị tứ Đồng Hới năm 1931. (Ảnh tư liệu)

Cũng do sự phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế-xã hội ở địa bàn miền Trung vẫn đang trên đà đi lên, đòi hỏi phải chấn chỉnh về mặt quản lý hành chính; nên bất chấp cơn khủng hoảng kinh tế thế giới chi phối, việc nâng cấp đô thị vẫn cứ tiếp tục diễn ra trên diện rộng.

Sau các thị xã Đà Lạt, Vinh-Bến Thủy, Thanh Hóa, Huế đã lần lượt được nâng lên cấp thành phố; giai đoạn 1930-1945 cũng có thêm hai thị xã khác ở khu vực Nam Trung Kỳ trở thành thành phố. Ngày 30-4-1930, Toàn quyền Đông Dương là Pasquier ra Nghị định nâng cấp thị xã Quy Nhơn (centre urbain de Qui-nhon) lên thành phố Quy Nhơn (commune de Qui-nhon) kể từ ngày 1-7-1930. Thành phố Quy Nhơn được mở rộng thêm địa giới, chia thành 5 khu phố (quartier).

Đứng đầu thành phố Quy Nhơn là viên Đốc lý do Công sứ Bình Định kiêm nhiệm, có Hội đồng thành phố (với 2 ủy viên người Pháp và 2 ủy viên người Việt, do Đốc lý làm Chủ tịch Hội đồng), có ngân sách riêng (budget communal) của thành phố kể từ 1-1-1931, có tài sản riêng (domaine privé communal) và những quy định thêm về tư pháp cho thành phố. Thành phố Quy Nhơn là nơi Pháp đặt Tòa Công sứ và cũng là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Định.

Phan Thiết là một trong 6 thị xã ở miền Trung cùng ra đời năm 1899. Ngày 28-11-1933, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định nâng thị xã Phan Thiết lên thành phố Phan Thiết (commune de Phan-thiet), có ngân sách riêng. Đứng đầu thành phố là một Đốc lý, do Công sứ Bình Thuận kiêm giữ. Dưới Đốc lý là Hội đồng thành phố giúp việc.

Tại các thành phố như Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt và thị xã Plei Ku, chính quyền thực dân cũng có những chấn chỉnh về tổ chức đô thị và bộ máy quản lý hành chính để đáp ứng yêu cầu khách quan.Ở Đà Nẵng, trước sự phát triển năng động của thành phố, ngày 20-1-1931 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định quy định quyền hạn và chức năng của Đốc lý thành phố Đà Nẵng một cách đầy đủ, toàn diện hơn trước. Giúp việc cho Đốc lý là Ủy ban thành phố phụ trách toàn bộ khâu hành chính, pháp luật, các chế định và thanh tra, quyết toán ngân sách thành phố.

Ủy ban thành phố gồm các ủy viên đại diện cho người Pháp, người Việt và người Hoa; làm việc theo nhiệm kỳ của Đốc lý. Quyền hạn và chức năng của Ủy ban thành phố Đà Nẵng được quy định cụ thể, tương đương với quyền hạn và chức năng của Hội đồng thành phố Hải Phòng, Hà Nội.

Còn tại Huế, ngày 21-11-1934, Bộ Lại của Nam triều làm bản tấu đề nghị phân định ranh giới, sắp xếp lại các phường hiệu trong thành phố và ngày 23-11-1934, vua Bảo Đại xuống Chỉ số 41 chỉnh đốn thành phố Huế theo một trật tự mới. Từ đây, địa giới hành chính thành phố Huế được công nhận trở thành “Biệt hạt” (khu vực hành chính riêng biệt), không còn chịu sự quản lý của các huyện Hương Trà, Hương Thủy và không thống thuộc phủ Thừa Thiên nữa.

