.

Nghe gió nhớ nghề...

.

Nghề “đo gió đếm mưa” đã ăn sâu vào trong nếp sống, nếp nghĩ của những người làm ngành khí tượng thủy văn, ngay cả nghỉ hưu rồi mà mỗi khi nghe gió rít, thấy mưa rơi, nhìn lá bay tới tấp ngoài đường là lòng lại cảm thấy bồi hồi…

Ông Nguyễn Vinh (trái) và ông Hoàng Tấn Liên ôn lại “sự kiện đập Phú Ninh” trong trận lũ lịch sử năm 1999. Ảnh: V.T.L
Ông Nguyễn Vinh (trái) và ông Hoàng Tấn Liên ôn lại “sự kiện đập Phú Ninh” trong trận lũ lịch sử năm 1999. Ảnh: V.T.L

1. Trận mưa lớn đêm trước vẫn còn để lại dấu tích trên những xác lá cây dọc hai bên đường, khi chúng tôi đến thăm các ông Nguyễn Vinh và Hoàng Tấn Liên. Với kinh nghiệm “lão làng” trong ngành khí tượng thủy văn (KTTV), hai ông nhận định đó là mưa của hệ thống đới gió đông kết hợp với cao áp lục địa nên lúc mưa lúc tạnh, lên xuống như sóng hình sin. Những thuật ngữ với chúng tôi như những “ẩn số”, nhưng các ông thì chẳng lạ gì “chuyện nắng mưa trần gian”.

Nhà hai ông ở gần Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ trên đường Trưng Nữ Vương, mỗi khi rảnh rỗi lại uống với nhau chén trà, nhắc chuyện xưa. Ông Vinh quê Quảng Ngãi, thuộc thế hệ 4X, có bằng kỹ sư của Đại học KTTV Odessa (Liên Xô cũ), năm 1967 đã làm nghề “bắt mạch ông trời” ở Thái Bình, tháng 10-1972 về miền Nam, đến 1975 tiếp quản Đà Nẵng và công tác ở Đài trên cương vị Trưởng phòng Dự báo cho đến khi nghỉ hưu, năm 2001.

Với ông Liên, tôi đã làm việc mấy lần khi ông còn là Phó giám đốc Đài. Ba năm nay “rửa tay gác kiếm”, tưởng sẽ ít nhiều được nhẹ tênh đầu óc mỗi khi mưa gió thét gào bên ngoài khung cửa, nhưng ông có cảm giác như vẫn còn cùng đồng nghiệp giong ruổi đâu đó vì cái nghiệp “đo gió đếm mưa”. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành dự báo thủy văn năm 1973, chàng kỹ sư trẻ ngày ấy rời quê nhà Đồng Hới, Quảng Bình, làm nghề “bắt mạch lũ” dọc theo chiều dài đất nước. Học ở trường đã đi thực tập rồi, nhưng khi lần đầu nhận công tác ông vẫn phải 3 tháng đi thực tế, lặn lội xuống đo đạc mực nước dưới sông để theo dõi tình hình mưa lũ.

