.

Cây bút ở bàn tay trái

.

Những thầy giáo ngày ấy cần mẫn truyền thụ chỉ với mong muốn trò của mình biết trân quý sách, biết cảm thụ văn học, biết “soi” mình vào văn chương để trở thành người có lòng trắc ẩn, yêu quê hương, có hoài bão và thôi thúc dấn thân.

Nhà thơ, nhà giáo Đông Trình đang đọc lại một tác phẩm cũ của mình.
Nhà thơ, nhà giáo Đông Trình đang đọc lại một tác phẩm cũ của mình.

Đạo làm thầy, đạo làm trò

Nổi tiếng từ khá sớm trong phong trào đấu tranh của trí thức miền Nam trước năm 1975, với những bài thơ rực lửa, gợi lên nhiều cung bậc xúc cảm, lúc mãnh liệt, sục sôi, đau đớn, lúc lại trầm ngâm, sâu lắng nhưng với nhà thơ Đông Trình (tên thật Nguyễn Đình Trọng, 72 tuổi, quê Quảng Bình), văn chương chỉ là công cụ để thầy phục vụ sự nghiệp trồng người của mình: “Làm thơ như một nhiệm vụ của trái tim, của một người yêu nước và sử dụng sức mạnh thơ văn để động viên, gieo lửa vào lòng học trò, giúp họ đứng thẳng và xốc tới”.

Thầy giáo Đông Trình không nhắc đến những tập thơ từng gây tiếng vang như “Rừng dậy men mùa”, “Tên gọi mới của hạnh phúc”, “Lấm tấm hạt đau”, “Rừng và Hoa”…hay những giải thưởng văn học từng được nhận. Điều thầy trân trọng, nâng niu nhất là quyển sổ dày có dán và chú thích cặn kẽ những bức thư tay của học trò gửi thầy qua năm tháng. Những bức thư giờ đây đã có tuổi thọ trên dưới 40, được viết trên mọi loại giấy nhưng giống nhau ở nét chữ rất đẹp và sự yêu thương, quý trọng dành cho người nhận – thầy Trọng, thầy Đông Trình.

Lần giở bức thư của những học trò mà thầy gọi là “những trái tim tài hoa”, người viết gặp lại nhà báo Đặng Ngọc Khoa (báo Thanh Niên, mất năm 2009) viết năm 1980: “Em không xuống thăm thầy được vì chân cái của em đang sưng tấy lên, chắc khoảng 2 tuần nữa mới thay được móng – kết quả của 2 ngày chở gạch kiếm tiền đó thầy. Nhớ thầy, em phải viết thư chớ chờ nửa tháng nữa, lâu quá!”, thầy Đông Trình mỉm cười thì thầm như đang tự nhủ mình: “Hắn ở đâu thì cũng bên thầy thôi, chẳng bao giờ thầy nghĩ hắn đi xa cả”.

Trong một bức thư gửi thầy, học sinh khác viết: “Em và các bạn lớp 10C Phan Châu Trinh mỗi lần có dịp gặp nhau là lại trò chuyện về thầy. Cuộc sống dạy chúng em biết rằng, phải biết trân trọng, biết quý những gì ta có được. Và hôm nay, thầy có mặt trong chúng em đầy đặn, ai cũng nóng lòng học tập, làm việc và xem như đó là tấm lòng của mình gửi về thầy. Mong sao tác phẩm của tấm lòng nhiệt tình, sự thủy chung và lòng yêu quê hương của thầy sớm ra đời”.

Bức thư nhà báo Đặng Ngọc Khoa viết tại quê nhà Hòa Tiến, gửi thầy Đông Trình vào ngày 1-11-1980.
Bức thư nhà báo Đặng Ngọc Khoa viết tại quê nhà Hòa Tiến, gửi thầy Đông Trình vào ngày 1-11-1980.

Thầy Đông Trình cho rằng, chỉ nhìn vào gia tài này, thì dù bụi thời gian có dày đến bao nhiêu, trước mắt thầy cũng là những cặp mắt háo hức, ham học của các thế hệ học sinh mà trong đó rất nhiều người “Hoa đã hướng dương”. Sự xúc động khi cả thầy lẫn trò cùng lặng đi trước một câu thơ hay, cùng đau lòng trước vận mệnh đất nước, cùng thiết tha, cháy bỏng và say mê với niềm tin sắt đá vào ngày chiến thắng…

Với thầy Đông Trình, mỗi giờ giảng là một tác phẩm thực sự, sự tâm huyết, tinh thông và cả sự tinh tế của tâm hồn được rút ra bằng câu chữ. Với thầy Đồng Trình, điều đơn giản nhưng cũng khó nhất với một người khi đã chọn nghiệp sư phạm, đặc biệt sư phạm Văn là cần phải đọc nhiều, kiến thức nếu chưa đạt mức uyên thâm thì cũng phải là người am hiểu sâu sắc lĩnh vực mình dạy. Bên cạnh đó, người thầy cần phải có lòng yêu thương học trò theo nghĩa sâu xa của tình cảm thiêng liêng “đạo làm trò” - “đạo làm thầy”.

Một lời giảng hay, lời nhận xét đẹp sẽ giúp “sáng” lên ý nghĩa, giá trị thẩm mỹ của tác phẩm, thổi vào các thế hệ học sinh tình yêu với văn chương, hình thành thói quen đọc sách như một nhu cầu tự thân và tự nhiên. Trên nền tảng này, học trò sẽ tự thăng hoa và sáng tạo cùng với văn chương, tự hình thành khả năng chắt lọc tinh túy từ văn chương để làm giàu vốn sống cho mình.