Đến năm 1935, đường phân thiết giữa các phường, làng hoặc một phần làng trong thành phố bị bãi bỏ. Toàn thành phố được tổ chức thành 11 phường, nằm ở 3 khu vực địa lý liền kề nhau là khu vực bao quanh Kinh thành, khu vực cồn Gia Hội và khu vực bờ nam sông Hương. Đốc lý thành phố và Hội đồng thành phố chịu trách nhiệm quản lý hành chính thành phố Huế.

Tại các tỉnh Tây Nguyên, liên tiếp các ngày 24-5-1932 và 4-3-1933 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách thị xã Plei Ku ra khỏi tỉnh Kon Tum, lập thành tỉnh dân tộc thiểu số mới, lấy tên là tỉnh Plei Ku (Pleiku). Thị xã Plei Ku trở thành trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Plei Ku.

Tương tự như thế, các Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 29-12-1933, 10-10-1936, 14-11-1940 và 4-12-1940 đã quy định lại về tổ chức thành phố Đà Lạt và đặt một Hội đồng thành phố giúp việc cho Đốc lý. Các Nghị định cũng quy định lại về địa giới của thành phố Đà Lạt và chuyển tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai Thượng từ Di Linh sang thành phố Đà Lạt.

Đến ngày 8-1-1941 và 14-7-1942, Toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định lập lại tỉnh Lâm Viên, bao gồm thành phố Đà Lạt và các vùng phụ cận. Tỉnh lỵ tỉnh Lâm Viên đóng lại thành phố Đà Lạt, còn tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai Thượng từ Đà Lạt chuyển về Di  Linh. Đốc lý thành phố Đà Lạt kiêm giữ chức Công sứ tỉnh Lâm Viên.

Đến đây, công cuộc đô thị hóa ở Trung Kỳ đã dẫn đến 22 trung tâm đô thị được thiết lập, nâng cấp, sáp nhập, xóa bỏ. Quá trình thiết lập, quy hoạch, nâng cấp đô thị diễn ra liên tục và được quy định bởi khá nhiều văn bản của cả hai hệ thống chính quyền Pháp - Nam triều.

Sau nhiều thay đổi, tính đến năm 1945, toàn miền Trung có 7 thành phố, trong đó thành phố Đà Nẵng xếp loại thành phố cấp II (Municipalité de 2e classe); còn 6 thành phố khác được nâng cấp từ thị xã lên là Thanh Hóa, Vinh-Bến Thủy, Huế, Quy Nhơn, Phan Thiết, Đà Lạt đều thuộc loại thành phố cấp III (Commune).

Trong số 11 thị xã còn lại ở Trung Kỳ, mặc dù cách gọi giống nhau, nhưng quy chế giữa các thị xã có khác nhau. Các thị xã như Hội An, Quảng Trị được đặt dưới chế độ của các văn bản triều đình Huế ngày 20-10-1898 và 12-7-1899, có thu nhập riêng và ngân sách riêng. Các thị xã Sầm Sơn, Phủ Quỳ, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Quảng Ngãi, Nha Trang, Kon Tum, Plei Ku, Ban Mê Thuột thì nguồn thu phải nộp vào ngân sách hàng tỉnh  hoặc xứ Trung Kỳ. Ngoài ra còn có thị trấn Đông Hà ở tỉnh Quảng Trị.

Quá trình đô thị hóa thời cận đại ở miền Trung gắn liền với việc xác lập guồng máy hành chính thuộc địa và sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở đây. Khái niệm đô thị đã bắt đầu được khu biệt khá rạch ròi; các hướng quy hoạch đô thị đều liên quan đến yếu tố địa lý, hành chính, kinh tế của các tỉnh.

Đô thị miền Trung thường được thiết lập theo các hướng như trung tâm cảng và thương mại, trung tâm chính trị và hành chính, trung tâm kỹ nghệ và canh nông, trung tâm nghỉ mát và du lịch. Đó cũng chính là đặc điểm nổi bật của quá trình đô thị hóa ở miền Trung so với hai đầu đất nước.

Nguyễn Quang Trung Tiến

;
.
.
.
.
.