.
CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ IV

Tập hợp và đoàn kết lực lượng, phát huy tài năng, trí tuệ đội ngũ trí thức trong sự nghiệp CNH-HĐH thành phố

.

Trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) của Đà Nẵng đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) của thành phố trong những năm qua đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp này. Nhân Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2009-2014) của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng (LHH), phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM KIỀU ĐA, Chủ tịch LHH về những kết quả và những định hướng chủ yếu về sự phát triển của LHH cũng như công tác tập hợp, đoàn kết lực lượng, phát huy tài năng và trí tuệ của đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới.



 .

* P.V: Thưa ông, diễn ra trong tinh thần cả nước tích cực nghiên cứu và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, với vai trò, vị trí của LHH, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa và nhiệm vụ của Đại hội lần thứ IV của LHH trong giai đoạn này?

- Ông Phạm Kiều Đa: Với tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), vị trí, vai trò và nhiệm vụ của đội ngũ trí thức Việt Nam ngày càng được quan tâm, đánh giá đầy đủ và đúng đắn cũng như được khẳng định trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời, Đại hội LHH cũng diễn ra trong bối cảnh thành phố có những chuyển biến quan trọng; Đảng bộ và nhân dân thành phố ra sức thi đua hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX đề ra nhằm phấn đấu “đưa Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước” theo tinh thần Nghị quyết 33/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Trong tình hình chung đó, ý thức về trách nhiệm của trí thức trong giai đoạn phát triển mới của thành phố Đà Nẵng, Đại hội LHH diễn ra lần này có nhiệm vụ chủ yếu và quan trọng là đánh giá kết quả hoạt động của nhiệm kỳ III (2003-2009), phân tích các ưu, khuyết điểm, rút ra những kinh nghiệm quý báu, đề ra được các phương hướng và giải pháp hoạt động chất lượng, hiệu quả của LHH; đồng thời chọn lựa, bầu ra Ban Chấp hành mới, đủ sức đại diện cho đội ngũ trí thức KH&CN của thành phố trước yêu cầu phát triển mới của thành phố và đất nước, đáp ứng được những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện nghị quyết này đối với đội ngũ trí thức của Đà Nẵng.

* P.V: Nhìn nhận về 5 năm hoạt động của nhiệm kỳ vừa qua, theo ông, đâu là những kết quả quan trọng nhất mà LHH cũng như đội ngũ trí thức Đà Nẵng đã đạt được?

- Ông Phạm Kiều Đa: Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và đầy trách nhiệm của Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Đoàn Chủ tịch LHH Việt Nam và sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành thành phố, phải thấy rằng, trong thời gian qua, LHH thành phố cũng như đội ngũ trí thức KH&CN đã có một bước phát triển mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, nhất là trong giai đoạn Đà Nẵng có những bước chuyển mới ngày càng mạnh mẽ trong quá trình xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Qua 5 năm hoạt động, vượt qua rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh phí, phương tiện làm việc, nhất là cơ chế phối hợp, LHH đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Các hoạt động trên lĩnh vực chính trị-xã hội; phổ biến kiến thức và nâng cao trình độ cho hội viên; nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học; tư vấn, phản biện và giám định xã hội; công tác đối ngoại... đều được chú trọng đầu tư và đẩy mạnh.

Nhờ thế, đội ngũ trí thức trong các hội chuyên ngành, trong các cơ quan chuyên môn đã đem hết năng lực và tâm huyết đóng góp hết sức nhiệt tình và có hiệu quả cho sự phát triển của thành phố. Qua đó, vai trò của LHH trong hệ thống chính trị và hoạt động xã hội ngày càng được khẳng định; tiếng nói của người trí thức được quan tâm lắng nghe, đời sống và sự sáng tạo của các nhà khoa học ngày càng được chú ý...

Với sự nỗ lực hoạt động trong nhiệm kỳ qua, đến nay, LHH đã có 28 hội thành viên và 10 trung tâm trực thuộc, quy tụ hơn 10 nghìn hội viên hoạt động ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chủ yếu của khoa học, công nghệ, xã hội nhân văn; trong đó có nhiều người là GS, GS.TSKH và hơn 2 nghìn TS và Th.S.

* P.V: Thưa ông, trong những kết quả đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học cũng như hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được xem là có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của LHH và đội ngũ trí thức thành phố. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những thành tựu đã đạt được trên những lĩnh vực này trong nhiệm kỳ qua?

- Ông Phạm Kiều Đa: Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2003-2008, Đại hội III của LHH thành phố, Thủ tướng Chính phủ cũng như UBND thành phố đã có những văn bản quan trọng trên lĩnh vực hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Thực hiện chủ trương đó, Đà Nẵng là địa phương có cơ chế và quyết định sớm nhất cả nước về lĩnh vực này. Nhờ thế, tuy chưa triển khai nhiều và thường xuyên, nhưng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHH thành phố thực sự là lĩnh vực mà đội ngũ trí thức quan tâm, đóng góp tích cực.

Một số công trình qua tư vấn, phản biện của LHH được thực hiện hoặc điều chỉnh hiệu quả hơn như: Công trình cầu Hòa Xuân; đề tài nghiên cứu khoa học về 150 năm kháng chiến chống thực dân Pháp của Đà Nẵng; ý kiến bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm tại các hồ trong thành phố; quy hoạch đô thị... Thực tế cho thấy, đội ngũ trí thức thành phố hoàn toàn có đủ năng lực và trình độ tư vấn, phản biện về các lĩnh vực mà thành phố yêu cầu; trong đó có sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu về tri thức chuyên ngành và có tâm huyết.

Trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học, các hội thành viên đã triển khai nghiên cứu 8 đề tài khoa học cấp thành phố, triển khai 6 nhiệm vụ cụ thể; trong đó đáng chú ý như hai đề tài về xử lý nước sạch tại quận Ngũ Hành Sơn, thí điểm xã hội hóa trồng cây ven biển... LHH chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tổ chức thành công các Hội thi sáng tạo kỹ thuật, qua đó thu hút gần 1 nghìn giải pháp dự thi; trong đó có 120 giải pháp đoạt giải Trung ương và thành phố.
 
Hoạt động quan trọng này của LHH đã khơi dậy và duy trì được phong trào nghiên cứu, ứng dụng và bước đầu sáng tạo những giải pháp thiết thực vào cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động... Bên cạnh đó, đội ngũ học sinh đã tích cực tham gia các cuộc thi sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên, nhi đồng, khẳng định được vị trí của Đà Nẵng với các kết quả cao.

* P.V: Mặc dù đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng như vậy, nhưng để đánh giá một cách nghiêm túc về kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua, Đại hội lần này cũng sẽ phân tích những khuyết điểm, hạn chế để khắc phục trong nhiệm kỳ mới. Theo ông, đâu là những vấn đề cần bàn đến trong Đại hội này?

 


Chủ tịch Liên hiệp hội, ông Phạm Kiều Đa đang trao phần thưởng cho những người đạt giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ IX.

- Ông Phạm Kiều Đa:
Nghiêm túc đánh giá, thì phải thấy rằng, chức năng và nhiệm vụ chính yếu của LHH là tập hợp rộng rãi đội ngũ các nhà khoa học đã không đạt như mong đợi vì nhiều lý do. Hoạt động của LHH và các hội thành viên chưa có sự đổi mới cần thiết. Việc xác định nhiệm vụ trọng tâm và đề ra biện pháp thực hiện chưa năng động, thiếu nhạy bén và nhất là chưa có sự quan tâm, hỗ trợ cần thiết của các cơ quan chức năng.

Ví dụ như Đà Nẵng là địa phương có quyết định về nhiệm vụ tư vấn, phản biện sớm nhất nhưng việc phối hợp triển khai giữa các ngành còn nhiều bất cập, chưa xây dựng được cơ chế phối hợp và quy định cụ thể cho hoạt động này. Bên cạnh đó, phải khẳng định rằng, chúng ta có tiềm lực lớn, lĩnh vực hoạt động rộng, đội ngũ trí thức tâm huyết... nhưng vẫn còn ít công trình thuyết phục và được ứng dụng rộng rãi. LHH cũng chưa làm tốt vai trò là đầu mối quan hệ giữa các hội thành viên với cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện; bộ máy tham mưu hoạt động yếu; sự phối hợp giữa các hội với cơ quan chính quyền thiếu sự chặt chẽ; hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ còn nặng tính hành chính và thiếu các biện pháp linh hoạt, sáng tạo...

Đây là những vấn đề cơ bản sẽ được Đại hội lần này bàn đến để đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH cũng như tổ chức thành viên, hội viên trong nhiệm kỳ đến.

* P.V: Được xác định là sự kiện có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển của LHH trong giai đoạn mới, thưa ông, Đại hội lần thứ IV của LHH có những định hướng cơ bản cũng như những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nào trong nhiệm kỳ đến?

- Ông Phạm Kiều Đa: Từ kết quả thực hiện trong nhiệm kỳ qua và nhận định bối cảnh, tình hình chung cũng như xu hướng phát triển trong giai đoạn CNH, HĐH thành phố, LHH cũng đã xác định phương hướng chung trong giai đoạn mới. Đó là tập trung xây dựng LHH thành phố ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có đủ năng lực tập hợp sâu rộng đội ngũ trí thức KH&CN. Từ đó, LHH phát huy tiềm năng trí tuệ, tập trung nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; tổ chức phối hợp tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của thành phố...

Trên tinh thần đó, LHH sẽ tập trung xây dựng các Ban Chấp hành của các hội thành viên và đổi mới thật sự hoạt động của Ban Chấp hành LHH thành phố; xây dựng các tổ chức thành viên không ngừng lớn mạnh... Cùng với việc đầu tư cho hoạt động chính trị-xã hội, LHH sẽ tăng cường phổ biến kiến thức cho hội viên, trong đó có việc xây dựng Đề án thành lập Tạp chí Trí thức Khoa học-Công nghệ Đà Nẵng; xây dựng trang thông tin điện tử của LHH; tổ chức các hoạt động theo các chủ đề phù hợp...
 
Hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tư vấn, phản biện và giám định xã hội được đẩy mạnh trên cơ sở nền tảng kết quả trong những nhiệm kỳ qua; mở rộng lực lượng tham gia vào các hội khoa học và kỹ thuật thành viên của LHH, khuyến khích cán bộ nghỉ hưu có kinh nghiệm và cán bộ trẻ có trình độ cao; phối hợp xác định những nội dung cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng như mở các lớp tập huấn chuyên sâu về công tác này; tiến tới thành lập các Hội đồng tư vấn chuyên ngành, độc lập, khách quan trong các lĩnh vực:

Quy hoạch KT-XH, bảo vệ môi trường, kiến trúc, xây dựng... LHH cũng xác định khắc phục những tồn tại, yếu kém để nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại; trong đó tranh thủ các nguồn vốn nước ngoài triển khai thực hiện tại các đơn vị thuộc LHH Đà Nẵng; mở rộng quan hệ với các LHH địa phương trên toàn quốc; tiếp tục mối quan hệ chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể của thành phố...

Hy vọng rằng, với việc thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đó, LHH thành phố sẽ tạo được những bước chuyển quan trọng trong nhiệm kỳ mới, huy động đội ngũ trí thức đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp CNH, HĐH của thành phố.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN THÀNH (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.