.

Đâu vui cho bằng mái nhà

.

Mái nhà ấm áp, ngọt ngào hiển nhiên không đơn thuần chỉ là nơi trú mưa, che nắng. Đó còn là chốn của bình yên, hạnh phúc, là nơi mà cha mẹ, con cái kết nối với nhau bằng tình thương bền chặt. Nơi đầy ắp sự vỗ về, động viên nhau. Nơi ấm áp nụ cười của ba mẹ khi nhìn thấy con. Nơi con được hồn nhiên trọn vẹn cùng với tuổi thơ của mình… Bi kịch là khi nhà không còn là nơi bình yên với đủ đầy ba mẹ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mồ côi ba, mẹ vì ly hôn

Là con của một phụ nữ có 6 lần ly hôn, mỗi lần được đánh dấu bằng một mầm sống mới, em Lê Trần Ái N. (học sinh trường THCS Nguyễn Huệ) hiện là chị cả của 5 em, nhỏ nhất mới tròn 1 tuổi. Với những người đến với mẹ em về sau, em đều gọi bằng dượng bởi: “Chữ ba chỉ dành riêng để gọi ba mình”.

Chia sẻ về kỷ niệm đẹp nhất, em kể, cách đây lâu rồi, lúc đi ngang ngã tư Quang Trung và Nguyễn Thị Minh Khai, em thấy ba và chỉ kịp vội vàng gọi: “Ba ơi” mà quên gọi tên ba kèm theo. Những tưởng phố phường đông đúc giờ tan tầm chỉ toàn người và xe sẽ nuốt trọn tiếng gọi yếu ớt và danh xưng chung chung đó. Thế nhưng, ba em vẫn nhận ra và quay đầu xe chạy ngược lại để gặp con gái.

Từ đó, Ái N. tin rằng, chữ “ba” ngắn gọn và giản đơn kia đã gói trọn vẹn tình cảm, yêu thương mà một người con gái dành cho ba mình, và khi được con gọi, dù giữa đám đông, giữa rất nhiều người cha khác, dù không gắn với tên cụ thể, người cha được gọi vẫn sẽ nhận ra đích xác con mình.

Cha mẹ chia tay, Ái N. một mình xoay vần vào ra bệnh viện để chăm mẹ trong 5 lần sinh nở tiếp theo, phụ mẹ chăm em lúc bồng ngửa, khóc đêm cũng như trở thành người lao động chính bên tủ bánh mỳ của mẹ từ 5giờ chiều cho đến nửa đêm về sáng. Không chỉ thiếu tình thương của ba, thiếu sự quan tâm của mẹ, Ái N. thiếu cả thời gian dành cho việc học và ngủ ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Kết quả cho sự thiếu thốn này là nét trầm buồn luôn thường trực trên khuôn mặt, kể cả lúc em cười, là đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ và 2 năm nhập học muộn so với bạn bè cùng trang lứa (17 tuổi nhưng Ái N. mới bước vào lớp 8).

Cha mẹ ly hôn từ khi em mới tượng hình, Lê Anh V. (lớp 4/1 trường tiểu học Trần Văn Ơn) được bà ngoại nuôi dưỡng từ ngày sinh ra. Mẹ đi theo niềm vui mới, chưa từng được nhìn mặt ba, V. mặc định mình đã mồ côi ba mẹ để không làm bà ngoại thêm rã rời vì câu nói: “Bạn bè ai cũng có ba mẹ đưa đón, trừ con”. Ở tuổi sắp 70, người đen nhẻm, gầy khô chỉ 37 kg nhưng ngày ngày bà ngoại V. vẫn đi làm phụ hồ. Không nề hà bất kỳ công việc gì từ quai búa đập tường, vác gạch và thậm chí tải những bao xi-măng có trọng lượng xấp xỉ 50 kg, bà ngoại cần mẫn tích lũy, chắt chiu từng đồng cho hành trình theo con chữ của V.

Nơi ở của bà cháu V. là căn phòng có diện tích 15m2. Khi đi làm, ngoại nhặt nhạnh các tấm gạch lát nền thừa, sáng màu, đem về dán lên tường để chống thấm, chống nứt và: “Tạo không gian sáng sủa cho thằng V. học”. Không hiểu “phụ hồ” là làm nghề gì nên khi thấy bà vất vả, nhiều hôm đi làm về phải nằm lả vì mệt, V. từng an ủi bà: “Lớn lên, V. cũng sẽ đi làm phụ hồ để nuôi bà” để rồi hoảng sợ khi thấy bà òa khóc.

