.

120 năm đô thị hóa miền Trung - Phần 3: Nâng cấp đô thị (1919-1929)

.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), nhu cầu nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh và khôi phục, phát triển kinh tế đã thúc đẩy nước Pháp phải có những đột phá trong thực hiện chính sách kinh tế ở thuộc địa để bù đắp. Chính vì thế, Pháp đã triển khai chương trình khai thác kinh tế lần thứ hai trên quy mô lớn ở Trung Kỳ, cũng như toàn Đông Dương kể từ năm 1919.

Cho đến lúc diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933, nền kinh tế Trung Kỳ đã có nhiều biến đổi quan trọng, tác động đa dạng đến diện mạo đô thị và thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở đây diễn ra mạnh mẽ hơn. 

        >> Phần 2: Đô thị hóa mở rộng (1900-1918)
        >> Phần 1: Bước khởi đầu quá trình đô thị hóa (1889-1899)

1- Đẩy mạnh đô thị hóa

Một đoạn đường Le Quai Courbet (nay là Bạch Đằng) ở thành phố Đà Nẵng đầu thế kỷ XX. (Ảnh tư liệu)

Một trong những biểu hiện đáng ghi nhận về sự phát triển kinh tế-xã hội ở Trung Kỳ giai đoạn 1919-1929 là công cuộc đô thị hóa được đẩy mạnh, với sự ra đời nhiều đô thị mới trên các địa bàn quan trọng của miền Trung.

Ở khu vực Nam Trung Kỳ, thêm một đô thị nằm cạnh biển xuất hiện, đó là Nha Trang (Nha Trang vốn là nơi đặt tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa. Trong những năm đầu thuộc Pháp, tỉnh Khánh Hòa hợp với tỉnh Bình Thuận thành tỉnh Thuận-Khánh, lỵ sở đóng ở Nha Trang. Từ ngày 1-1-1898, Khánh Hòa tách thành một tỉnh độc lập, lỵ sở vẫn đặt ở Nha Trang).

Ngày 11-6-1924, vua Khải Định xuống Dụ và được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y ngày 30-8-1924 thành lập thị xã Nha Trang (le centre urbain de Nha-trang).Ở khu vực Bắc Trung Kỳ, trong thời kỳ đầu thuộc Pháp, Hà Tĩnh hợp với Nghệ An thành tỉnh Nghệ-Tĩnh, lỵ sở đóng ở Vinh. Đến năm 1898, Hà Tĩnh tách ra thành tỉnh độc lập, lỵ sở đóng ở Hà Tĩnh.

Với sự biến đổi kinh tế-xã hội ngày càng mạnh mẽ, ngày 11-6-1924 vua Khải Định xuống Dụ và Toàn quyền Đông Dương chuẩn y vào 30-7-1924 thành lập thị xã Hà Tĩnh (le centre urbain de Ha-tinh), và hoạch định cụ thể về ranh giới của thị xã này.

Đặc biệt, Sầm Sơn là vùng đất nằm ven biển huyện Quảng Xương thuộc tỉnh Thanh Hóa cũng được cuốn vào cơn lốc đô thị hóa trong giai đoạn này, do có lợi thế về dịch vụ nghỉ dưỡng. Để phát triển Sầm Sơn thành nơi tắm biển và nghỉ mát, ngày 31-5-1929, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thị xã Sầm Sơn (le centre urbain de Sam-son). Thị xã Sầm Sơn được quyền thu một số thuế nộp vào ngân sách của xứ Trung Kỳ. 

Trong khi đó, Đông Hà là một địa phương nằm ở phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị lại có lợi thế giao thông và thương mại, do nằm ở ngã ba đường thuộc địa số 1 (sau là quốc lộ 1) và đường thuộc địa số 9 (sau là quốc lộ 9) thông qua Lào. Ngày 5-9-1929, Khâm sứ Trung Kỳ ra Nghị định thành lập thị trấn Đông Hà (centre de Dong-ha).

Tiếp đến, Phủ Quỳ thuộc tỉnh Nghệ An, nơi người Pháp đặt Trạm thực nghiệm canh nông để nghiên cứu ứng dụng các giống cây trồng phục vụ nông nghiệp, cũng có sự thay đổi. Ngày 7-12-1929, Khâm sứ Trung Kỳ ra Nghị định và được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y thành lập thị xã Phủ Quỳ (le centre urbain de Phu-quy).

