.

120 năm đô thị hóa ở miền Trung - Phần 5: Đô thị miền Trung trong giai đoạn 1945-1975

.

Trong giai đoạn 1945-1975, quá trình đô thị hóa ở miền Trung tiếp tục diễn ra, các thành phố, thị xã cơ bản vẫn giữ vai trò trung tâm các tỉnh; nhưng mức độ đô thị hóa và cách thức tổ chức đô thị chịu sự chi phối rất lớn bởi yếu tố chiến tranh do cuộc xâm lược của Pháp (1945-1954) và Mỹ (1954-1975) gây ra ở Việt Nam.

        >> Phần 4: Hoàn chỉnh tổ chức hành chính đô thị (1930-1945)
        >> Phần 3: Nâng cấp đô thị (1919-1929)
        >> Phần 2: Đô thị hóa mở rộng (1900-1918)
        >> Phần 1: Bước khởi đầu quá trình đô thị hóa (1889-1899)


1- Đô thị miền Trung thời chống Pháp (1945-1954)

 Một phần thị xã Đà Nẵng nhìn từ phía sân bay trước 1975. (Ảnh tư liệu)

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, cũng như các đơn vị hành chính khác, các đô thị miền Trung được chính quyền địa phương thay đổi tên gọi, dựa vào tên tuổi của các danh nhân. Như Đà Nẵng được gọi là thành phố Thái Phiên, Quy Nhơn được gọi là thị xã Nguyễn Huệ... Ngày 9-10-1945, Hội đồng Chính phủ ra Quyết nghị buộc các đơn vị hành chính giữ lại tên cũ để khỏi gây trở ngại trong công việc quản lý, thông tin.

Chính phủ lâm thời Việt Nam cũng đã tiến hành kiện toàn lại bộ máy quản lý Nhà nước, sắp xếp lại các đơn vị hành chính trong cả nước. Theo Sắc lệnh số 77 ngày 21-12-1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời, các đô thị ở miền Trung gồm Đà Nẵng, Huế, Vinh, Đà Lạt được đặt làm thành phố trực thuộc cấp kỳ; các thành phố trước đó như Thanh Hóa, Quy Nhơn, Phan Thiết trở lại cấp thị xã. Ở mỗi thành phố đặt Hội đồng Nhân dân thành phố, Ủy ban Hành chính thành phố.

Đầu năm 1946, Chính phủ Việt Nam bãi bỏ cấp kỳ và thay bằng cấp bộ; giải tán các cấp hành chính châu, quận, phủ, tổng; thành lập chính quyền bốn cấp từ bộ đến tỉnh, thành phố, huyện, xã.Tại Đà Nẵng, lúc này đô thị được mở rộng ở phía đông với việc sáp nhập thêm hai xã Nam Thọ và Hòa Hải của huyện Hòa Vang. Toàn thành phố có 21 xã, chia thành 3 khu là Trung, Đông, Tây.

Vào tháng 4-1946, phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nhân dân thành phố ra Nghị quyết phân chia địa giới hành chính thành phố thành 7 khu và đặt đảo Hoàng Sa làm xã trực thuộc thành phố Đà Nẵng. Nhưng đến 20-12-1946, khi Pháp chiếm đóng trở lại thì chính quyền cách mạng tổ chức thành 3 khu như cũ để tiện việc chỉ đạo.

Trong các năm 1948-1949, nhằm tạo bàn đạp thâm nhập vào thành phố hoạt động, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh tách một số xã của huyện Hòa Vang để sáp nhập vào thành phố Đà Nẵng, gồm Mỹ Thị, Bà Đa, Đa Phước, Nước Mặn, Hòa Cường, Khuê Trung, Hóa Khuê. Toàn thành phố chia thành 6 khu, gồm 3 khu nội thành và 3 khu ngoại thành.

Tại Huế, dưới sự quản lý của chính quyền cách mạng, thành phố Huế mở rộng hơn trước với việc Kinh thành và một phần đất vùng ven thuộc các huyện Phú Vang, Hương Thủy được sáp nhập vào thành phố Huế. Thành phố Huế được chia lại thành 8 khu phố.

Tháng 3-1947, sau khi chiếm đóng lại thành phố Huế, thực dân Pháp tổ chức đô thị Huế thành thị xã Huế với 21 phường, gồm 10 phường nội thành và 11 phường ngoại thành. Đến 1951, đô thị Huế có 21 phường và 10 vạn đò, trong đó ở tả ngạn sông Hương gồm 17 phường và 10 vạn đò; hữu ngạn sông Hương bao gồm 4 phường.

Tại Tây Nguyên, quy mô đô thị không có nhiều thay đổi. Ngày 10-11-1950, Quốc trưởng Bảo Đại ký Dụ số 4-QT/TD ấn định địa giới thị xã Đà Lạt. Vào thời điểm năm 1953, thị xã Đà Lạt có diện tích chừng 67 km², dân số 25.041 người.