Khi ly hôn là cách giải thoát

Không lầm lỳ, rụt rè, buồn bã như hình ảnh thường thấy ở một người con có cha mẹ ly hôn, Đỗ Tấn T. gây bất ngờ cho người gặp khi đôi mắt cứ lấp lánh ánh vui. Trong suốt câu chuyện, giọng nói và cử chỉ của em luôn toát lên sự hoạt bát, hạnh phúc. Em cho biết, điều này chỉ có được sau khi ba mẹ ly hôn.
Đã 20 năm nay, T. và chị gái cứ mãi đi tìm câu trả lời về tính cách người mà hai em gọi là Ba. T. không thể quên được ký ức kinh hoàng khi ba chĩa mũi dao nhọn, bén ngót, sáng loáng như nước vào đường gân xanh đang phập phồng yếu ớt trên cổ mẹ vì thu vén tiền để nộp học phí cho hai chị em hay lúc ba thẳng chân đạp chị gái từ trên gác xuống đất chỉ vì chị không chỉ học mà còn… dám học giỏi.

Thất học, không nghề nghiệp, ba T. thù ghét đến cay nghiệt khi thấy chị em T. hằng ngày đến lớp và “ngốn mất khoảng tiền không nhỏ trong nhà”. Không chỉ thường xuyên đốt sách vở và đồng phục học sinh, mỗi tối tại gia đình nhỏ này là trận chiến với những lời quát tháo chỉ với một mục đích duy nhất: Chị em T. không thể tập trung chuẩn bị bài cho ngày mai đến lớp.

Mặc cho những trận đòn vô cớ, những lời chì chiết, đay nghiến, mỉa mai của ba, T. và chị vẫn học giỏi. Đặc biệt, dù là con trai nhưng T. cũng như chị rất yêu sách và văn chương, nhiều lần đoạt giải học sinh giỏi văn thành phố. Yêu văn thơ, là người sâu sắc nên T. càng đau đớn, dằn vặt khi nhận ra, nơi được gọi là “nhà” của mình thực ra chỉ là phần thô bên ngoài, có khả năng trú mưa, che nắng chứ hoàn toàn không có phần hồn ấm áp bên trong. Với T. “nhà” chưa bao giờ là chốn bình yên để quay về.

Mọi việc chỉ thay đổi khi mẹ T. chứng kiến sự hoảng sợ của con khi nhận ra ba giữa đám đông phụ huynh trước cổng trường. Nụ cười rất tươi trong câu chuyện cùng bạn bè của T. đột ngột tắt ngấm. Em nhìn trân trối về phía cha rồi bước thụt lùi và quay lưng bỏ chạy. Em chạy nỗi sợ ba, sợ những cái bạt tai đến hoa mắt, sợ lời đay nghiến, mỉa mai về việc học sẽ diễn ra ngay tại cổng trường, trước mặt tất cả bạn bè... Lúc này, mẹ T. mới bàng hoàng hiểu ra việc cam chịu sống cùng một người chồng bạo lực để con có đầy đủ cha mẹ đang tạo nên chuỗi dài những bi kịch và tổn thương không thể chữa lành cho con. Quyết định ly hôn của chị được cả hai con đồng tình ủng hộ.

Giờ đây, chị gái của T. đã có cuộc sống yên ổn tại nước ngoài và đang làm quản lý cửa hàng ăn uống của gia đình. T. hiện là sinh viên năm 3 một trường thuộc Đại học Đà Nẵng. Bên cạnh việc học, T. còn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, tình nguyện của trường. T. cho biết: “Việc ly hôn không phải là ngõ cụt cho con cái. Khi ba mẹ đã hết duyên thì chia tay là cách giải thoát tốt đẹp nhất. Niềm vui sống, sự lạc quan mà mẹ con em có được hôm nay đến từ quyết định “buông xuôi” trong việc kéo ba về với gia đình”.

T. đã đồng ý để tên thật cũng như cho phép chụp ảnh cho bài báo. Tuy nhiên, đến phút cuối cùng em thay đổi quyết định, bởi: “Dù gì người đó vẫn là ba em, là người cho em hình hài và cuộc sống này. Dù hai cha con từng là người xa lạ dưới chung một mái nhà thì cho em được thể hiện tình thương, sự tôn trọng mà một người con nên có đối với cha mình”. Đây cũng là điểm chung của những người con trong bài viết, mặc dù gánh chịu hậu quả từ việc cha mẹ không còn yêu thương nhau, các em vẫn dành sự trân trọng, trìu mến nhất khi nhắc đến từ “Ba”, “Mẹ”.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.