Đà Nẵng cuối tuần

Năng lượng từ "Tư duy và Chia sẻ"

16:51, 07/01/2023 (GMT+7)
Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách "Tư duy và Chia sẻ" của tác giả Tôn Nữ Thị Ninh ra mắt năm 1995 (Nhà xuất bản Trẻ).

Sinh ra tại cố đô Huế, nhà ngoại giao, nhà giáo, nhà hoạt động văn hóa Tôn Nữ Thị Ninh (SN 1947) là một trong những gương mặt hấp dẫn trong không gian chính trị - xã hội nước nhà những thập niên qua. Nói hấp dẫn ở đây là nói đến sức cuốn hút của một con người hội tụ nhiều phẩm chất tự thân lẫn có được nhờ một nền học vấn quốc tế. Hấp dẫn còn nhờ năng lượng tỏa ra từ một người phụ nữ cả cuộc đời cố gắng vì những mục tiêu tiến bộ.

Được xuất bản năm 2015 (Nhà xuất bản Trẻ), cuốn sách “Tư duy và Chia sẻ” của nhà ngoại giao, nhà giáo, nhà hoạt động văn hóa Tôn Nữ Thị Ninh chuyển tải nhiều bài viết, thông điệp, thông tin, kiến thức ý nghĩa của tác giả trên nhiều lĩnh vực ngoại giao văn hóa, giáo dục với cái nhìn mang tính hiện đại nhằm tìm cách gieo vào lòng thanh niên một sự tự tin, quyết tâm và kiên trì hành động. Đặc biệt, cuốn sách còn nêu rõ quan điểm của tác giả về khái niệm một người phụ nữ hiện đại. Qua những suy nghĩ sắc sảo về các vấn đề thời cuộc, bà mong muốn đối thoại, chia sẻ với thế hệ trẻ, những người mang trọng trách làm chủ vận mệnh đất nước và trước tiên là làm chủ cuộc đời của chính họ. Trong quan điểm của mình, bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh, tư duy để nâng tầm kiến thức, nhãn quan và biết cách chia sẻ kiến thức đến mọi người là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp của bà.

Cuốn sách giúp độc giả hình dung rõ nét hơn chân dung của nhà ngoại giao, nhà giáo, nhà hoạt động văn hóa Tôn Nữ Thị Ninh qua quá trình làm việc. Những bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, nói chuyện, giao lưu... được chọn lọc theo các cụm chủ đề và sắp xếp theo trình tự thời gian với nhiều phần nội dung hấp dẫn, chứa đựng những chiêm nghiệm, kinh nghiệm sâu sắc của bà trong suốt quá trình làm việc như: Sống “sạch và sung túc” (trang 37), Tâm sự với tuổi trẻ: Đi tìm một bản sắc Việt (trang 126), Tôi muốn đối thoại nhưng cách họ đặt vấn đề khác quá (trang 161), Thế và lực trong hội nhập quốc tế (trang 231), Áo dài trong ngoại giao (trang 273), Trái tim nóng nhưng đầu phải lạnh (trang 306), Văn hóa - di sản sống (trang 331), Phụ nữ đẹp - chưa đủ (trang 389), Mạnh mẽ để khẳng định mình (trang 394)...

Trong các bài viết của mình, bà Tôn Nữ Thị Ninh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của các nền văn hóa, xem đây như nền tảng then chốt cho xây dựng vị thế đất nước vì "Văn hóa ban cho ta tính người". Ở góc nhìn này, khi thể hiện quan điểm về khái niệm một người phụ nữ hiện đại, nhất là cái đẹp của người phụ nữ, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng: "Cái đẹp vừa có tính bẩm sinh, vừa có tính văn hóa; quá trình hòa trộn giữa tự nhiên và văn hóa nơi mỗi người sẽ thành những sản phẩm rất khác nhau" và "Phụ nữ đẹp, không đơn giản là sự cân đối về ngoại hình, về khuôn mặt... phụ nữ là phải có duyên. Cái đẹp về hình thể là một phạm trù tĩnh, cái duyên là phạm trù động. Cái duyên sẽ làm vẻ đẹp đó sống động hơn. Phụ nữ muốn đẹp hơn nữa thì phải có văn hóa. Tôi muốn nói đến văn minh lịch sự chứ không nhất thiết phải học cao".

Bên cạnh những bài viết, cuộc phỏng vấn được ghi chép lại cẩn thận về quá trình hoạt động văn hóa, ngoại giao, cuốn sách “Tư duy và Chia sẻ” còn tạo cảm hứng cho người đọc, nhất là người trẻ với những thông điệp hết sức ý nghĩa: “Trong vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, của xã hội tiêu thụ và thế giới mở, chúng ta có thể đôi lúc “mất cảm thức” mình là ai, thuộc về đâu. Mỗi một chúng ta tự trả lời câu hỏi đó bằng tư duy, hành vi và cách sống của mình. Đối với tôi, câu trả lời là đồng hành với đất nước và dân tộc”... Ở một bài viết khác, kể lại một lần giao lưu với sinh viên, khi được hỏi: "Điều khó khăn nhất của phụ nữ khi làm ngoại giao là gì?", bà Tôn Nữ Thị Ninh đã trả lời: "Là không được rơi lệ!". Câu trả lời thể hiện phần cảm xúc nhân văn ẩn sau vẻ ngoài "thép" lạnh lùng, tỉnh táo của một người dấn thân vào lĩnh vực ngoại giao. Đây cũng chính là thông điệp mà cuốn "Tư duy và Chia sẻ" muốn gửi đến độc giả: "Hãy sống trung thực, tự trọng, dấn thân với xã hội và đất nước... sự thờ ơ còn tồi tệ hơn sự thiếu hiểu biết". Người đọc cũng có thể tìm thấy và lựa chọn những thông điệp, thông tin, kiến thức... có giá trị tham khảo riêng cho bản thân.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh không xem đây là cuốn tự truyện mà việc ra mắt sách là điều bà ấp ủ từ lâu để truyền đi: "Một dòng chảy xuất hiện từ những ngày còn ngồi ở ghế nhà trường và lớn dần qua các giai đoạn của cuộc hành trình, là động lực thôi thúc tôi luôn tư duy và chia sẻ". Trong sách có kèm DVD ghi lại những cuộc trò chuyện, phát biểu, phỏng vấn của bà ở trong nước và quốc tế.

MẪU ĐƠN

.