2. Quãng đời gần 40 năm công tác của các ông có thể gói gọn trong cụm từ “đi mưa về gió”.

Trước năm 1980, ông Vinh từng lên A Vương xây dựng trạm đo mưa huyện Hiên (cũ), lúc đó chưa có đường Hồ Chí Minh, phải đi từ Giằng dọc theo sông Bung. Ông cùng một cán bộ ngành bưu điện đi trên chiếc xe Jeep cũ kỹ, nhiều đoạn phải xuống đẩy xe. Việc thành lập trạm ở nơi heo hút này góp phần nâng cao tính chính xác trong dự báo thủy văn toàn tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lúc đó nên gian khổ, khó khăn chẳng là gì đối với ông. Mỗi khi nhận thông tin các dự báo viên từ trạm gửi về, ông lại cảm thấy ấm lòng, công sức, tâm huyết của mình vậy là đã mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Với ông Liên, một trong những kỷ niệm khó phai là với quê nhà của ông. Năm 1997, hồ Đập Bẹ ở Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, mới vừa gia cố thêm độ cao thì lũ về, mực nước có khả năng vượt trên độ cao cho phép. Ông Nguyễn Ngọc Giai, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh lúc đó, liên lạc liên tục với ông để nắm tình hình mưa lũ, nếu mực nước tăng thêm 20cm nữa thì sẽ cho nổ mìn phá đập. Dân đã được huyện cho đi sơ tán. Trạm Thủy văn Mai Hóa cách đó gần 2km, nếu đập vỡ thì trạm cũng sẽ chìm trong biển nước. Ông theo dõi mây trên vệ tinh cùng với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, dự đoán khả năng nước chỉ thêm lên 10cm nữa thôi và khuyên không nên phá đập. Mọi việc đã diễn ra như ông dự báo…

Hai năm sau đó, hồ Phú Ninh ở Quảng Nam lặp lại kinh nghiệm của hồ Đập Bẹ. Cơn lũ lịch sử năm 1999 đã đặt ra một bài toán cân não đối với lãnh đạo tỉnh và những người làm công tác dự báo mưa lũ. Nếu ngoài hiện trường mọi người đội mưa đội gió sốt ruột theo dõi mực nước hồ dâng lên từng xăng-ti-mét thì ở Đài, ông Liên và ông Vinh cùng các cộng sự không kém căng thẳng, trực suốt đêm bên các máy móc thiết bị, đưa thông tin có độ chính xác cao để vị “nguyên soái” của mặt trận đập hồ Phú Ninh lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Tập thêm tự tin “cãi” lại ý kiến của Trung ương khi không nổ thân đập để tháo nước. Quyết định sinh tử này đã cứu nguy hàng chục ngàn người dân, bảo vệ đập an toàn đến tận ngày nay.

3. Một trong những người thuộc thế hệ 5X giữa đời làm nghề “đo mưa đếm gió” ở Đà Nẵng là chị Nguyễn Thị Thu Sương.  Chị vào Trường trung cấp KTTV Trung ương sau khi rớt Đại học Tổng hợp - nơi mà chị hy vọng sẽ có một nghề được thả hồn với mây, gió, sao, trăng. Trước khi thi tốt nghiệp, chị thực tập 3 tháng ở đảo Hòn Dấu, Đồ Sơn, Hải Phòng, đi đo độ mặn nước biển, độ cao sóng. Lên đảo vài ngày thì đã “nếm mùi” gian khổ bằng một cơn bão đến thăm!  

Ra trường năm 1979, chị công tác ở các trạm của Quảng Nam – Đà Nẵng, thỉnh thoảng một mình đi công tác vài tuần hoặc cả tháng ở Tuy Hòa, Sa Huỳnh, A Lưới, Trà Bồng… Trạm Khí tượng cần thoáng đãng để quan sát hiện tượng, tầm nhìn nên thường nằm trên đồi với hai hoặc ba nhân viên. Một giờ đêm mọi người đang ngon giấc thì chị phải một mình đi quan trắc. Trời tối đen, đèn pin thì phập phù, đôi khi công-tắc hỏng phải vừa bấm vừa gõ. Nắng như nung hay mưa bão hai lần áo mưa vẫn ướt như dầm cũng phải bươn ra giữa trời mà đo đạc.

Chị và tất cả những người đến độ tuổi cũng phải chia tay với đồng nghiệp để nhường chỗ trống cho các bạn trẻ. Ngày nay với trang thiết bị hiện đại, môi trường sống ở các trạm đã thuận lợi hơn rất nhiều nên KTTV là một ngành nghề mơ ước với các bạn trẻ ở địa phương có trạm, nhất là ở thời buổi mà sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Theo chị, KTTV là một nghề trong sạch ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, một môi trường làm việc lý tưởng cho những người theo xu hướng sống chậm, xu hướng mà thế giới hiện đại đang hướng đến.

