.

Người dẫn đường tin cậy

.

Trong số rất nhiều giảng viên giỏi của các trường đại học thuộc ĐH Đà Nẵng hiện nay, có rất nhiều thầy cô đã tạo nên những giờ giảng thu hút SV đến chật cả giảng đường với mục đích học hỏi chứ không phải để điểm danh.

TS Lê Thị Giao Chi và các sinh viên sau giờ học.Ảnh: H.N
TS Lê Thị Giao Chi và các sinh viên sau giờ học.Ảnh: H.N

“Khi SV theo mình, họ phải đạt được điều gì đó”

Trước khi gặp TS Võ Thị Quỳnh Nga, Phó trưởng khoa Du lịch, trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, tôi nhận được thông tin từ phòng Đào tạo của trường: có những môn học chúng tôi dự kiến mở 2 lớp, nhưng sau đó SV đăng ký đông quá phải mở thêm lớp thứ 3. Đó là những môn học tự chọn chứ không bắt buộc trong chương trình đào tạo tín chỉ. Trước hết SV thấy bổ ích, thứ hai là các em hứng thú với giảng viên đứng lớp…

Có thể nhớ, thuộc tên hầu hết SV nhiều lớp học với số lượng 85-90 em/lớp, TS Quỳnh Nga cho rằng đó là “bí quyết” để cô và trò có thể “tương tác” với nhau một cách thoải mái, dễ truyền đạt hơn và cũng thể hiện thái độ yêu quý, tôn trọng của cô dành cho học trò. Cô thuộc tên SV giúp cho những giờ học thảo luận trở nên sôi động, và em nào cũng tham gia vào giờ học với tinh thần thoải mái, vui vẻ, phát biểu những điều mình nghĩ một cách thoải mái, không cần e dè, bởi nếu sai thì cô giáo sẽ sửa và những thông tin cô truyền đạt sẽ “thấm” vào các em lâu hơn.

Cô Quỳnh Nga còn thực hiện “chính sách” cộng điểm (khoảng 20% số điểm môn học) cho những SV giơ tay phát biểu. Nhưng hầu như việc giơ tay sẽ rơi vào những bạn năng động, thế là cô sẽ gọi tên những bạn hơi nhút nhát (sẽ không còn cộng điểm), tập cho các bạn thói quen đóng góp bài giảng, mạnh dạn trước đám đông và biết bày tỏ quan điểm dù có thể ý kiến đó chưa đúng.

“Mỗi giờ học, mỗi lớp học mình đều có kịch bản giảng dạy khác nhau, sẽ mất thời gian nhiều hơn là chỉ có giáo viên nói, trò nghe. Mình nói với SV là cô muốn thấy vai trò, những hiểu biết của các bạn, để giúp cô nhìn sự việc đa chiều; và khi các bạn thể hiện quan điểm, tư duy chủ động thì các bạn sẽ nhớ lâu hơn. Có lẽ nhờ đó mà SV thích giờ học của mình”, cô Quỳnh Nga cho hay.

Cô dạy những môn như Marketing dịch vụ, là môn bắt buộc của ngành Quản trị kinh doanh du lịch, Quản trị kinh doanh khách sạn, quản trị marketing; là môn tự chọn của ngành ngân hàng, ngoại thương, quản trị kinh doanh thương mại. Ngoài ra cô còn dạy Marketing căn bản, Quản trị cung ứng dịch vụ, Quản trị thông tin khách sạn (là môn mới, sắp dạy).

TS Quỳnh Nga chỉ làm luận án tiến sĩ trong nước, theo cô đó là một thiệt thòi vì không được tiếp cận những phương pháp nghiên cứu tiên tiến hay không đạt được tiêu chuẩn ngoại ngữ như nhiều giảng viên học ở nước ngoài về. Bù lại, cô rèn cho mình phong cách đứng lớp, cách chia sẻ, lắng nghe SV và “nhìn” được cách SV phản ứng với bài giảng của mình như thế nào để điều chỉnh cho phù hợp. Và theo cô nhìn nhận, do nhiều môn học, nhờ nhiều giáo viên khác nữa, lớp SV năm 1, năm 2 so với các năm sau các em tiến bộ hơn hẳn. Vậy là cô đã làm được một điều như tâm nguyện: “Khi SV theo mình, họ phải đạt được điều gì đó”.