 “Vắt kiệt sức mình cho một bài thơ, thậm chí cho một câu thơ hay. Sức kiệt rồi mà cái hay chưa đến. Biết như thế nên tôi không dám chọn văn làm nghề. Tôi chọn phấn ở bàn tay phải, bàn tay trái thỉnh thoảng cầm cây bút lên. Tôi không là thi sĩ, trầm mặc và nghiêm túc, tôi là một ông giáo quèn”, thầy Đông Trình đã tự họa về bản thân và nghề nghiệp của mình như thế.

“Làm thơ bằng tiếng mẹ mình và giảng thơ bằng ngoại ngữ”

Nhà thơ Đông Trình đã mô tả về thầy giáo Nguyễn Văn Gia (64 tuổi) như vậy trong bài thơ “Nhân một đám cưới, thử nói về tình yêu”. Là thầy giáo dạy tiếng Anh nhưng yêu văn và thích làm thơ, thầy Gia hiểu rõ giá trị của văn học và ý nghĩa, lợi ích của việc lồng ghép các tác phẩm văn chương nổi tiếng nước ngoài vào quá trình rèn luyện ngoại ngữ.

Từ kinh nghiệm 35 năm đứng lớp, thầy tin rằng, trên nền những bức tranh đẹp được vẽ bằng câu chữ, những triết lý sống động được khắc họa bằng giọng văn mượt mà, người dạy và người học có thể khai thác năng lực dùng từ, mẫu câu tiếng Anh một cách nhẹ nhàng, hứng thú. “Các văn phạm khô cứng, khó nhớ, khó hiểu sẽ trở nên mềm mại hơn khi được gắn với những câu thơ giàu tính nghệ thuật và thẩm mỹ. Hình tượng văn học giúp cấu trúc ngôn ngữ tự thấm vào người học, kiến thức tự đọng lại lâu bền mà không cần nỗ lực nhiều”, thầy Nguyễn
Văn Gia nói.

Khi dạy về động từ khá đặc biệt trong tiếng Anh: “Let” với nghĩa “cho phép, hãy để”. Thầy Gia gửi đến học trò bài thơ “April rain song – Bài ca mưa tháng tư” nổi tiếng của Langston Hughes. Với, những câu thơ đẹp lãng mạn, phù hợp với lứa tuổi học trò như: “Let the rain kiss you – Hãy để mưa hôn em/ Let the rain beat upon head with silver liquid drops – Hãy để mưa chạm lên tóc em những giọt long lanh ánh bạc/ Let the rain sing you a lullaby – Hãy để mưa ru em bằng bản nhạc đồng quê”, và với cách như vậy, có lẽ ít có học sinh nào mà không nhớ cách sử dụng động từ “let”.

Tương tự như vậy, thầy Gia cũng khiến “nỗi ám ảnh” mang tên “Thể bị động” (chia động từ to be) của hầu hết người học tiếng Anh trở nên thú vị hơn khi phân biệt cấu trúc ngữ pháp này với nghĩa “tồn tại” trong câu nói nổi tiếng: “To be or not to be, that is the question – Tồn tại hay không tồn tại, đó là vấn đề”.

Theo thầy Gia, việc tóm lược toàn bộ tác phẩm Hamlet (vở kịch kinh điển của William Shakespeare) không kéo dài quá 15 phút, tuy nhiên, những giây phút quý giá đó có thể giúp học sinh hiểu được nhiều hơn điều câu chữ truyền đạt. Kiến thức không chỉ khoanh vùng trong thể bị động mà mở ra bức tranh sinh động về một xã hội bát nháo với “nhà tù”, “sự bẩn thỉu”, “hàng vạn người mới nhặt ra được một kẻ lương thiện”, nơi đạo lý chồng vợ, vua tôi không còn. Xã hội xấu xa đó càng làm bật lên vẻ đẹp nhân cách của Hamlet trong sự day dứt, đau đớn, bi quan, hoài nghi, do dự. Mặc dù bị thiêu đốt bởi ý nghĩ trả thù, chàng vẫn đau đáu nghĩ đến phẩm giá, lẽ sống, lòng nhân ái để quay quắt tìm kiếm một thái độ ứng xử phù hợp.

“Khi biết cách lồng ghép phù hợp, văn chương nước ngoài mang lại cho người học nhiều hơn cả ngoại ngữ. Thơ văn không chỉ dạy ngữ pháp và cấu trúc qua câu chữ mà bằng hình ảnh nghệ thuật, nó còn truyền cái đẹp, cảm hứng thơ ca cho người học. Đây chính là bí quyết giúp giờ học tránh được sự cứng nhắc và tẻ nhạt”, thầy Gia chia sẻ.

Trước đây, người đến trường nhưng không yêu thơ văn, không biết đọc sách, đó là điều đáng xấu hổ. Giờ đây, khi nhịp sống ngày càng nhanh, các loại hình giải trí ngày càng đa dạng thì dường như văn thơ và thói quen đọc sách đang được đặt xuống hàng thứ yếu. Thầy Đông Trình và thầy Nguyễn Văn Gia đều hi vọng rằng, người dạy, bằng cái tâm của mình sẽ hiểu được tầm quan trọng của văn học - cái nôi giúp bồi đắp tính nhân văn, lòng vị tha, giúp hướng học sinh đến những giá trị Chân – Thiện –
Mỹ, giúp hình thành mục tiêu sống có lý tưởng, hoài bão chứ không chỉ dừng lại ở việc đọc lại những trang giáo trình cần phải hoàn thành trước khi năm học kết thúc.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.