Chính trị - Xã hội

Tháo gỡ khó khăn cho người trồng rừng

13:50, 09/06/2023 (GMT+7)

Hàng trăm ha rừng của người dân trồng trên địa bàn huyện Hòa Vang đang phải đối mặt với những khó khăn trong công tác trồng, chăm sóc cũng như phòng cháy, chữa cháy… trong những ngày hè nắng nóng gay gắt.

Để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy, hằng ngày ông Nguyễn Hữu Hoàng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) phải thuê người dọn dẹp thực bì dưới tán rừng lớn, nguy cơ cháy cao. Ảnh: T.H
Để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy, hằng ngày ông Nguyễn Hữu Hoàng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) phải thuê người dọn dẹp thực bì dưới tán rừng lớn, nguy cơ cháy cao. Ảnh: T.H

Người dân kiến nghị được mở rộng đường vào rừng

Giữa trưa nắng gắt, chúng tôi theo chân lực lượng bảo vệ gần 80ha rừng trồng cây gỗ lớn của gia đình ông Nguyễn Hữu Hoàng tại tiểu khu 22, thuộc địa bàn xã Hòa Liên, mới thấy được sự vất vả và khó khăn để vào được cánh rừng, bởi đường đi rất nhỏ hẹp và hiểm trở.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, qua gần 5 năm dốc hết vốn vào dự án trồng rừng gỗ lớn, đến nay gần 80ha rừng của gia đình ông đã được phủ xanh gần 200.000 cây gỗ các loại như: lát hoa, dổi hương, sưa đỏ, hương đỏ, cà te, chò, thiết lim...

“Hiện nỗi lo lớn của người trồng rừng gỗ quý không chỉ là nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thu lại lợi nhuận lâu mà mỗi khi vào mùa nắng nóng, người trồng rừng lại mất ăn, mất ngủ bởi chỉ cần sơ suất coi như trắng tay”, anh Hoàng lo lắng.

Qua quan sát cho thấy, cánh rừng gỗ lớn của gia đình anh Hoàng có nhiều khu vực trọng điểm dễ cháy, chủ yếu là rừng trồng cây gỗ lớn 4-5 năm tuổi, thực bì dưới tán rừng lớn, nguy cơ cháy cao; trong khi các diện tích rừng này lại tiếp giáp với nương rẫy của người dân địa phương.

Từ việc xác định khu vực có nguy cơ cháy cao, gia đình anh Hoàng triển khai các giải pháp để phòng, chống cháy rừng. Tuy nhiên, điều đáng lo hiện nay là đường đi lại trong rừng rất khó khăn nên hiệu quả chữa cháy chưa cao do chủ yếu sử dụng phương tiện, dụng cụ thô sơ để dập lửa.

“Hiện chúng tôi đã có văn bản đề nghị các ngành chức năng, địa phương tạo điều kiện để gia đình được cải tạo mặt bằng, mở rộng lối đi, phục vụ công tác trồng, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng trong tương lai. Thế nhưng đến thời điểm này, gia đình vẫn phải chờ cơ quan chức năng xem xét”, ông Hoàng nói.

Còn tại xã miền núi Hòa Bắc, kể từ khi tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan đưa vào hoạt động, hàng chục hộ có diện tích trồng rừng lớn cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống cháy rừng cũng như việc vận chuyển gỗ rừng trồng đi tiêu thụ, bởi lẽ con đường độc đạo để đi lại bị tuyến cao tốc này chắn ngang.

Anh Đinh Văn Hin, Trưởng thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc cho biết, thôn có gần 40 hộ gia đình đang trồng cây keo nhưng không thể khai thác rừng trồng vì khó khăn về đường vận chuyển lâm sản do đường cao tốc rào chắn không có lối mở.

Chị Hồ Thị Tỏa, thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc cho biết, phần lớn người dân ở địa phương đều sinh sống bằng nghề trồng rừng. “Hiện nay, các hầm chui ngang qua cao tốc chạy ngang qua thôn thiết kế quá thấp và nhỏ nên xe vận chuyển keo không thể chui lọt. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm có phương án hỗ trợ, giải quyết nhanh chóng nhằm tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất”, chị Tỏa đề nghị.

Sớm có giải pháp hỗ trợ

Liên quan đến đề xuất của anh Nguyễn Hữu Hoàng, Chánh văn phòng UBND thành phố Nguyễn Hà Nam cho biết, ngày 21-3-2023, Văn phòng UBND thành phố ban hành Thông báo kết luận số 116/TB-VP của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam tại cuộc họp xử lý liên quan về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Kết luận nêu rõ: “Việc đề nghị của gia đình ông Nguyễn Hữu Hoàng liên quan đến công tác cải tạo mặt bằng, mở rộng lối đi vào rừng tại tiểu khu 22, UBND thành phố đã giao huyện Hòa Vang chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát lại các hồ sơ có liên quan đến dự án trồng rừng gỗ lớn của ông Hoàng đã được UBND huyện Hòa Vang phê duyệt dự án tại Công văn số 376/UBND-NN.PTNT ngày 8-3-2019 trên nguyên tắc dự án được triển khai phải bảo đảm đầy đủ trình tự, thủ tục quy định về dự án đầu tư trồng rừng; trong đó, lưu ý làm rõ nội dung phân hạ độ cao nền để trồng rừng, mở đường vận chuyển khai thác... Trên cơ sở đó, trường hợp dự án triển khai thực hiện có đất dư thừa cần phải vận chuyển ra khỏi dự án thì UBND huyện Hòa Vang phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan để được hướng dẫn đầy đủ các trình tự thủ tục theo quy định của Luật Khoáng sản”.

Còn đối với kiến nghị của người dân xã Hòa Bắc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam cho biết, UBND xã đã tiếp nhận nhiều đơn thư của nhân dân liên quan đến việc mở đường để người dân vận chuyển, khai thác gỗ keo. Sau khi nhận đơn, xã đã đi kiểm tra thực tế phản ánh của người dân; đồng thời, mời Cục Quản lý đường bộ 3.1 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) làm việc. “Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý đường bộ 3.1 trả lời rằng chỉ thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ quản lý, việc mở đường cho người dân vận chuyển gỗ rừng cần xin ý kiến của Bộ Giao thông vận tải”, ông Nam nói.

TRỌNG HÙNG

.