Đích đến là thành công

TS Lê Thị Giao Chi, Phó trưởng khoa Tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, cười vui “mới đó mà mình đã có 24 năm đứng lớp, thỏa ước mơ được làm giáo viên dạy học trò như má mình ngày xưa”. Cô Giao Chi đỗ tốt nghiệp thủ khoa khoa Sư phạm tiếng Anh đầu tiên và được giữ lại trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng (năm 1990 trực thuộc ĐH Quy Nhơn).

Cô bảo, cái nghề của mình như đem hương hoa cho đời, SV không chỉ học chữ mà còn học làm người trước khi làm nghề, nên cô phải truyền cho các em đức tính nhân văn, ánh mắt, tay chỉ như thế nào khi đứng trên bục giảng. Những điều này không có trong giáo trình, bài giảng cũng không thể hiện cái tâm của người thầy như thế nào, ảnh hưởng đến các em ra làm sao… cho nên mình dạy SV những kỹ năng này, truyền lửa cho các em những giá trị vô hình, để khi làm nghề các em hiểu và yêu nghề bằng cả tấm lòng.

Giờ lên lớp, cô Giao Chi chẳng bao giờ điểm danh, cô bảo đến lớp là niềm vui, là một trải nghiệm thú vị trong cuộc sống chứ không phải là điều bắt buộc. Và cô đưa thực tiễn cuộc sống vào lớp học, những bài học vì thế luôn gắn bó với những hiện thực sinh động. Trong một môn học kéo dài 8 tuần thì cô cho SV đi thực địa 2 tuần, lúc về các em sẽ làm bài thuyết trình theo nhóm để hình thành kỹ năng làm việc nhóm, học tính phán đoán…

Nhờ đó kiến thức SV nắm được đôi khi đi xa hơn bài giảng. Cô luôn hướng cho SV chủ động trong việc học, để các em thấy mình được tôn trọng, có nhiều kỹ năng thực tế. Hay như khi học môn văn học, SV sẽ tham gia đóng kịch, diễn xuất; khi học môn lý thuyết dịch, các em phải đọc tài liệu, xem trong thực tế những yếu tố chuẩn của việc dịch, yếu tố văn hóa…

Cô bảo, khi ra trường cả chục năm, SV vẫn nhớ bài học của mình trên lớp, bởi các em là nhân tố làm nên bài học chứ không phải là người ngồi chờ đợi ở giảng viên. Cô luôn nhắn nhủ SV rằng, các em thành công bao nhiêu là tùy các em, cô chỉ là người dẫn đường “lái đò đi đúng đường, đích đến là thành công!”.

Nhiều năm trở lại đây, việc đổi mới phương pháp dạy học giúp SV tiếp cận được nhiều cách học hay như làm bài tập nhóm, đọc tài liệu nhiều hơn trước giờ lên lớp hoặc chú trọng nhiều hơn đến nghiên cứu khoa học... điều này khiến giáo viên vất vả hơn trong chuẩn bị tài liệu đứng lớp, chấm bài, hướng dẫn cách học...

PGS,TS Trần Văn Chính, giảng viên cao cấp khoa Điện, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, giáo viên phải cố gắng hơn vì thời lượng lên lớp giảm nhưng vẫn phải cố gắng truyền đạt đầy đủ kiến thức cơ bản cho SV. Do vậy để bài giảng sinh động, giáo viên phải tìm tòi, dùng các công cụ mô phỏng để SV nắm được bài giảng, hoặc phải luôn đặt câu hỏi để gợi ý cho SV, giúp họ tương tác với bài học nhiều hơn.  

Môi trường đại học không chỉ giúp SV học nghề mà còn giúp các em học làm người, do đó những thầy cô, những người dẫn đường tin cậy không chỉ truyền kiến thức, thầy cô còn truyền kỹ năng để khi ra đời, các em không phải bỡ ngỡ. Gần 40 năm là giảng viên của ĐH Bách khoa Đà Nẵng, PGS, TS Trần Văn Chính thấy vui nhất là “Qua nhiều năm giảng dạy, mỗi khi đào tạo được một SV giỏi tôi lại thấy vui. Đặc biệt thấy họ trưởng thành trong công việc. Khi ra trường các em vẫn tìm gặp để trao đổi các vấn đề gặp phải trong thực tế, lúc đó tôi thấy mình là người thầy thành công”.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.