Ở khu vực Tây Nguyên, giai đoạn 1919-1929 có nhiều chuyển biến kinh tế-xã hội khá tích cực, là nền tảng dẫn đến hiện tượng đô thị hóa mở rộng ở Kon Tum và Plei Ku.

Trước 4-7-1905, vùng đất Kon Tum thuộc tỉnh Bình Định; sau đó thuộc tỉnh Plei-Ku Đe (Plei-kou Derr) vừa thành lập. Đến 1907, tỉnh Plei-Ku Đe bị xóa bỏ, Kon Tum lại thuộc về Bình Định. Ngày 9-2-1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách đất thành lập tỉnh Kon Tum, tỉnh lỵ đóng tại Kon Tum. Với sự phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ của Kon Tum kể từ khi trở thành tỉnh lỵ, ngày 3-12-1929 Khâm sứ Trung Kỳ ra Nghị định thành lập thị xã Kon Tum (le centre urbain de Kon-tum).

Tương tự như Kon Tum, trước năm 1905, Plei Ku đang còn là vùng đất thuộc tỉnh Bình Định. Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 4-7-1905 cho phép vùng miền núi phía tây Bình Định tách ra lập thành một tỉnh tự trị mang tên Plei-Ku Đe, tỉnh lỵ đóng ở Plei-Kan Đe (Plei-kan Derr).

Từ sau các Nghị định 25-4-1907 và 12-6-1907 của Toàn quyền Đông Dương, tỉnh Plei-Ku Đe bị xóa bỏ, phần đất Plei Ku được chia về tỉnh Phú Yên. Đến 9-2-1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Kon Tum, bao gồm cả phần đất Plei Ku, nên Plei Ku lại nằm trong tỉnh Kon Tum. Ngày 3-12-1929, Khâm sứ Trung Kỳ ra Nghị định thành lập thị xã Plei Ku (le centre urbain de Plei-kou). Như vậy, ở thời điểm năm 1929 tỉnh Kon Tum có 2 thị xã là Kon Tum và Plei Ku.

2- Nâng cấp đô thị

Một góc thị xã Huế năm 1928. (Ảnh tư liệu)

Trọng tâm của công cuộc đô thị hóa ở Trung Kỳ trong giai đoạn 1919-1929 của người Pháp là nâng cấp đô thị, nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác kinh tế ngày càng cao và để phù hợp với sự phát triển khách quan ở đây. Vì vậy, các thị xã trọng điểm ra đời từ cuối thế kỷ XIX đã có bước chuyển mình quan trọng để vươn lên, trở thành các thành phố mới ở Trung Kỳ.

Trước hết, nhằm nhanh chóng hoàn chỉnh khu nghỉ mát được xây dựng tại Đà Lạt, ngày 11-10-1920 vua Khải Định xuống Dụ và Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuẩn y vào 31-10-1920, cùng các Nghị định Toàn quyền 31-10-1920, 17-3-1923 đã tách thị xã Đà Lạt và các vùng phụ cận ra khỏi tỉnh Lâm Viên, lập nên thành phố tự trị, lấy tên là thành phố Đà Lạt (commune de Da-lat).

Phần đất còn lại của cao nguyên Lâm Viên đứng thành tỉnh riêng, gọi là tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ tạm thời đóng tại Đà Lạt để chờ chuyển sang Di Linh.

Thành phố Đà Lạt chia làm 2 khu vực là nội thành (thị xã Đà Lạt cũ) và ngoại thành (bao gồm tất cả đất đai ngoài thị xã thuộc vùng tự trị). Đà Lạt có một Nha giám đốc các công sở của nơi nghỉ mát Lâm Viên và các cơ quan du lịch Nam Trung Kỳ. Đứng đầu Nha là Ủy viên đại diện Toàn quyền tại Đà Lạt, chịu trách nhiệm quản lý tất cả các công sở trên địa hạt tự trị cao nguyên Lâm Viên và kiêm giữ chức Đốc lý thành phố Đà Lạt.