Ở Quảng Bình, khi Pháp quay trở lại xâm lược, tỉnh quyết định sáp nhập 4 xã Bảo Ninh, Trấn Ninh, Vĩnh Ninh, Hưng Ninh thuộc huyện Quảng Ninh vào đơn vị hành chính thị xã Đồng Hới để tiện chỉ đạo kháng chiến. Khi chiếm đóng, thực dân Pháp vẫn giữ nguyên thị xã Đồng Hới với 4 phường Đồng Hải, Đồng Ninh, Đồng Phú, Đồng Mỹ.

Đến năm 1947, Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định sáp nhập hai đơn vị thị xã Đồng Hới và huyện Quảng Ninh, đổi tên là Quảng Ninh - Thị xã. Đầu năm 1949,  thị xã Đồng Hới lại tách khỏi Quảng Ninh trở thành độc lập, có 4 phường nội thị và 4 xã ngoại vi. Năm 1951, thị xã Đồng Hới bị thu hẹp lại, chỉ gồm 4 phường nội thị và xã Bảo Ninh.
 
Ở các tỉnh thuộc Liên khu V, phần lớn đất đai không bị Pháp tái chiếm, nhưng do yêu cầu kháng chiến nên đã có những điều chỉnh trong tổ chức đô thị. Thị xã Quy Nhơn trong kháng chiến được chuyển thành xã đặc biệt Quy Nhơn. Còn ở Nha Trang, do yêu cầu của phong trào cách mạng nên vào tháng 10-1950, huyện Vĩnh Xương và thị xã Nha Trang được sáp nhập thành liên huyện thị Vĩnh Trang.

Đô thị miền Trung trong 9 năm chống Pháp không có sự mở rộng đô thị hóa ồ ạt như trước; nhiều nơi hình thành hai hệ thống tổ chức hành chính địch-ta đan xen nhau và thay đổi liên tục. Diện mạo đô thị không có sự cải thiện đáng kể.

2- Đô thị miền Trung thời chống Mỹ (1954-1975)

 Một góc bờ nam sông Hương ở thị xã Huế năm 1968. (Ảnh tư liệu)

Sau hiệp định Genève, Việt Nam tạm thời chia thành hai miền Nam, Bắc dựa theo vĩ tuyến 17; nên các đô thị miền Trung chia thành hai vùng và có sự phát triển khác nhau. Ở phía nam vĩ tuyến 17, sau khi Chính phủ Việt Nam Cộng hòa được thành lập và ban hành hiến pháp, đã diễn ra việc tiến hành xây dựng bộ máy hành chính và cải tổ nền hành chính từ trung ương đến cơ sở.

Vào tháng 10-1955, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thành lập thị xã Đà Nẵng gồm 3 quận I, II, III với 18 khu phố. Ngày 31-7-1962, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ra Sắc lệnh 162-NV chia tỉnh Quảng Nam thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín. Tỉnh Quảng Nam có 9 quận, 1 thị xã, 144 xã, tỉnh lỵ đặt tại Hội An.

Để đối phó phù hợp sự thay đổi của địch, chính quyền cách mạng chia Quảng Nam thành hai tỉnh mới là Quảng Đà và Quảng Nam. Đến tháng 11-1967, Khu ủy V ra quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà.

Ngày 6-1-1973, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tổ chức lại thị xã Đà Nẵng với 3 quận, 19 phường. Thị xã Đà Nẵng đặt dưới quyền điều hành của Hội đồng thị xã, gồm 12 ủy viên, do Thị trưởng đứng đầu. Còn ở đô thị Huế, theo tinh thần tờ Dụ số 57A ngày 24-10-1956 của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, thị xã Huế là đơn vị hành chính ngang cấp với tỉnh Thừa Thiên, được tổ chức lại gồm 22 phường và 11 vạn đò trên nền địa giới hành chính đã xác lập trước đó.

Ngày 19-6-1967, Ủy ban hành pháp Trung ương tại Sài Gòn ra Nghị định số 1455-NĐ/DUHC cho phép thị xã Huế thành lập ba quận Nhất, Nhì, Ba, với 22 phường và 11 vạn đò. Đến 4-5-1968, Tổng trưởng Bộ Nội vụ Sài Gòn ra Nghị định số 319-BNV/NC/19 chuyển đơn vị hành chính cấp cơ sở ở thị xã Huế từ 33 phường-vạn trở thành 10 khu phố với 31 khóm. Ngày 22-8-1972, Bộ Nội vụ của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ra Nghị định 553/BNV/HCDP/26-X cải danh các khu phố thành phường, giữ nguyên đến năm 1975.