4. Ngành KTTV không đơn thuần chỉ là việc “đo đếm gió mưa” mà còn góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đó là trường hợp của những người từng ra Hoàng Sa trước năm 1975, như ông Nguyễn Nhự, hiện ở thôn Bắc An, xã Hòa Tiến.

Ông ra đảo cả thảy ba lần, từ 1969 đến 1972, được Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng cử ra công tác ở Ty Khí tượng Hoàng Sa. Mỗi ngày, ông cùng đồng nghiệp thả bóng thám không hai lần vào 6 giờ sáng và 12 giờ trưa; thực hiện tám lần quan trắc khí tượng, mỗi lần cách nhau 3 giờ. Khi có bão, phải vất vả hơn chút, quan trắc và báo cáo hàng giờ về Sài Gòn để Nha Khí tượng thông báo dự đoán cường độ và hướng đi của bão...

Hồi đó, qua hệ thống viễn thông phát đi từ Sài Gòn, cả vùng Đông Nam Á và Đông Á đều biết đến Hoàng Sa của Việt Nam qua ký hiệu 48860; trong đó, 48 là vùng Đông Nam Á, 860 là Ty Khí tượng Hoàng Sa. Đóng góp cho việc quảng bá quần đảo của Tổ quốc ra thế giới bằng dự báo thời tiết ngày ấy có những người làm công việc thầm lặng như ông.

Mỗi lần nghe bản tin dự báo thời tiết trên truyền hình, ai từng làm nghề “đo mưa đếm gió” mà không cảm thấy nao nao trong dạ? Ông Nhự mường tượng những cơn bão xoáy thẳm biển trời tít tắp tận Hoàng Sa. Chị Sương gửi lòng vào những trang văn, rằng sẽ một ngày có bước chân của những bạn trẻ ra Hoàng Sa, nối chí tiền nhân cắm lá cờ chủ quyền biển đảo bằng cái nghề nhọc nhằn gắn với gió mưa, bão lũ…

Kỷ niệm đi obs

Mỗi kỳ đo đạc (gọi là đi “ốp”, tức obs, cách gọi trong ngành để chỉ các ca trực trong ngày) ngoài trời chỉ mười lăm phút nhưng phải theo dõi liên tục 24/24 giờ. Mưa, dông, chớp, lốc cuốn, tốc độ gió lớn nhất, hướng gió thịnh hành…tất cả đều phải ghi vào sổ đầy đủ.

15 phút đo đạc nhưng các thao tác phải chính xác từng phút một. Các yếu tố quan trắc được phải mã hóa thành các nhóm số chuyển ngay về Đài sau đó chuyển ra Hà Nội để phục vụ dự báo. Chậm dăm phút là đã họp trạm phê bình, cắt lao động tiên tiến, đình lên lương. Lương đã thấp lại ba năm mới được xét. Cá nhân bị rồi trạm cũng bị hạ bậc thi đua. Cho nên ai chậm obs thì đau đến từng chân tóc.

Thời gian đầu mới vào nghề tôi phải lấy chậu nhôm úp lên đồng hồ báo thức để tiếng to hơn. Vậy mà có khi vẫn chào thua vì đồng hồ chết và vì mình… ngủ như chết. Đấy là lúc thời tiết tốt được chợp mắt, còn mưa bão, kỳ đo dày hơn thì thức trắng đêm. Mỗi lần vào ca đêm là nơm nớp. Lo cả khi không vào ca đêm. Ngay trong kỳ nghỉ phép đầu tiên tôi đã làm mẹ giật mình vì đang ngủ bật dậy tưởng chậm obs. Về hưu rồi vẫn vậy, nhiều khi không thở nổi vì mơ thấy ôm sổ chạy hộc tốc.

Nhìn trời nhìn mây thành thói quen, về hưu rồi vẫn hay nhìn trời và thỉnh thoảng “đi obs” vì mục đích khác, như khi bạn bè nhờ xem trời để… làm dưa món và đổ mê!

Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên kiểm soát viên Phòng Quản lý mạng lưới trạm – Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ)

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.