Các Nghị định liên tiếp của Toàn quyền Đông Dương vào 26-7-1923 và 30-7-1923 đã đổi tên Nha giám đốc các công sở của nơi nghỉ mát Lâm Viên và các cơ quan du lịch Nam Trung Kỳ thành Nha giám đốc các công sở của nơi nghỉ mát Đà Lạt và các cơ quan du lịch tại khu vực Lâm Viên. Giám đốc Nha là Ủy viên đại diện Toàn quyền tại Đà Lạt nhưng thuộc quyền Khâm sứ Trung Kỳ, và cũng là Đốc lý thành phố Đà Lạt.

Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 9-6-1925 quy định lại chế độ hành chính của thành phố Đà Lạt. Đốc lý thành phố Đà Lạt kiêm giữ luôn chức Công sứ tỉnh Đồng Nai Thượng và do Toàn quyền bổ dụng, nhưng đặt dưới quyền trực tiếp của Khâm sứ Trung Kỳ đóng tại Huế.

Tại tỉnh Nghệ An, sự tập trung 3 thị xã Vinh, Trường Thi, Bến Thủy trong một không gian có sự liên kết chặt là cơ sở vững vàng cho việc nâng cấp từ thị xã lên thành phố. Ngày 10-12-1927, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định sáp nhập 3 thị xã Vinh, Bến Thủy, Trường Thi thành một đơn vị, lập nên thành phố Vinh - Bến Thủy (commune de Vinh-Ben thuy). Thành phố Vinh - Bến Thủy có ngân sách riêng, có một Đốc lý đứng đầu và một Hội đồng thành phố giúp việc. Công sứ Nghệ An kiêm nhiệm chức Đốc lý thành phố Vinh - Bến Thủy.

Sau thành phố Vinh-Bến Thủy, thị xã Thanh Hóa cũng có bước phát triển mạnh mẽ với tư cách là lỵ sở của một tỉnh lớn. Ngày 31-5-1929, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định nâng cấp thị xã Thanh Hóa lên thành phố Thanh Hóa (commune de Thanh-hoa), có ngân sách riêng. Đứng đầu thành phố Thanh Hóa là một Đốc lý, do Công sứ Thanh Hóa kiêm nhiệm. Giúp việc cho Đốc lý là Hội đồng thành phố.

Tại Huế, nơi đứng chân của bộ máy hành chính trung ương Nam triều và Tòa Khâm sứ Trung Kỳ của Pháp, quá trình đô thị hóa vùng ven đã diễn ra cùng với tiến độ của chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai. Trong giai đoạn này, đô thị Huế tiếp tục được mở rộng ranh giới thị xã lần thứ ba, bởi Dụ vua Khải Định ngày 4-11-1921 do Toàn quyền Đông Dương chuẩn y vào 25-11-1921.

 Ngày 12-12-1929, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định nâng cấp thị xã Huế lên thành phố Huế (commune de Hué), có ngân sách riêng. Đứng đầu thành phố Huế là một Đốc lý, có Hội đồng thành phố giúp việc. Chức Đốc lý do Công sứ Thừa Thiên kiêm nhiệm.

Ngoại trừ phần đất trong Kinh thành vẫn thuộc Kinh sư và do Đề đốc Kinh thành của Nam triều quản lý; thành phố Huế bao gồm các vùng quanh Kinh thành, khu vực Gia Hội và một phần bờ nam sông Hương, chia thành 9 phường. Diện mạo đô thị đã trở nên rõ nét.

Như vậy, trong giai đoạn 1919-1929, cuộc khai thác kinh tế ở miền Trung đã tạo tác động khách quan thuận lợi, cho phép hình thành thêm 7 đô thị mới và có 6 đô thị ở đây được nâng cấp.Tính đến năm 1929, tốc độ thiết lập đô thị mới và nâng cấp đô thị ở miền Trung đạt đến mức nhanh hơn cả hai miền Nam-Bắc. Toàn miền có 1 thành phố cấp II (Đà Nẵng), 4 thành phố cấp III (Đà Lạt, Huế, Vinh-Bến Thủy, Thanh Hóa), 10 thị xã (Sầm Sơn, Phủ Quỳ, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, Kon Tum, Plei Ku), 1 thị trấn (Đông Hà).

 Đây là những thành quả quan trọng của quá trình đô thị hóa ở miền Trung, tạo đà cho việc tiến đến hoàn chỉnh tổ chức hành chính đô thị trong thời cận đại.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.