Ở Quy Nhơn, ngày 18-4-1961, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa cải biến thị xã Quy Nhơn cũ thành xã Quy Nhơn trực thuộc quận Tuy Phước. Địa phận xã Quy Nhơn gồm thị xã Quy Nhơn cũ và một phần đất thuộc các xã Phước Tấn, Phước Hậu thuộc quận Tuy Phước. Xã Quy Nhơn có 15 ấp, diện tích khoảng 9km2, dân số 91.007 người.

Năm 1970, các đơn vị hành chính của tỉnh Bình Định lại có sự thay đổi. Theo Sắc lệnh số 1135 SL/NV ngày 30-9-1970 của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa, xã Quy Nhơn và các vùng đất phụ cận được thành lập thị xã Quy Nhơn, gồm 4 xã (Quy Nhơn, Phước Hậu, Phước Tấn, Phước Hải) và chia thành 2 quận (Nhơn Bình, Nhơn Định).

Đến 11-6-1971, theo Nghị định số 494 BNV/HCĐP/26/ĐT/NĐ của Tổng trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa, thị xã Quy Nhơn được sắp xếp lại các đơn vị hành chính gồm 2 quận, 16 khu phố (sau đổi thành phường).

Đối với đô thị Nha Trang, ngày 28-8-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm ra Dụ số 50 bãi bỏ quy chế thị xã, tách Nha Trang thành 2 xã là Nha Trang Đông và Nha Trang Tây thuộc quận Vĩnh Xương. Ngày 20-7-1970, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tách các xã Nha Trang Đông, Nha Trang Tây, Vĩnh Phước, Vĩnh Hải, ấp Vĩnh Xuân xã Vĩnh Thái, ấp Vĩnh Điềm Hạ xã Vĩnh Hiệp, các ấp Ngọc Hội, Ngọc Thảo, Lư Cấm xã Vĩnh Ngọc thuộc quận Vĩnh Xương để thành lập thị xã Nha Trang. Đến năm 1972, thị xã Nha Trang được chia làm 2 quận (I, II) với 11 phường.

Tại Quảng Trị, từ năm 1954 đến năm 1972, chính quyền Sài Gòn chọn thị xã Quảng Trị làm tỉnh lỵ. Thị xã Quảng Trị được xây dựng trở thành căn cứ quân sự tiền đồn phía bắc để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Năm 1970, chính quyền Sài Gòn cho quy hoạch lại thị xã Quảng Trị, dự kiến mở mang với quy mô lớn hơn. Nhưng cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt, hình ảnh đô thị trở nên loang lổ bởi gạch vụn và đất đá sau sự tàn phá của bom đạn.

Ở Đông Hà, chính quyền Sài Gòn cho lập Nha Đại diện Hành chính Đông Hà trực thuộc tỉnh Quảng Trị, nhưng đến ngày 17-5-1958 thì bãi bỏ để sáp nhập vào quận Cam Lộ. Ngày 20-4-1968, chính quyền Sài Gòn thành lập một quận mới lấy tên Đông Hà, bao gồm 7 xã (Đông Hà, Đông Hòa, Đông Phong, Đông Thanh, Đông Xuân, Đông Lễ và Đông Lương).

Tháng 9-1967, chính quyền cách mạng hợp nhất hai thị xã Quảng Trị và Đông Hà, lấy tên là thị xã Quảng Hà. Đến năm 1973, thị xã Quảng Hà lại được tách làm hai thị xã Quảng Trị và thị xã Đông Hà. Ở Tây Nguyên, sau năm 1954, dân số đô thị Đà Lạt tăng nhanh bởi lượng người di cư từ Bắc vào Nam và các tỉnh duyên hải lên. Thị xã Đà Lạt phát triển thành một trung tâm giáo dục và quân sự lớn, là tỉnh lỵ tỉnh Tuyên Đức, có 10 khu phố. Nhiều trường học và trung tâm nghiên cứu được chính quyền Sài Gòn thành lập ở Đà Lạt. Các công trình phục vụ nghỉ dưỡng được tiếp tục xây dựng và sửa chữa; nhiều biệt thự, chùa chiền, nhà thờ, tu viện được xây dựng.

Đối với các đô thị thuộc miền Trung kể từ bắc vĩ tuyến 17, giai đoạn 1954-1975 phải gánh chịu nhiều bom đạn và gần như luôn ở trong tình trạng chiến tranh, nên phát triển khá hạn chế. Tuy vậy, vào 10-10-1963, thị xã Vinh vẫn được nâng cấp, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Nhìn chung, đô thị miền Trung giai đoạn 1945-1975 có sự trì trệ, nếu đặt trong quá trình đô thị hóa đã diễn ra từ 1889. Các đô thị vẫn nhỏ bé về quy mô, tổ chức hành chính thay đổi và chồng chéo, tính chất quân sự và yếu tố chiến tranh trở thành lực cản cho việc đô thị hóa trên toàn miền. Đô thị miền Trung chỉ thực sự đồng loạt bùng nổ trong giai đoạn từ sau 1975.
         
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN
                          

;
.
.
.
.
.