Đà Nẵng cuối tuần

Bánh Tết quê nhà

16:38, 07/01/2023 (GMT+7)

Bà già qua gõ cửa, dúi vào tay tôi tờ tiền bảo khi nào ghé chợ Bà Hoa thì mua giùm bà mấy cái bánh tét, bánh nổ, bánh tổ, bánh in để thắp hương cho ông. Bà 70 tuổi, da mồi, tóc trắng hết cả. Hồi tôi mới dọn đến con hẻm này, bà nghe tiếng tôi “chi mô răng rứa” nên nhận liền đồng hương Quảng Nam. Bà tha hương, cùng chồng vào Sài Gòn mưu sinh mấy chục năm rồi. Đợt Covid-19 bùng phát, ông bỏ bà lại một mình mà về miền mây trắng. Cuối năm, tôi hay ghé chợ Bà Hoa để tìm đủ vị Quảng cho cái Tết giữa Sài Gòn. Bà dúi tờ tiền vào lại tay tôi khi tôi khoát tay không nhận, bà nói: “Dân Quảng Nam mình Tết về là phải có bánh tét, bánh nổ, bánh tổ, bánh in để thắp hương ông bà. Không có thì còn chi là Tết nữa!”.

Bánh tét được bày bán ở chợ Bà Hoa. Ảnh: N.H
Bánh tét được bày bán ở chợ Bà Hoa. Ảnh: N.H

Người già ăn Tết bằng những ký ức, hoài niệm về những cái Tết đã đi qua trong cuộc đời mình. Một bữa rảnh rang bà qua ngồi nhà tôi kể chuyện. Bà nói hồi bà còn nhỏ, cứ ngó chừng đến Tết để trông ăn được cái bánh in, để được ăn cái miếng bánh tét, bánh tổ chiên vàng hay cầm cục bánh nổ mà gặm. Hồi đó nghèo - bà nhìn tôi nhấn mạnh - nghèo đến bắt tội luôn, cơm không đủ no, độn khoai độn sắn, chỉ có đến Tết mới được miếng thịt mỡ hay cái bánh mà ăn. Cha mẹ bà cũng chạy vạy, vay mượn được ang nếp về mà làm bánh. Làng trên xóm dưới ai ai cũng làm ruộng làm đồng nên có gì quý giá hơn là lúa, là gạo. Nhà đông anh em, nghe mùi nếp rang trên bếp, nghe mùi nước đường thắng với gừng tươi để làm bánh mà nước miếng đã ứa ra đầy chân răng rồi. Bánh tét không có nhân, vậy mà ăn sung sướng y chang như của ngon vật lạ trên đời.

Bà tha hương từ hồi tôi còn chưa ra đời, làm đủ thứ nghề bám trụ thành phố. Con cái lớn lên, gá nghĩa với đất Sài Gòn. Bây giờ ở quê cũng còn vài người bà con xa nhưng giờ bà già rồi biết hồi mô mà về được quê xứ! Nên chăng không tự mình về được thì về bằng món ăn. Ăn cũng là một cách để nhớ nhung, để trở về, để thấy đâu đó quê nhà khi phố phường đón Tết!

Bà và tôi là hai thế hệ tha hương nhưng cùng gặp nhau ở một đoạn ký ức trong đời. Tết của bà và của tôi đều gắn liền với bánh tét, bánh nổ, bánh tổ, bánh in. Bốn thứ bánh chẳng biết từ bao giờ đã trở thành câu cửa miệng của người Quảng Nam, để khi Tết về, ngó mà thiếu một trong 4 thứ bánh để thắp hương cho ông bà thì thấy không trọn vẹn.

Hồi tôi còn nhỏ, cứ độ qua rằm tháng Chạp đã nghe cả làng nổi lửa rang nổ, rang nếp. Những hạt nếp nguyên vỏ được rang trên chiếc chảo gang to đùng bung xòe như những bông hoa màu trắng. Rang xong thì sàng sảy, nhặt cho hết từng vỏ nếp, trộn chung với nước đường thắng với gừng để ép trong chiếc khuôn gỗ cho ra những chiếc bánh nổ thơm tho.

Cũng là nếp ấy, rang lên, xay mịn ra nhào với đường táng cạo để làm bánh in. Bột nếp xay mịn, quấy với nước đường gừng, cho vào cái khuôn bằng lá chuối hấp lên để làm bánh tổ. Khoảng 29, có năm 30 tháng Chạp, má gút nếp, ra vườn cắt lá chuối rồi tỉ mẩn ngồi gói từng cái bánh tét không nhân. Tôi nhớ hoài hơi ấm ấu thơ khi ngồi canh nồi bánh tét cho má. 

Thời của tôi không khổ như bà nhưng cũng chưa dư giả nhiều nên ăn uống cũng quan trọng phần no. Hồi đó, nhà nào cũng làm bánh, có nhà đông con cái làm đến một vài ang nếp để dành ra Giêng. Ra Tết, sung sướng cầm miếng bánh tét chiên vàng, rụm. Riêng bánh nổ, bánh tổ, bánh in để được rất lâu, có khi đến vài tháng mà không sợ hỏng. Ra đồng mùa xuân, đến giờ nửa buổi lấy ra ăn, uống thêm vài ngụm nước chè tươi là no đến bữa trưa.

Bà nói, thỉnh thoảng thèm bánh tổ chiên mà phải là bánh tổ mốc mới ngon. Bánh tổ có khuôn làm bằng lá chuối cuộn tròn, để lâu thường có một lớp mốc màu xanh phủ lên trên. Vậy mà chỉ cần cắt lớp mốc ấy đi, phần bánh phía dưới vẫn thơm ngon, đem chiên lên vàng ruộm. Nhớ nhung bánh tổ mốc chiên thì đích thị là dân Quảng Nam, không sai được phân nào!

Bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in - bánh nào cũng được sinh ra từ lúa từ gạo. Người dân quê tôi vẫn cần mẫn hai mùa mưa nắng trên những cánh đồng để chờ ngày gặt hái. Mất mùa, bão lũ, thiên tai liên miên nên người quê trân trọng lúa gạo hơn bất kỳ điều gì. Thương những ngày lúa ngã rạp đồng, những bông lúa vớt lên khi nước băng ngang ngập đồng nên khi cầm chén cơm mà cứ rưng rưng. Lúa gạo nuôi sống người quê, Tết về lại được người quê tỉ mẩn chế biến thành những món quà Tết để thắp hương cho ông bà. Bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu cuộc đời, như thời của bà, đến ba mẹ tôi, đến thời của tôi vẫn được giữ y nguyên như thế.

Tôi và bà cùng quê hương mà gặp nhau ở giữa chốn không phải là quê. Chúng tôi gá nghĩa cuộc đời mình với mảnh đất khác. Nhưng hễ Tết về, vẫn tìm cho đủ bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in để thắp hương cho ông bà. Và người để cho con cái - dù sinh ra và lớn lên ở thành phố vẫn biết người Quảng Nam mình ăn Tết ra sao. Và với mình, dù đi cùng trời cuối đất vẫn còn hoài nhung nhớ đất quê!

NHƯ HIỀN

.